Khi phương thức tiêu dùng thay đổi

Nông trại hữu cơ tầm cỡ khu vực
Khi phương thức tiêu dùng thay đổi

Nông nghiệp hữu cơ

Nông nghiệp hữu cơ (NNHC) đã xuất hiện khá lâu tại các nước phát triển, nhưng theo Hiệp hội NNHC Việt Nam (VOAA), cuối những năm 1990 ở Việt Nam mới bắt đầu có dự án nhỏ về NNHC với các sản phẩm không được chứng nhận trên vài hécta diện tích thử nghiệm. 

Trầy trật những bước đầu tiên

Cuộc cách mạng xanh trên thế giới nhiều thập kỷ trước với phương thức hóa học hóa nông nghiệp để thâm canh, tăng vụ, tăng năng suất và sản lượng giúp giải quyết vấn nạn thiếu lương thực trên thế giới. Nhưng hệ lụy của nó là ô nhiễm môi trường, đất đai suy kiệt và xói mòn, rừng và hệ sinh thái bị tàn phá bởi hóa chất, đa dạng sinh học suy giảm, gia tăng bệnh tật và ngộ độc thuốc bảo vệ thực vật trở thành nỗi lo của toàn xã hội. Vì vậy các nước, nhất là những nước phát triển, quan tâm đến vấn đề an toàn thực phẩm, chất lượng nông sản. Người tiêu dùng thay đổi phương thức tiêu dùng, thị trường có sự chuyển hướng, tập trung vào nhóm nông sản, thực phẩm chất lượng, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Đó chính là động lực phát triển nền NNHC, sử dụng phương thức canh tác đảm bảo hệ sinh thái bền vững. Xu hướng này lan rộng và phát triển ở nhiều nước.

Sản xuất lúa hữu cơ tại nông trại Viễn Phú (Cà Mau).

Nhìn thấy tiềm lực ngành nông nghiệp Việt Nam và cơ hội thị trường, các tổ chức phi chính phủ (NGO) quốc tế bắt đầu đưa các dự án thí điểm quy mô nhỏ sản xuất theo hướng canh tác hữu cơ. Khởi đầu là tổ chức CIDSE vào cuối thập niên 1990, tập hợp nhóm nông dân áp dụng canh tác hữu cơ đầu tiên trên cây trà ở tỉnh Thái Nguyên, rau ở Yên Nội - Từ Liêm và Quyết Tiến - Chương Mỹ (Hà Nội), tiền đề ra đời Công ty Ecolink xuất khẩu trà hữu cơ và Hanoi Organic (HO) - sản xuất và tiêu thụ rau hữu cơ. Nhưng đến 2004, HO đóng cửa do thị trường nội địa lúc đó chưa sẵn sàng. Năm 2005, ADDA, một NGO của Đan Mạch với dự án ADDA-VNFU kéo dài 7 năm, thông qua Hội Nông dân Việt Nam tài trợ 9 tỉnh miền Bắc sản xuất NNHC trên cây lúa, rau, vải, cam, bưởi, trà và cá. 88 nhóm nông dân được thành lập. Từ dự án ADDA-VNFU, với sự tư vấn của ông Chris May (Ban Thúc đẩy PGS của IFOAM - Liên đoàn Các phong trào hữu cơ quốc tế) có kế hoạch xây dựng 100 nhóm nông dân hữu cơ. Nhưng do không đủ kiên nhẫn tuân thủ quy định nghiêm ngặt của tiêu chuẩn NNHC nên khi kết thúc chỉ còn 24 nhóm với 17ha tại liên nhóm hữu cơ xã Thanh Xuân, huyện Sóc Sơn (Hà Nội) và liên nhóm 5 xã của Lương Sơn (Hòa Bình) nhờ khả năng tiếp cận thị trường. Hiện nay số nhóm đã tăng lên 39 nhóm với 29,5ha. Từ 2013 đến nay, hệ thống PGS vươn đến Hội An (Quảng Nam) và Bến Tre do Tổ chức Seed to Table (Nhật Bản) tài trợ.

Nông trại hữu cơ tầm cỡ khu vực

Thời gian qua, nhiều trang trại tư nhân đầu tư sản xuất NNHC thành công và được các tổ chức chứng nhận quốc tế công nhận để xuất khẩu như Công ty Organic Đà Lạt sản xuất rau hữu cơ, chủ yếu xuất khẩu sang châu Âu và Canada, một số tiêu thụ nội địa. Công ty Hà Linh (Lâm Đồng) sản xuất và kinh doanh trà hữu cơ với 55ha, tiêu thụ nội địa và xuất khẩu sang Trung Quốc (bao gồm Đài Loan). Công ty Ecolink và Công ty Hùng Cường với 1.000ha trà hữu cơ giống Shan Tuyết ở Hà Giang và Lào Cai, xuất khẩu sang Đức, Pháp, Bỉ, Italia. Ngoài ra còn một số doanh nghiệp và trang trại chăn nuôi hữu cơ theo tiêu chuẩn Nhật Bản cho tiêu dùng nội địa. Nuôi tôm sinh thái dưới tán rừng ngập mặn ở Cà Mau xuất khẩu.

