Vai trò của nhóm, tổ

Tiếp nối Vinamilk, TH Milk, Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai cùng Nutifood cũng đầu tư trang trại nuôi quy mô công nghiệp bò sữa và chế biến sữa ở Gia Lai. Mới đây, Tập đoàn Đức Long Gia Lai liên kết với Vinamilk xây dựng trang trại bò sữa công nghiệp cũng ở Gia Lai. Sự xuất hiện những “đại gia” mạnh về tiềm lực để cùng xây dựng ngành nuôi bò sữa công nghiệp và chế biến sữa áp dụng công nghệ cao, giúp cho ngành này có vị thế mới và việc hình thành các trang trại nuôi bò sữa công nghiệp bổ sung những thiếu sót của dạng nuôi nhỏ lẻ.

Nhưng nuôi bò sữa công nghiệp không thể triệt tiêu hẳn dạng nuôi nông hộ. Bên cạnh yếu tố kinh tế, xét cho cùng phải tính đến vấn đề xã hội. Nếu 3.000 ha đất với hơn 300 hộ nuôi hiệu quả sẽ có ý nghĩa nhiều hơn về mặt xã hội so với cùng diện tích đó chỉ với 1 doanh nghiệp đầu tư. Tất nhiên nuôi bò sữa dạng nông hộ sẽ giảm dần tại các khu vực đô thị hóa nhưng không thể biến mất, như TPHCM từ trên 10.000 hộ nuôi, nay chỉ còn hơn 8.000 hộ nuôi, nhưng quy mô đàn tăng lên và sẽ chuyển dịch về khu vực nông thôn, nơi có thể phát triển bền vững. Tuy nhiên, những hạn chế của nuôi dạng này còn phải tiếp tục khắc phục bằng chính sách của nhà nước và tự thân mỗi gia chủ để thích ứng. Điều trước mắt, các hộ nuôi cần liên kết lại dưới dạng các nhóm, tổ hay hợp tác xã. Điều này không dễ thực hiện nếu không có sự tác động của các công ty.

Có thể nói, Công ty FrieslandCampina (FCV) đi đầu trong việc tác động người nuôi liên kết thông qua nhiều chính sách cụ thể. Đến nay FCV giúp hình thành hơn 100 nhóm và 7 tổ hợp tác tự quản với hơn 1.000 hộ nuôi, trong đó, ở TPHCM chiếm 75%. Mỗi nhóm, tổ bầu ra nhóm trưởng, tổ trưởng. Những người này ghi chép lượng sữa và lấy mẫu sữa từng thành viên mỗi buổi giao sữa, lưu giữ và phân tích khi cần thiết. Những nhóm, tổ được FCV hỗ trợ lắp đặt bồn lạnh giúp nâng cao chất lượng sữa. FCV kết nối các công ty bán thức ăn chăn nuôi bò sữa, giúp các nhóm, tổ mua trực tiếp từ nhà máy với giá thấp hơn 5%. FCV còn hỗ trợ nông dân kiểm tra chất lượng thức ăn chăn nuôi của từng lô hàng, đảm bảo nguồn sữa tươi đạt chất lượng như yêu cầu. Ông Nguyễn Thanh Phương, trưởng nhóm tại xã Tân An Hội, Củ Chi (TPHCM) cho biết, khi tham gia, ông và các thành viên trong nhóm luôn cố gắng để có sản phẩm sữa tốt nhất đáp ứng tiêu chuẩn khắt khe mà FCV áp dụng, cả về chất lượng, số lượng. Bởi chất lượng sữa càng cao FCV mua giá càng cao. Đó là lý do để các hộ có động lực cải tiến quy trình nuôi và chăm sóc phù hợp nhất. Cái lợi của việc tham gia các nhóm, tổ là giúp nông dân nâng cao chất lượng sữa, giảm chi phí vận chuyển, được nhà máy tăng thêm giá mua sữa khoảng 300 đồng/kg. Nhờ vậy thu nhập các hộ trong nhóm, tổ khá dần lên. Theo ông Lưu Văn Tân, Trưởng bộ phận Phát triển ngành sữa FCV, các mô hình này không chỉ giải được bài toán giảm chi phí đầu vào mà còn giúp nâng cao chất lượng sữa nguyên liệu để có giá bán cao hơn, và với việc thưởng khi giao số lượng sữa tươi càng lớn khuyến khích các hộ, nhóm, tổ tăng quy mô đàn lên.

ĐĂNG LÃM - ĐẶNG THÀNH

Tin cùng chuyên mục