TPHCM: Phát triển nông nghiệp đô thị hiện đại, hiệu quả, bền vững

Ngày 2-10, Thành ủy TPHCM tổ chức Hội nghị tổng kết 5 năm thực hiện Chương trình mục tiêu xây dựng nông thôn mới (NTM) trên địa bàn TPHCM giai đoạn 2011-2015, triển khai nhiệm vụ giai đoạn 2016-2020 và công bố quyết định công nhận các xã, huyện đạt NTM. 
TPHCM: Phát triển nông nghiệp đô thị hiện đại, hiệu quả, bền vững

(SGGP).- Ngày 2-10, Thành ủy TPHCM tổ chức Hội nghị tổng kết 5 năm thực hiện Chương trình mục tiêu xây dựng nông thôn mới (NTM) trên địa bàn TPHCM giai đoạn 2011-2015, triển khai nhiệm vụ giai đoạn 2016-2020 và công bố quyết định công nhận các xã, huyện đạt NTM. 

Bí thư Thành ủy TPHCM Lê Thanh Hải trao bằng khen và phần thưởng tặng các huyện có thành tích xuất sắc trong xây dựng nông thôn mới Ảnh: Việt Dũng

 
Thay mặt Ban Chỉ đạo Thành ủy TPHCM về Chương trình xây dựng NTM, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Lê Thanh Liêm phát biểu đánh giá kết quả thực hiện các tiêu chí xây dựng NTM 5 năm qua với những kết quả ấn tượng trên tất cả các mặt. Theo đó, đã có 54/56 xã, 3/5 huyện được công nhận đạt chuẩn NTM; bình quân số tiêu chí đạt chuẩn là 18,9/19 tiêu chí, tăng 12 tiêu chí so với khi triển khai xây dựng đề án NTM tại các xã. Kết quả xây dựng NTM là sâu sắc, toàn diện, làm thay đổi cơ bản, toàn diện diện mạo nông nghiệp, nông thôn và nông dân ngoại thành TPHCM.

Trong đó, thu nhập bình quân khu vực nông thôn đến cuối năm 2014 đạt 39,72 triệu đồng/người/năm, gấp 1,7 lần so với năm 2010; thu hẹp khoảng cách mức sống giữa thành thị và nông thôn từ 1,8 lần xuống còn 1,27 lần; tốc độ giảm nghèo tại các xã đều vượt chỉ tiêu thành phố đề ra và vùng nông thôn ngoại thành TPHCM hiện nay đã không còn hộ nghèo trong chuẩn nghèo quốc gia. Trong 5 năm, TPHCM đã huy động tổng lực đầu tư từ nhiều nguồn khác nhau với giá trị gần 42.000 tỷ đồng để thực hiện 7.804 công trình hạ tầng cơ sở thiết yếu như: giao thông, thủy lợi, trường học, chợ, bưu điện, cở sở vật chất văn hóa, nhà ở. Đặc biệt, phong trào “Thành phố chung sức xây dựng NTM” đã huy động được nguồn lực to lớn trong nhân dân và các tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp tham gia vào hàng ngàn công trình phục vụ dân sinh, giúp cho người dân vùng ngoại thành có cuộc sống vật chất và tinh thần ngày càng được cải thiện.

Phát biểu tại hội nghị, Bí thư Thành ủy TPHCM Lê Thanh Hải đánh giá cao những cách làm rất thiết thực, những kinh nghiệm hay từ thực tiễn của các địa phương, đơn vị,  làm nền tảng để thành phố đẩy mạnh hơn nữa quá trình nâng cao chất lượng các tiêu chí NTM giai đoạn 2016-2020. Đồng chí Lê Thanh Hải nhiệt liệt chúc mừng, trân trọng biểu dương sự lao động cần cù, sáng tạo, tinh thần đoàn kết trong sản xuất và cuộc sống của bà con nông dân thành phố; đồng thời nhấn mạnh đến 5 vấn đề lớn mà thành phố cần tập trung trong chương trình xây dựng NTM giai đoạn 2016-2020.

