Chuyển dịch sản xuất nông nghiệp đô thị: Chính sách là “đòn bẩy”

Ngành nông nghiệp TPHCM luôn chịu áp lực lớn từ diện tích đất luôn bị thu hẹp, hàng năm có khoảng 800 - 1.000ha đất nông nghiệp bị chuyển đổi công năng khác, nhưng vẫn phải đảm bảo tốc độ sản xuất. Để làm được điều này, việc nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp là yêu cầu được đặt ra. Muốn vậy phải chuyển sản xuất nông nghiệp truyền thống sang nông nghiệp đô thị, ứng dụng công nghệ cao, chuyển đất lúa giá trị thấp sang cây, con có giá trị cao.
Chuyển dịch sản xuất nông nghiệp đô thị: Chính sách là “đòn bẩy”

Ngành nông nghiệp TPHCM luôn chịu áp lực lớn từ diện tích đất luôn bị thu hẹp, hàng năm có khoảng 800 - 1.000ha đất nông nghiệp bị chuyển đổi công năng khác, nhưng vẫn phải đảm bảo tốc độ sản xuất. Để làm được điều này, việc nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp là yêu cầu được đặt ra. Muốn vậy phải chuyển sản xuất nông nghiệp truyền thống sang nông nghiệp đô thị, ứng dụng công nghệ cao, chuyển đất lúa giá trị thấp sang cây, con có giá trị cao.

Kết quả hơn mong đợi

Kết quả chương trình chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp từ năm 2006 cho thấy, chủ trương này là đúng hướng, phát huy được thế mạnh của nền nông nghiệp đô thị ngay cạnh thị trường lớn với khoảng 10 triệu người dân. Nhờ đó, diện tích đất lúa đã được chuyển dịch sang nhiều cây trồng hay vật nuôi khác lên đến cả chục ngàn hécta. Chính vì vậy, giá trị sản xuất nông nghiệp trên 1ha đất nông nghiệp ở TPHCM đã được nâng cao qua từng năm. Năm 2011 trên 170 triệu đồng/ha/năm, năm 2012 đạt 239 triệu đồng/ha/năm.

Có thể nói, TPHCM là địa phương dẫn đầu về giá trị sản xuất nông nghiệp trên 1ha. Đây là kết quả của quá trình chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp truyền thống sang nông nghiệp đô thị, ứng dụng công nghệ cao như rau an toàn, cá cảnh, hoa kiểng, cá sấu, bò sữa, tôm nước lợ và vật nuôi mới nhất là chim yến…

Sản xuất bánh tráng truyền thống xuất khẩu tạo nhiều việc làm tại huyện Củ Chi. Ảnh: Phạm Kim Ngân

Sản xuất bánh tráng truyền thống xuất khẩu tạo nhiều việc làm tại huyện Củ Chi. Ảnh: Phạm Kim Ngân

Trước đó, việc chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp TPHCM cho thấy, tốc độ tăng trưởng bình quân 5,7%/năm, riêng năm 2012 là 6,1% là một thành tựu ấn tượng khi điều kiện chuyển đổi gặp nhiều khó khăn như dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi (nhất là trên gia súc, gia cầm, tôm sú…), đặc biệt khi nông nghiệp TP bị trì trệ trong thời gian khá dài cuối những năm 1990 và đầu những năm 2000. Việc chuyển đổi này giúp cơ cấu sản xuất giữa trồng trọt, chăn nuôi và thủy sản có tỷ lệ khá lý tưởng. Trong đó, trồng trọt chiếm 23,2%, chăn nuôi 46,3%, thủy sản 22,5%, dịch vụ nông nghiệp 7,1%. Cơ cấu kinh tế nông nghiệp đang chuyển dịch theo hướng giảm diện tích trồng lúa kém hiệu quả, chỉ còn khoảng 20.000ha, giảm 5,7% so với năm 2011 và vài chục ngàn hécta khi chưa chuyển đổi. Trong đó, diện tích gieo trồng rau an toàn cả năm 2012 đạt 14.456ha, tăng 7% so với năm 2011.

        Hỗ trợ lãi suất

Có thể nói, thành công của việc chuyển đổi có yếu tố quyết định từ người dân, nhưng bên cạnh việc khuyến khích, tuyên truyền để nông dân hiểu rõ mục đích nhằm nâng cao thu nhập thì chính sách của TP, đặc biệt là những quyết định nhằm đưa chủ trương thành hiện thực từ việc vay vốn có tính đòn bẩy, là yếu tố “kích cầu”. Vì vậy, việc UBNDTP đưa ra các quyết định phù hợp từng thời điểm nhằm khắc phục hạn chế quyết định trước đó đã có ý nghĩa quyết định. Nếu như Quyết định 449, sau đó là Quyết định 105 như khúc dạo đầu trong việc ưu tiên cho người tham gia chuyển đổi thì Quyết định 36 cách đây hơn 1,5 năm lại có ý nghĩa rất lớn. Theo Sở NN-PTNT TPHCM, đã có 1.607 phương án của 7.513 gia đình, trang trại, doanh nghiệp được UBND các cấp duyệt phương án sản xuất, hỗ trợ lãi vay với tổng vốn đầu tư hơn 3.170 tỷ đồng theo Quyết định 36 của UBND TPHCM về khuyến khích chuyển dịch cơ cấu sản xuất theo hướng nông nghiệp đô thị (thủy sản, hoa kiểng và bò sữa). Trong đó, huyện Củ Chi có 844 phương án, Nhà Bè 380 phương án. Bình quân vốn vay 241 triệu đồng/hộ. Qua đó giải quyết việc làm hơn 18.800 lao động. Theo Sở NN-PTNT TPHCM, 1 đồng vốn ngân sách hỗ trợ lãi vay theo Quyết định 36 huy động được 22 đồng, trong đó, từ ngân hàng 12,6 đồng, huy động trong dân 9,4 đồng. Tỷ suất tổng giá trị sản xuất trên vốn đầu tư đạt hơn 158%.

Để hạn chế những khiếm khuyết của Quyết định 36, mới đây UBND TPHCM ra Quyết định 13/2013/QĐ về việc khuyến khích chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp đô thị giai đoạn 2013 – 2015. Theo đó, cá nhân, gia đình, doanh nghiệp sản xuất hoa lan, cây kiểng, cá cảnh, nuôi trồng thủy sản khai thác hiệu quả nguồn nước kênh Đông được thành phố hỗ trợ 80% lãi suất; đầu tư sản xuất các loại cây trồng vật nuôi khác theo quy hoạch, ký kết hợp đồng sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, mua nguyên - nhiên - vật liệu phát triển ngành nghề nông thôn được hỗ trợ 60% lãi suất. Hộ nghèo được ngân sách hỗ trợ 100% lãi suất. Thời gian hỗ trợ từ 12 tháng đến 36 tháng tùy phương án. Riêng đầu tư xây dựng cơ bản, mua máy móc thiết bị sơ chế, chế biến sản phẩm nông nghiệp, sản xuất giống, sản xuất nông nghiệp tốt và sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao được cấp chứng nhận TP hỗ trợ 100% lãi suất, thời hạn hỗ trợ lãi vay không vượt quá 5 năm. Số tiền vay từ 100 triệu đồng đến 5 tỷ đồng. 

CÔNG PHIÊN

Tin cùng chuyên mục