Hình thành nhiều chuỗi thực phẩm an toàn

Không phải ngẫu nhiên thời gian gần đây xã hội quan tâm đến việc quả táo để mấy tháng vẫn không hư. Mặc dù cơ quan chức năng giải thích nhưng dư luận vẫn nghi ngờ.
Hình thành nhiều chuỗi thực phẩm an toàn

Không phải ngẫu nhiên thời gian gần đây xã hội quan tâm đến việc quả táo để mấy tháng vẫn không hư. Mặc dù cơ quan chức năng giải thích nhưng dư luận vẫn nghi ngờ.

Điều này cho thấy, so với 5-10 năm về trước, an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) là vấn đề được cả xã hội đặc biệt quan tâm. Đây là xu thế tích cực để từng bước xây dựng các chuỗi thực phẩm an toàn.

Sơ chế rau an toàn tại HTX Phú Lộc, huyện Củ Chi.

Những kết quả bước đầu

Từ đề xuất của TPHCM, năm 2011, Thủ tướng Chính phủ đồng ý để TP triển khai đề án “Xây dựng mô hình thí điểm và triển khai thực hiện phương án quản lý thực phẩm theo chuỗi cung cấp thực phẩm an toàn giai đoạn 2011-2015”. Tại buổi làm việc của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) Cao Đức Phát tuần qua với UBND TPHCM, Giám đốc Sở NN-PTNT TP Nguyễn Phước Trung cho biết, ngành nông nghiệp TP và 22 tỉnh vùng đồng bằng sông Cửu Long, Đông Nam bộ (kể cả Lâm Đồng), Nam Trung bộ đã phối hợp với nhau trong việc cùng quản lý và kiểm soát các mặt hàng rau quả, thịt và thủy sản từ nuôi trồng đến thu hoạch, vận chuyển. Kết quả, đã thực hiện được chuỗi rau muống hạt với 11 cơ sở tham gia, khổ qua 7 cơ sở, bắp cải 6 cơ sở, cà rốt 3 cơ sở, cà chua 9 cơ sở, chuỗi trứng gia cầm 6 cơ sở, chuỗi thịt gà với 3 cơ sở, chuỗi thịt heo 2 cơ sở. Ngoài ra còn có chuỗi sản phẩm cá viên của Công ty cổ phần Chế biến hàng xuất khẩu Cầu Tre tham gia, sản phẩm được bán ở các siêu thị trong TP và các tỉnh; chuỗi cá điêu hồng của Công ty CP Kinh doanh thủy hải sản Sài Gòn (APT); chuỗi tôm chân trắng tại 3 cơ sở nuôi ở Cần Giờ tiêu thụ tại chợ đầu mối Bình Điền. Nhờ đó, TP và các tỉnh phối hợp kiểm soát nguồn nông sản thực phẩm với khoảng 71.500 tấn rau quả/tháng (chiếm 69% nhu cầu TP), 13.600 tấn thịt heo/tháng (chiếm 78,8% nhu cầu), 4.900 tấn thịt gà/tháng (chiếm 86,5% nhu cầu), gần 77 triệu trứng gia cầm/tháng (chiếm hơn 71% nhu cầu), và khoảng 16.700 tấn thủy sản (chiếm 75,3% nhu cầu). Tỷ lệ các mẫu rau quả vi phạm chỉ chiếm 5%-7%, với thịt là 1%.

Tuy nhiên, khi vận hành chuỗi gặp không ít vướng mắc. Theo ông Nguyễn Phước Trung, chỉ sản phẩm động vật mới có quy định giấy chứng nhận kiểm dịch an toàn kèm theo lô hàng; các loại nông sản khác như rau, củ, quả và thủy sản chưa có nên gặp khó trong việc truy xuất nguồn gốc khi gặp vấn đề về lô hàng. Bên cạnh đó, việc áp dụng quy chuẩn kỹ thuật của ngành trong sản xuất, sơ chế hay chế biến chưa thật sự đồng bộ và thống nhất. Hơn nữa, việc kiểm soát dịch bệnh, ATVSTP còn gặp nhiều khó khăn do diện tích sản xuất và quy mô chăn nuôi nhỏ. Để có cơ sở xử lý đối với các trường hợp nông sản thực phẩm tươi sống bị nhiễm khuẩn hoặc tồn dư hóa chất hay chất cấm, phải có kết quả phân tích định lượng tại phòng kiểm nghiệm được chỉ định từ 2 - 4 ngày, trong khi với khoảng 7.500 tấn/ngày đêm đổ về 3 chợ đầu mối nông sản phải được phân phối gấp để cung cấp cho nhu cầu tiêu dùng TP và các tỉnh ngay trong đêm. Hiện chưa có quy định tạm giữ lô hàng trong thời gian chờ kết quả phân tích định lượng, nên khi có kết quả thì lô hàng đã không còn tại chợ. Vì vậy, việc xử lý vi phạm về ATTP đối với các nông sản thực phẩm tươi sống bị nhiễm hóa chất, chất cấm tại chợ đầu mối không thể tịch thu, tiêu hủy mà chỉ xử lý vi phạm hành chính như phạt tiền.  

