Thắp sáng miền quê

Thắp sáng miền quê

Điện cho nông thôn mới

TPHCM được ghi nhận là đơn vị hoàn thành sớm nhất chương trình điện khí hóa nông thôn vào năm 1999 (gồm 6 huyện ngoại thành với 100 xã, thị trấn). Từ năm 2006-2007 ngành điện lực TP tiếp tục rà soát để gắn điện kế cho vùng sâu vùng xa, qua đó đã giải quyết được hơn 30.000 trường hợp.

Kéo điện, xây nhà

Chưa dừng lại ở đó, từ năm 2010 đến năm 2015 thành phố tiếp tục cung cấp điện cho các xã xây dựng mô hình nông thôn mới. Trong năm 2011, Tổng công ty Điện lực TPHCM đã đầu tư hệ thống điện năng lượng mặt trời cho hơn 180 hộ dân ấp Thiềng Liềng, ấp cuối cùng chưa có điện của thành phố, với tổng kinh phí đầu tư trên 14,8 tỷ đồng. 

Đến đầu năm 2015, Tổng Công ty Điện lực TPHCM đã hoàn tất công trình kéo tuyến cáp ngầm 22kV vượt biển cấp điện cho xã Thạnh An, huyện Cần Giờ. Đây là dự án cáp ngầm vượt biển Cần Giờ, đưa điện lưới quốc gia ra xã đảo Thạnh An do ngành điện lực làm chủ đầu tư, dài trên 6km với tổng mức đầu tư hơn 200 tỷ đồng. Công trình này đưa vào vận hành giúp người dân xã Thạnh An phát triển sản xuất, ổn định đời sống, ngành điện cũng không phải bù lỗ hơn 10 tỷ đồng mỗi năm do phải chạy máy phát điện diesel. Lãnh đạo TP đã đánh giá “đây là công trình mang nhiều ý nghĩa, minh chứng của một nhà nước vì dân, đặc biệt với người nghèo vì trước đây ít ai nghĩ có thể kéo cáp vượt biển để cung cấp điện cho xã đảo”. Đến nay, tổng công ty đã hoàn tất tiêu chí về điện cho tất cả 56 xã nông thôn mới của thành phố.

Trao quyết định xây nhà tình thương tặng hộ nghèo ở huyện Cần Giờ.

Thực hiện chủ trương của Thành ủy TPHCM về “Chung sức xây dựng nông thôn mới”, Đảng ủy Tổng công ty Điện lực TPHCM được giao nhiệm vụ hỗ trợ xóa nhà dột nát, nhà tạm tại xã Thạnh An, huyện Cần Giờ. Ngay từ tháng 5-2014, tổng công ty đã ký kết liên tịch với địa phương, tiến hành khảo sát các hộ gia đình tại 3 ấp Thạnh Hòa, Thạnh Bình, Thiềng Liềng và thống nhất hỗ trợ tổng cộng 109 căn nhà, trong đó xây dựng mới 65 căn (trị giá 50 triệu đồng/căn) và sửa chữa 44 căn, với tổng kinh phí 4 tỷ 460 triệu đồng. Sau đó, tiếp tục hỗ trợ xã Thạnh An xây và sửa chữa thêm 19 căn… Tính đến cuối năm 2014, tổng công ty đã hỗ trợ xây dựng mới và sửa chữa được 128 căn nhà, với tổng kinh phí 5,2 tỷ đồng, góp phần tạo nơi cư ngụ an toàn và ổn định lâu dài cho một bộ phận dân nghèo trên vùng xã đảo Thạnh An.

Nâng cao giá trị gia tăng

“Ngành điện đi trước một bước đã góp phần thay đổi nhiều mặt cho nông thôn, nhất là những địa bàn vùng sâu vùng xa, tạo ra những hiệu ứng rõ rệt trong đời sống nông dân”, ông Lê Văn Phước, Bí thư Đảng ủy kiêm Tổng giám đốc Tổng công ty Điện lực TPHCM cho biết. Đến nay, điện năng tiêu thụ sinh hoạt bình quân của các hộ nông thôn đã đạt 792 kWh/người/năm 2014. Nhiều điểm dân cư chỉ vài hộ dân sinh sống trong những cánh rừng ngập mặn của huyện Cần Giờ, nay cũng đã có điện lưới về đến tận nơi… Nguồn điện năng lượng mặt trời đã đưa người dân ấp Thiềng Liềng (huyện Cần Giờ) thoát khỏi bóng tối, đủ điện cho các nhu cầu sinh hoạt. Bên cạnh tivi, internet đã về đến đây, mang theo bao thông tin, kiến thức cho người dân; việc phát triển lưới điện còn hỗ trợ hoạt động cho 321 công trình thủy lợi, 133 trường học, 445 cơ sở vật chất văn hóa, 42 công trình chợ, 26 bưu điện, 24 cơ sở y tế. Theo thống kê, tốc độ tăng trưởng giá trị gia tăng khu vực nông, lâm nghiệp và thủy lợi trong giai đoạn 2011 - 2015 bình quân đạt 5,8%/năm, giá trị sản xuất bình quân trên 1ha đất canh tác từ 158,5 triệu đồng/ha/năm (2010) lên 325 triệu đồng/ha/năm (2015), góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp theo hướng nông nghiệp đô thị công nghệ cao.

Tăng cường các hoạt động an sinh xã hội như hỗ trợ kinh phí xây dựng nhà tình thương, nhà tình nghĩa, chăm sóc các hộ gia đình chính sách, tài trợ các cháu học sinh giỏi có hoàn cảnh khó khăn… được các tổ chức, đoàn thể của  tổng công ty quan tâm. Đó là việc kết hợp với hội phụ nữ trao tặng học bổng cho học sinh nghèo vượt khó, học giỏi; hỗ trợ xây dựng mái ấm tình thương cho phụ nữ nghèo; ủng hộ nạn nhân chất độc da cam; phụng dưỡng Mẹ Việt Nam anh hùng… với tổng số tiền hơn 3,29 tỷ đồng. Công đoàn và Đoàn Thanh niên tổng công ty còn tổ chức các hoạt động tình nguyện như “Chung sức trẻ thực hiện an toàn, tiết kiệm vì an sinh xã hội” với mục đích cải tạo lại hệ thống điện cho 2.455 hộ gia đình chính sách, hộ nghèo tại 5 huyện ngoại thành. 2.900m hệ thống đèn chiếu sáng dân lập của một số tuyến hẻm trên địa bàn các xã xây dựng nông thôn mới cũng được cải tạo lại…

Trong giai đoạn năm 2016 - 2020, ngành điện lực TPHCM tiếp tục hiện đại hóa lưới điện nông thôn và nâng cao chất lượng điện năng, phát triển mạng lưới điện nông thôn không chỉ phục vụ nông nghiệp mà cho cả các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu nông nghiệp kỹ thuật cao, góp phần thay đổi căn bản diện mạo vùng nông thôn mới theo hướng văn minh, hiện đại, nghĩa tình.

NGUYỄN HOÀNG

Tin cùng chuyên mục