Nhưng có thể nói, nông trại Viễn Phú ở U Minh Hạ, tỉnh Cà Mau, chuyên sản xuất hữu cơ lúa gạo, rau, cá… với các sản phẩm mang thương hiệu Hoa Sua Foods, năm 2014, được Công ty Control Union Vietnam (Cơ quan Đánh giá và chứng nhận Hà Lan tại Việt Nam) trao chứng nhận nhãn hiệu gạo hữu cơ của tổ chức quốc tế BIO Organic và nhãn hiệu gạo hữu cơ an toàn tuyệt đối có lợi cho sức khỏe (organic product) của Mỹ cho Công ty CPTM-SX Viễn Phú, trở thành công ty đầu tiên ở khu vực Đông Nam Á được cấp chứng nhận nhãn hiệu gạo hữu cơ. Người nước ngoài biết đến nông trại Viễn Phú nhiều hơn trong nước. Khách hàng nước ngoài chỉ được nhận hàng nếu ký hợp đồng trước khi sản xuất. Sau hơn 10 năm đi nhiều nơi tìm kiếm vùng đất cho việc xây dựng nông trại hữu cơ, từ Tây Nguyên, đến Đông Nam bộ, Nam Trung bộ, cuối cùng ông Võ Minh Khải, Tổng Giám đốc Công ty CPTM-SX Viễn Phú, chọn vùng đất phèn hoang hóa U Minh Hạ để khai phá, xây dựng cơ ngơi với 320ha. Với sự kiên trì và đam mê, sau hơn 3 năm với bao công sức mới có được cơ ngơi như ngày hôm nay. Các chuyên gia nước ngoài nhận định, đây là nông trại hữu cơ tầm cỡ khu vực và thế giới.

Năm 2011, Đại hội Hữu cơ thế giới lần thứ 17 và Hội nghị Gạo hữu cơ châu Á lần thứ nhất tại Hàn Quốc, ông Võ Minh Khải là diễn giả trình bày quá trình hình thành và phương pháp canh tác hữu cơ, thu hút sự quan tâm, cả sự khâm phục của các tổ chức hữu cơ Hàn Quốc, Nhật Bản, Thái Lan, Trung Quốc… Nhất là sản phẩm hữu cơ gạo, khi ông Võ Minh Khải sưu tập giống lúa bản địa các nước về lai tạo ra giống Hoa Sữa thu hút sự quan tâm đặc biệt của các nhà nhập khẩu khu vực Trung Đông và Bắc Phi về gạo hữu cơ Việt Nam tại triển lãm gạo thế giới ở Dubai (UAE). Ông Võ Minh Khải cho biết, vấn đề sức khỏe đã thôi thúc ông phải tìm cho ra một mô hình sản xuất sạch để cung ứng thực phẩm hữu cơ. Về khía cạnh thương mại, đây cũng là xu hướng tương lai của thế giới.

Theo VOAA, hiện cả nước có hơn 19.200ha được chứng nhận sản xuất theo NNHC, tương đương 0,19% tổng diện tích canh tác, cộng với 11.600ha mặt nước nuôi trồng thủy sản hữu cơ hoặc sinh thái và trên 2.500ha rừng nguyên sinh để khai thác sản phẩm hữu cơ thiên nhiên. Các sản phẩm hữu cơ xuất khẩu gồm: gạo, trà (chè), tôm, cá, quế, hồi, tinh dầu… với giá trị xuất khẩu khoảng 12 - 14 triệu USD/năm.

 
Theo PGS-TS Nguyễn Văn Bộ, Giám đốc Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam (VAAS), thị trường NNHC chủ yếu ở các nước Âu, Mỹ với tổng giá trị đạt 59,1 tỷ USD vào năm 2010, tăng 4,2 tỷ USD so với năm 2009 và gấp 3 lần so với năm 2000. Tổng diện tích canh tác hữu cơ năm 2010 đã đạt 80 triệu ha (bao gồm cả diện tích hoang dại cho thu hoạch sản phẩm hữu cơ).

CÔNG PHIÊN

Tin cùng chuyên mục