Không phải danh hiệu!

Xây dựng nông thôn mới (NTM) có ý nghĩa rất lớn cả về kinh tế - chính trị - xã hội, nếu làm tốt sẽ mang lại lợi ích thiết thân cho 70% người dân nông thôn, thông qua đó sẽ điều hòa thành quả công cuộc đổi mới. Mục đích cuối cùng của việc xây dựng NTM là nâng cao thu nhập của người dân, cải thiện cuộc sống và mức độ thụ hưởng văn hóa, cũng như giúp giảm bớt khoảng cách giữa thành thị và nông thôn. Vì vậy, gần 2 năm trước mọi người quan tâm đến những xã đầu tiên cả nước đạt chuẩn NTM. Do thời gian đầu cả nước còn lúng túng, dò dẫm bước đi khi triển khai, phải có thời gian mọi việc mới đi vào guồng máy. Cuối năm 2014, Ban chỉ đạo Trung ương chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM công bố đã có 785 xã, chiếm 8,8% trong tổng số hơn 8.800 xã của 63 tỉnh, thành cả nước đạt chuẩn NTM, trong đó có địa phương đạt trên 100 xã NTM, làm không ít người vui mừng.

Mừng vì thành quả mang lại, nhưng qua đó cũng không khỏi băn khoăn. Việc giữ cho được 19 tiêu chí là thách thức lớn phía trước. Nâng cao thu nhập là áp lực rất lớn trong bối cảnh, tình trạng “được mùa mất giá” chưa được giải quyết căn cơ, cả nước vẫn loay hoay tái cơ cấu sản xuất thì việc chọn ra thế mạnh, phát triển sản xuất để nâng cao thu nhập của người dân vẫn là bài toán đang tìm lời giải ở nhiều địa phương. Thách thức không chỉ là quy hoạch phát triển sản xuất, chuyển dịch cơ cấu lao động và đào tạo nghề mà còn là việc hình thành các tổ, nhóm hay hợp tác xã giúp cho người dân mua vật tư nông nghiệp rẻ hơn, chi phí sản xuất thấp hơn, qua đó, sản phẩm được cạnh tranh, sản xuất có điều kiện phát triển, thu nhập người dân tăng thêm. Và điều quan trọng khác, phải chuyển đổi cơ cấu lao động, giảm bớt lao động nông nghiệp, chuyển qua làm dịch vụ, trong các công ty, nhà máy hay khu công nghiệp. Nhưng việc thu hút doanh nghiệp về nông thôn, huy động vốn của DN đầu tư và hỗ trợ xây dựng NTM vẫn còn rất khó khăn, mới đạt 3,7% như thông tin từ Ban chỉ đạo trung ương. Đời sống của người dân chưa được cải thiện, tỷ lệ hộ nghèo của một bộ phận người dân dù nhỏ, dù thấp vẫn còn, nên việc công nhận NTM giảm hẳn ý nghĩa. Lúc còn là Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TPHCM, đồng chí Nguyễn Văn Đua, nguyên Trưởng ban Chỉ đạo Chương trình xây dựng NTM TP, từng phát biểu, việc giữ và nâng chất các tiêu chí vừa đạt được là nhiệm vụ không dễ dàng nhưng phải tiếp tục hoàn thành. Tất nhiên có nhóm tiêu chí bắt buộc và những tiêu chí linh hoạt phù hợp điều kiện đặc thù từng vùng, miền hay địa phương, nhưng điều quan trọng là không được chạy theo thành tích, dẫn đến tình trạng chất lượng NTM bị giảm.

Là người đi lên từ xã, nay là Phó ban Kinh tế - Ngân sách, HĐND TPHCM, ông Nguyễn Tấn Tuyến cho rằng, NTM là một tiến trình xây dựng, đòi hỏi sự liên tục và luôn nâng chất các tiêu chí, nhưng không ít người ngộ nhận khi cho rằng, NTM là một danh hiệu nên cố gắng bằng nhiều cách, kể cả “xí xóa” để được công nhận. Vì vậy không thể “chạy nước rút” cho đạt kế hoạch hay làm theo kiểu “phong trào”, thay vì tập trung đi vào chất lượng các tiêu chí, chậm mà chắc và điều quan trọng là vững bền. Một thực tế phát sinh, khi giao thông nông thôn được cải thiện, đời sống người dân được nâng lên nhờ xây dựng NTM lại xuất hiện các tệ nạn như đua xe, trộm cắp, hút chích… Vì tiêu chí này nên TPHCM chưa thể công nhận các xã điểm đạt chuẩn NTM. Xét cho cùng, chỉ số hài lòng của người dân mới là thước đo giá trị nhất khi nói về NTM.

ĐĂNG LÃM

Tin cùng chuyên mục