Cẩn trọng giống lúa... gà ăn

Thời gian gần đây, nông dân các tỉnh ĐBSCL ồ ạt trồng giống lúa Ma Lâm 202 (ML 202) mà người dân quen gọi là “lúa gà ăn” vì năng suất cao, nhưng phẩm chất thấp. Nhiều chuyên gia nhận định, giống lúa này chỉ thích hợp với vùng Tây Nguyên, miền Trung; do đó việc trồng ồ ạt ở ĐBSCL sẽ dẫn đến nguy cơ phá vỡ quy hoạch, cơ cấu của vùng sản xuất lúa gạo xuất khẩu trọng điểm của cả nước.

Ồ ạt trồng lúa siêu năng suất

Thời gian gần đây, nông dân các tỉnh ĐBSCL ồ ạt trồng giống lúa Ma Lâm 202 (ML 202) mà người dân quen gọi là “lúa gà ăn” vì năng suất cao, nhưng phẩm chất thấp. Nhiều chuyên gia nhận định, giống lúa này chỉ thích hợp với vùng Tây Nguyên, miền Trung; do đó việc trồng ồ ạt ở ĐBSCL sẽ dẫn đến nguy cơ phá vỡ quy hoạch, cơ cấu của vùng sản xuất lúa gạo xuất khẩu trọng điểm của cả nước.

Ồ ạt trồng giống lúa… năng suất cao?

Giống lúa ML 202 xuất xứ từ trại giống Ma Lâm (tỉnh Ninh Thuận), được nông dân ĐBSCL đưa về trồng thử nghiệm vài năm nay, bởi năng suất cao, ít sâu bệnh. Ông Lê Văn Minh, ngụ ấp Hồi Xuân, xã Xuân Hiệp, huyện Trà Ôn (Vĩnh Long) đang gieo trồng 3ha lúa ML 202, cho biết: “Giống lúa này hạt tròn, nhỏ hơn lúa IR 50404 nhưng năng suất cao hơn. Vụ vừa rồi, tôi thu hoạch bán ngay tại ruộng với giá 5.000 đồng/kg nên lợi nhuận còn cao hơn những hộ trồng giống lúa hạt dài, lúa chất lượng cao…”. Mấy năm nay Hợp tác xã (HTX) Dịch vụ nông nghiệp Xuân Hiệp (xã Xuân Hiệp) sản xuất giống lúa này rồi cung ứng cho bà con quanh vùng. Bà Lê Thị Lệ Hoa, Chủ nhiệm HTX cho biết: “Năm 2010, nghe nói giống lúa này năng suất cao nên tôi đặt hàng ngoài tỉnh Ninh Thuận 10kg đem về gieo trồng và nhân giống bán cho bà con xung quanh.

Từ đó đến nay rất nhiều người trồng vì năng suất cao, ít sâu bệnh”. Những nông dân từng trồng giống lúa này khẳng định, đây là giống “siêu” trúng. Vụ đông xuân, năng suất có thể lên tới 10,5 tấn/ha; còn các vụ khác từ 7 - 9 tấn/ha. Trong khi đó, giống IR 50404 trước đây được xem là có năng suất cao nhất, nhưng giờ lại “chịu thua” giống lúa ML 202. Tuy nhiên, giống lúa này lại có nhược điểm là bị bạc bụng, phẩm chất gạo thấp… nên chủ yếu bán cho những hộ dân làm bột, làm bún và đặc biệt là nuôi gà, vịt. Vì thế, người dân đặt tên là lúa “gà ăn” hay lúa “siêu” năng suất.