Còn nhiều vướng mắc

Tương tự, việc kiểm tra, giám sát và xử lý vi phạm các chất cấm thuộc nhóm Beta-agonist trong chăn nuôi cũng gặp khó khăn. Khi phân tích định tính bằng kit thử nhanh hoặc phân tích bán định lượng bằng kit ELISA chung cho nhóm Beta-agonist hoặc định tính riêng cho từng chất Clenbuterol, Salbutamol và Ractopamine, nếu dương tính phải tiếp tục phân tích định lượng nên mất thêm thời gian, trong khi việc giết mổ và phân phối, tiêu thụ diễn ra trong thời gian rất ngắn, nếu phát hiện và chờ kết quả phân tích định lượng thì toàn bộ số thịt đã bán hết. Hơn nữa, so với những chuỗi nông, thủy sản khác, việc tiêu thụ có phần thuận lợi nhờ ký hợp đồng với các bếp ăn tập thể, trường học, hệ thống siêu thị, nhưng với chuỗi thịt thì chưa thật sự rõ nét. Dù heo nuôi được chứng nhận VietGAHP, nhưng khâu giết mổ, không phải cơ sở nào cũng đạt chuẩn, khâu vận chuyển cũng vậy. Khi đưa thịt ra chợ đầu mối xem như “mất dấu” thịt an toàn. Người tiêu dùng không cách nào nhận biết khi những nơi này chưa có quầy riêng mà để chung với thịt bình thường khác.

Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát tham quan nhà sơ chế của Liên tổ sản xuất rau an toàn Tân Phú Trung, Củ Chi

Bộ trưởng Cao Đức Phát cho rằng, TPHCM là địa phương đi đầu trong việc triển khai các chuỗi thực phẩm an toàn, đó là xu thế tất yếu mà các địa phương phải làm. Vì vậy, cần tìm hiểu kỹ hơn việc vận hành các chuỗi từ thực tế để có những điều chỉnh phù hợp hay tháo gỡ những vướng mắc. Bộ trưởng đồng ý với việc đề xuất của TP cần thành lập ban chỉ đạo chung trong việc điều hành các chuỗi thực phẩm an toàn giữa các tỉnh thành, để kịp thời giải quyết những phát sinh.

Ông Trung cho biết, sắp đến toàn TP sẽ chỉ còn lại các cơ sở giết mổ công nghiệp, không còn các cơ sở thủ công, nhưng nếu các cơ quan quản lý không có những quy định chặt chẽ, sẽ dẫn tới tình trạng thương lái chuyển gia súc về các tỉnh giết mổ thủ công, tạo ra sự cạnh tranh không lành mạnh. Rất cần chính sách riêng cho TPHCM và những TP khác nhằm khuyến khích việc giết mổ công nghiệp, đảm bảo vệ sinh, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng.  Bộ trưởng Cao Đức Phát đồng ý xem xét vấn đề này và đề nghị TP nên chăng có hẳn chợ hay kênh phân phối thực phẩm an toàn. Việc hình thành chuỗi ATVSTP là quá trình đòi hỏi phải kiên trì, vấn đề là làm sao để người tiêu dùng nhận diện được thực phẩm an toàn.

CÔNG PHIÊN

Khi xã hội đang quan tâm

Tại buổi làm việc với UBND TPHCM về chuỗi thực phẩm an toàn cuối tuần qua, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát cho biết, 90% người dân được hỏi đều cho rằng sức khỏe là mối quan tâm hàng đầu khi chọn mua thực phẩm. Trong khi đó, tại hội thảo “Những thách thức kinh doanh nông nghiệp tại Việt Nam” do Euro Cham tổ chức mới đây, bà Regina Loo, Giám đốc Marketing BigC cho biết, nhận thức về an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) của người tiêu dùng Việt Nam đã được nâng cao hơn trước rất nhiều, ngày càng có nhiều người quan tâm đến sản phẩm an toàn hơn là giá bán. Nắm bắt xu thế này, nhiều doanh nghiệp đã và đang từng bước xây dựng hay khép kín chuỗi ATVSTP.