Trong đó, xác định mục tiêu xây dựng NTM phải bảo đảm nâng cao mức sống vật chất, tinh thần cho nông dân ngoại thành, tiến tới hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn đô thị; các địa phương tiếp tục tăng cường công tác xây dựng Đảng, đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng ủy, Chi ủy cơ sở, để thực sự là hạt nhân lãnh đạo toàn diện trên địa bàn nông thôn, nhất là xây dựng NTM; nâng cao chất lượng xây dựng các tiêu chí NTM sát với đặc điểm nông thôn đô thị, sát với tiến trình phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của thành phố; phấn đấu cao nhất thực hiện các chỉ tiêu về phát triển sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, nâng cao giá trị trên 1ha canh tác, nâng cao thu nhập của nông dân, dạy nghề, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, chuyển dịch cơ cấu lao động, giảm nghèo bền vững, bảo vệ môi trường…

Thay mặt Chính phủ, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh phát biểu nhấn mạnh, TPHCM là địa phương đi đầu cả nước về số lượng và chất lượng các chỉ tiêu với nhiều tiêu chí đạt ở mức cao hơn quy định của Trung ương. Kết quả xây dựng NTM ở TPHCM đã góp phần quan trọng vào thành tựu chung của cả nước về phát triển kinh tế, xã hội nói chung, xây dựng NTM nói riêng.

Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh cũng chỉ ra 3 nhiệm vụ trọng tâm mà TPHCM cần thực hiện trong chương trình xây dựng NTM giai đoạn 2016-2020. Trong đó, cần đẩy mạnh tái cơ cấu kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng; tiếp tục tái cơ cấu và chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp theo hướng phát triển nông nghiệp đô thị hiện đại, hiệu quả gắn với xây dựng NTM bền vững; tập trung ưu tiên nguồn lực để nâng cao chất lượng các tiêu chí NTM đã đạt được và đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức để người dân chủ động, trách nhiệm, chung sức, đồng lòng, thực sự là chủ thể trong xây dựng NTM.

Để ghi nhận, đánh giá những kết quả đạt được trong 5 năm xây dựng NTM ở TPHCM, Thủ tướng Chính phủ đã tặng bằng khen cho 12 tập thể, 6 cá nhân và 2 hộ gia đình tiêu biểu; UBND TPHCM tặng bằng khen kèm số tiền 60 tỷ đồng cho 3 huyện Củ Chi, Hóc Môn và Nhà Bè được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn NTM; tặng bằng khen cho 17 xã NTM của huyện Bình Chánh và Hóc Môn, kèm 1 tỷ đồng mỗi xã để xây dựng một công trình phục vụ đời sống dân sinh; tặng bằng khen cho 1 tập thể, 22 cá nhân và 1 hộ gia đình đã có thành tích tham gia phong trào “Thành phố chung sức xây dựng NTM” 5 năm qua.

5 năm qua, nông nghiệp thành phố tiếp tục tăng trưởng khá, đạt 5,8%, bằng 1,49 lần tốc độ tăng trưởng bình quân của cả nước; giá trị sản xuất bình quân trên 1ha đất canh tác đã tăng cao từ dưới 160 triệu đồng/ha/năm vào năm 2010 lên trên 325 triệu đồng/ha/năm vào cuối năm 2014. Nhờ đó mà mức sống của nông dân nông thôn ngày càng được nâng lên.

Từ nguồn ngân sách của trung ương, của thành phố và sự đóng góp to lớn của các tổ chức, cá nhân cùng chung tay xây dựng NTM, đã có thêm 1.172km đường giao thông nông thôn được đầu tư, đưa vào sử dụng; trên 320km kênh mương được xây dựng mới; 263 trường học với trên 5.000 phòng học được xây mới; giúp xây dựng trên 2.700 nhà ở, xóa nhà dột nát, tạm bợ.

Đặc biệt là vai trò lãnh đạo của Đảng ủy xã, chi bộ ấp, trách nhiệm của đồng chí bí thư cấp ủy ngày càng được khẳng định, hệ thống chính trị ở nông thôn được củng cố, tăng cường và phát huy hiệu quả trong công tác. Điều quan trọng là vai trò chủ thể, đồng lòng, quyết tâm của nông dân xây dựng NTM được thể hiện rõ, trên 19.600 hộ nông dân đã hiến trên 2 triệu m² đất để làm đường; rất nhiều nông dân bỏ vốn ra giúp nhau làm ăn, tiêu thụ nông sản, thay đổi cách làm, tìm tòi, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào các lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao.

 
HOÀI NAM

Tin cùng chuyên mục