Theo thống kê của ngành nông nghiệp, giống lúa ML 202 được trồng phổ biến ở các tỉnh Vĩnh Long, Trà Vinh, Bến Tre. Trong đó, tỉnh Vĩnh Long trồng nhiều nhất với diện tích hơn 5.300ha. Riêng huyện Mang Thít, giống lúa ML 202 chiếm tới 60% trong cơ cấu giống, thậm chí có một số xã diện tích lúa ML 202 lên tới 90%. Ông Nguyễn Văn Vui, ngụ xã Mỹ An, huyện Mang Thít, cho biết: “Mấy năm nay vùng này cứ 10 người thì có đến 9 người gieo sạ lúa ML 202. Một số nông dân thấy năng suất cao là mua về gieo sạ chứ không biết tên gì, nên gọi là lúa “siêu” trúng. Vụ đông xuân có thể hơn 10 tấn/ha, sau khi thu hoạch thương lái đến mua tại ruộng với gia cao hơn lúa IR 50404, nên ai cũng thích trồng”. Theo cán bộ nông nghiệp xã Mỹ An (huyện Mang Thít), vụ vừa qua toàn xã gieo sạ 500ha lúa thì riêng giống ML 202 đã chiếm tới 95% diện tích.

Tiềm ẩn nhiều rủi ro

Việc phát triển ồ ạt giống lúa phẩm cấp gạo thấp ML 202, theo nhiều chuyên gia về lâu dài sẽ tiềm ẩn những rủi ro như nguy cơ sâu bệnh, khó bán khi giống lúa này chỉ tiêu thụ ở thị trường nội địa. Còn ông Nguyễn Văn Gõ, Trưởng trạm Bảo vệ thực vật huyện Mang Thít, cho rằng, do phát triển “nóng” nên một số nông dân lấy lúa thịt từ vụ trước để làm giống cho vụ sau, từ đó xảy ra tình trạng thoái hóa giống và không còn kháng một số bệnh. Lúa ML 202 bắt đầu nhiễm rầy và bị nhện gié tấn công.

Có thể nói, việc phát triển nóng giống lúa phẩm cấp thấp ngay tại vùng trọng điểm xuất khẩu lúa gạo của Việt Nam sẽ có nguy cơ phá vỡ cơ cấu giống. Vấn đề này, ông Ôn Thanh Ngân, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Trà Ôn (Vĩnh Long), cho biết: “Hiện tại ở huyện Trà Ôn nông dân quen sản xuất lúa hạt dài, chất lượng cao. Gần đây một số hộ làm lúa giống ML 202 bán cho các địa phương khác. Theo ghi nhận ban đầu đây là giống lúa năng suất cao nhưng phẩm chất gạo thấp, bị bạc bụng nên việc phát triển giống lúa này ồ ạt sẽ có nguy cơ khó tiêu thụ vì không xuất khẩu được”. Ông Lê Thanh Tùng, Phó phòng Cây lương thực phụ trách Nam bộ (Cục Trồng trọt, Bộ NN-PTNT), cho biết: “Việc nông dân thấy năng suất lúa ML 202 cao nên đổ xô trồng là chuyện bình thường. Tuy nhiên, đây là giống chỉ thích hợp ở vùng miền Trung, Tây Nguyên; còn việc đem trồng đại trà ở vùng ĐBSCL nơi trọng điểm trồng lúa chất lượng cao, xuất khẩu là chuyện đáng bàn. Lúa ML 202 phẩm chất thấp, cũng giống như lúa IR 50404 chỉ tiêu thụ nội địa, làm bột, làm bún... Ngay tại vùng lúa chất lượng cao mà nông dân ồ ạt trồng ML 202 sẽ làm phá vỡ quy hoạch, không theo cơ cấu giống của ngành nông nghiệp. Do đó, cần phải xem lại vai trò quản lý, chỉ đạo sản xuất của địa phương”.

Giống lúa ML 202 cũng giống như giống lúa phẩm cấp thấp IR 50404, nên việc phát triển ồ ạt ở vùng trọng điểm lúa gạo ĐBSCL dự báo sẽ mang tới rủi ro cho nông dân. Khi thương lái không thu mua, vì nhu cầu thị trường ít, thì diện tích lúa đã xuống giống rất lớn chắc chắn sẽ bị ế hàng, bán không ai mua, thậm chí phải đổ cho vịt, gà ăn như từng xảy ra đối với lúa IR 50404.

HOÀNG GIANG

Tin cùng chuyên mục