Nuôi… truyền miệng

Là chuyên gia lâu năm về bò sữa, Thạc sĩ Vương Ngọc Long, Trưởng ban Phát triển nguyên liệu của Công ty cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk) cho biết, anh em khuyến nông về bò sữa ngán nhất là những người nuôi bò sữa theo “chủ nghĩa truyền khẩu”, nói nôm na nuôi bò sữa theo kiểu… truyền miệng.

Không ít trường hợp người nuôi bò sữa không nghe, không tin kiến thức của anh em kỹ thuật là đội ngũ đã được đào tạo bài bản. Có người còn nói: “Tôi nuôi bò sữa trước khi chú sinh ra, vậy dạy tôi cái gì!”. Trong khi từ đó đến nay, biết bao tiến bộ kỹ thuật mới được áp dụng trong chăn nuôi bò sữa. Nhiều kiến thức mà người nuôi bò sữa được tập huấn nhưng không áp dụng vào thực tế.

Mấy năm trước, Vinamilk trang bị dụng cụ vệ sinh phòng bệnh viêm vú cho những hộ nuôi bò sữa ký hợp đồng với công ty, sau khi vắt sữa xong, chỉ cần vài giây áp dụng cụ này vào bầu vú con bò để sát trùng, sẽ ngăn ngừa tình trạng viêm nhiễm, nếu bị, toàn bộ lượng sữa vắt được hàng ngày của con bò này sẽ bị ngưng mua trong thời gian nhất định để đảm bảo an toàn cho sữa của các hộ khác. Vậy nhưng, nhiều hộ nuôi không hề sử dụng dụng cụ đó. Thời gian sau, khi tình trạng bệnh này xuất hiện nhiều, người nuôi phải tìm mua với giá cả trăm ngàn đồng.

Khi tham quan trại bò sữa kiểu mẫu công nghệ cao của Israel, nhờ đầu tư máy quạt, sử dụng thức ăn ủ chua theo kiểu TMR, giúp năng suất sữa tăng hơn 1kg/con/ngày nhưng rất ít bà con làm theo. Có trường hợp, hộ được hỗ trợ thức ăn TMR để cải thiện chất lượng sữa và khả năng thụ thai sớm, nhưng khi khoản hỗ trợ này chuyển cho người nuôi khác thụ hưởng, lập tức hộ nuôi này trở về cách nuôi cũ. Thực tế cho thấy, không ít hộ đến với trại thực nghiệm không phải được hỗ trợ mà chỉ muốn biết tiến bộ mới và nhờ tư vấn để về đầu tư bằng chính tiền của họ, những hộ này lại thành công, năng suất và chất lượng được cải thiện rõ rệt. Vì tiền bạc họ bỏ ra đầu tư nên cần có tính hiệu quả. Những điều này cho thấy, có một bộ phần hộ nuôi bò sữa không chỉ là nuôi theo kiểu truyền miệng mà còn bảo thủ. Họ biết nhưng không chịu áp dụng. Hay nói cách khác, tính chuyên nghiệp của một bộ phận người nuôi bò sữa TPHCM nói riêng và cả nước nói chung còn hạn chế. Nhận thức về những nguy cơ, thách thức khi hội nhập, hầu như chưa được người nuôi tìm hiểu. Đây là điều rất không hay, bởi khi đã hội nhập vào nền kinh tế thế giới, biến động thị trường là điều luôn xảy ra. Việc các công ty thay đổi cách thu mua, dù không giảm giá sữa, khi giá sữa nguyên liệu thế giới giảm mạnh, và việc phải giảm bớt hay cắt bỏ bớt những khoản đầu tư trước đó, là điều có thể hiểu được. Cũng không loại trừ sau này giá sữa nguyên liệu trong nước cũng sẽ biến động lên xuống theo thế giới, vì vậy, người nuôi cần phải trang bị cho mình tính chuyên nghiệp hơn. Phải biết tìm hiểu, nắm thông tin để áp dụng trong chăn nuôi nhằm giảm giá thành sản xuất, hạn chế tác động xấu khi giá sữa thế giới sụt giảm như hiện nay.

ĐĂNG LÃM

Tin cùng chuyên mục