Hợp tác xã Nuôi heo an toàn Tiên Phong (huyện Củ Chi, TPHCM), Công ty Chăn nuôi và chế biến thực phẩm Sài Gòn (Sagrifood) thuộc Tổng Công ty Nông nghiệp Sài Gòn (Sagri) ngay từ tháng 8-2007 đã cùng thực hiện dự án sản xuất thịt heo an toàn với sự tài trợ của Sở Khoa học-Công nghệ TPHCM. Không dừng lại ở việc cung cấp thịt heo an toàn mà còn tiến tới việc chế biến thực phẩm nhằm đảm bảo các tiêu chuẩn về ATVSTP trong chuỗi từ trang trại đến bàn ăn. Trước đó Sagri đã hợp nhất các thành viên trực thuộc (Xí nghiệp Giống cấp 1, Xí nghiệp Chăn nuôi heo Đồng Hiệp, Phước Long, cùng Nhà máy Thức ăn gia súc An Phú và XN Chế biến thực phẩm Nam Phong, bao gồm trung tâm giết mổ) thành Sagrifood. Theo đó, thịt heo được nuôi theo quy trình khép kín từ con giống sạch bệnh, nuôi công nghiệp chuồng mát, thức ăn đạt tiêu chuẩn về vi sinh, kháng sinh, không chứa chất kích thích, khi heo xuất chuồng được giết mổ treo, vận chuyển bằng xe chuyên dùng để đưa đến các điểm bán hoặc làm thực phẩm chế biến... Sở Y tế TPHCM đã chứng nhận các khâu như chăn nuôi, giết mổ của XN Chế biến thực phẩm Nam Phong là cơ sở đủ điều kiện tham gia chuỗi thực phẩm an toàn từ năm 2010. Hiện nay, để nâng lên một bước, chuỗi ATVSTP của Sagrifood và HTX Tiên Phong đang trong quá trình chứng nhận chuỗi cung ứng theo VietGAHP.

Với Công ty cổ phần Chăn nuôi CP Việt Nam (CPVN) lại đi theo hướng khép kín từng giai đoạn. Bắt đầu từ việc xây dựng một loạt nhà máy chế biến thức ăn chăn nuôi, đến việc cung cấp con giống heo, gà để các trại nuôi gia công và thu mua lại sản phẩm, thời gian qua là việc xây dựng nhà máy giết mổ và chế biến thực phẩm tại Khu Công nghiệp Phú Nghĩa, Hà Nội với vốn đầu tư 20 triệu USD, công suất giết mổ gia cầm 42.000 tấn/năm, công suất chế biến 10.800 tấn xúc xích/năm. Đây là nhà máy hiện đại nhất nhì khu vực, đảm bảo ATVSTP và thân thiện môi trường để cung cấp thị trường trong nước, đón đầu việc xuất khẩu thực phẩm chế biến. CPVN đã khép kín chuỗi thực phẩm an toàn theo dạng 3F (feed-farm-food) như cách mà Tập đoàn CP đã làm ở Thái Lan. Liên kết với người dân, CPVN còn hình thành hệ thống cửa hàng bán lẻ thực phẩm với mục tiêu 10.000 cửa hàng như: CP Freshmart, CP Shop, Five Star và ki ốt gà quay tại TPHCM, Hà Nội, Đà Nẵng…

Cũng tại hội thảo “Những thách thức kinh doanh nông nghiệp tại Việt Nam”, ông Gabor Fluit, Tổng Giám đốc Công ty De Heus (Hà Lan), cho biết, được sự hỗ trợ của Chính phủ Hà Lan, De Heus liên kết với DN về giống, chăn nuôi, giết mổ, logistics tiến tới việc xây dựng chuỗi chăn nuôi heo sạch từ kinh nghiệm của Hà Lan. Có thể nói, việc sản xuất thịt an toàn và chế biến đạt tiêu chuẩn quốc tế (Codex), không chỉ đáp ứng nhu cầu xã hội mà còn góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống người dân và cho chính sự bền vững của ngành chăn nuôi, sẵn sàng vượt qua áp lực cạnh tranh khi hội nhập, nhất là với Hiệp định Đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương - TPP có hiệu lực khi ngành chăn nuôi bị xem là yếu thế so với các nước thành viên.

ĐĂNG LÃM

Tin cùng chuyên mục