Không chủ quan phòng chống thiên tai

12 đợt lốc xoáy và mưa dông ở TPHCM năm 2015 đã làm 2 người tử vong do bồn nước rơi từ tầng 4 xuống phòng trọ và cây ngã đổ đè sập xưởng gỗ, ngoài ra còn có 9 người bị thương cũng do cây xanh ngã đổ… đã báo động tình trạng nguy hiểm đến tài sản con người khi vào mùa mưa bão.
Không chủ quan phòng chống thiên tai

12 đợt lốc xoáy và mưa dông ở TPHCM năm 2015 đã làm 2 người tử vong do bồn nước rơi từ tầng 4 xuống phòng trọ và cây ngã đổ đè sập xưởng gỗ, ngoài ra còn có 9 người bị thương cũng do cây xanh ngã đổ… đã báo động tình trạng nguy hiểm đến tài sản con người khi vào mùa mưa bão.

Bổ sung địa danh cùng tọa độ 

TPHCM ở vị trí khá an toàn về bão lũ, ngay cả khi bão xuất hiện và tàn phá các tỉnh ven biển phía Nam năm 1997 (bão Linda) hay một số cơn bão cuối thập niên 2000… cũng chỉ quét qua huyện Cần Giờ. Thế nhưng không thể chủ quan trước sự “đỏng đảnh” của thời tiết và chuyện phòng chống thiên tai ở TP đâu chỉ có bão, lũ… Những năm gần đây nổi lên vấn đề triều cường vào những tháng cuối năm ngày càng trở nên trầm trọng, tạo ra sự bất lợi trong sinh hoạt của người dân. Đỉnh triều đang có xu hướng tăng dần qua từng năm. Nếu như từ năm 2007 trở về trước, đỉnh triều cao nhất chỉ 1,5m nhưng vài năm gần đây có năm lên đến 1,68m.

Cháy thảm thực vật thường xảy ra nhiều hơn so với cháy rừng ở ngoại thành TPHCM

Theo Đài Khí tượng thủy văn Nam bộ, ở TPHCM, đỉnh triều từ 1,30m đã gây ngập vùng ven sông. Vì vậy, khi triều cao dần trở nên vấn đề bức thiết của người dân TP, nhất là những khu vực trũng, thấp ở quận 6, 11, 8, Bình Thạnh… Khu vực trung tâm TP cũng xuất hiện tình trạng ngập khi mưa với lưu lượng lớn. Điều lo ngại là khả năng xuất hiện tổ hợp bất lợi vào cuối năm khi lượng mưa tập trung nhiều nhất, cũng là thời điểm triều cao nhất xuất hiện, kết hợp mưa bão có xu hướng dịch chuyển về phía Nam. Vì vậy, khi bão xuất hiện, gây mưa tập trung vùng thượng nguồn sông Sài Gòn và Đồng Nai, buộc phải xả lũ các hồ thủy lợi và thủy điện, kết hợp với mưa tại chỗ ở TPHCM, nếu xảy ra thời điểm triều cường cao là điều bất lợi nhất trong phòng chống lụt bão TP. Đừng quên là đã từng xảy ra cơn bão lịch sử vào năm 1952, tàn phá nặng nề các tỉnh phía Nam, nhất là khu vực Đông Nam bộ.

Điều lo ngại khác, vào thời gian đầu mùa mưa (dự báo cuối tháng 5 đầu tháng 6) hay xuất hiện lốc xoáy và mưa dông. Năm 2015, xảy ra 12 vụ làm 2 người chết do bị cây ngã đổ đè sập xưởng gỗ và 1 người chết do bồn nước rơi từ tầng 4 xuống phòng trọ. Như vậy, chưa cần bão quét sâu vào nội thành mà chỉ cần lốc xoáy nhiều hơn, mạnh hơn, những bình nước inox trên các nóc nhà được thiết kế sơ sài sẽ bị gãy đổ sập, đe dọa tính mạng nhiều người.

Ông Trương Tiến Triển, Phó Chủ tịch UBND huyện Cần Giờ, cho biết: “Cần Giờ đã nhiều lần phải di dời người dân xã đảo Thạnh An vào đất liền khi xuất hiện những cơn bão có thể ảnh hưởng đến TP. Người dân di dời thường hay nghe đài và khi đài vừa báo cơn bão đã qua, không ít người đòi về lại đảo ngay, dù TP vẫn chưa cho phép. Những người trong ngành đều hiểu, khi bão qua đi vẫn còn hiện tượng hoàn lưu bão, có thể gây nguy hiểm cho người dân nếu không tuân thủ nghiêm quy định của Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn. Vì vậy, huyện đề nghị, khi thông báo diễn biến bão trên các phương tiện truyền thông, cần khuyến cáo người dân đề phòng hiện tượng hoàn lưu và chỉ quay về khi đã được lệnh giải tỏa của TP”. Vài năm nay, sự cố tàu chìm trên vùng biển Cần Giờ xảy ra nhiều hơn… Năm 2015, trong 27 vụ tìm kiếm cứu nạn, tai nạn biển Cần Giờ là 7 vụ, điển hình là tàu Hoàng Phúc bị lật làm 3 người chết, cứu sống 13 người. Theo ông Triển, khi người dân gặp nạn trên biển báo cho cơ quan chức năng, thường chỉ nói địa danh như khu vực cồn Ngựa, hay sở đáy của ông A, B nào đó mà không biết tọa độ chính xác, trong khi trên các bản đồ ghi chú của lực lượng cứu hộ chỉ ghi tọa độ, không có địa danh. Đây là điều bất cập cần khắc phục, giúp hạn chế thiệt hại về người và của. Huyện đề nghị TP hỗ trợ người đi biển (khai thác gần bờ) gắn thêm thiết bị xác định tọa độ. 

Nước xa khó cứu lửa gần 

Đó là phát biểu của Phó Chủ tịch UBND TP Lê Thanh Liêm tại buổi triển khai kế hoạch phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và phòng chống cháy rừng (PCCR) vào cuối tuần qua. Vì vậy, phương châm 4 tại chỗ là quan trọng. Mặc dù vấn đề PCCR ở TPHCM làm khá tốt, năm 2015 không xảy ra cháy rừng, nhưng tình trạng cháy đồng cỏ, cây phân tán lại là vấn đề quan tâm khác. Chỉ trong mùa khô từ đầu năm 2016 đến nay, TP đã xảy ra 26 vụ cháy, cháy khoảng 40ha. Theo Ban Chỉ huy PCCR TPHCM, việc phòng cháy, chữa cháy đối với cây lâm nghiệp trồng phân tán vẫn còn nhiều bất cập do chủ sử dụng đất có cây phân tán chưa quan tâm đúng mức trong việc thực hiện phòng chống cháy.

Thượng tá Nguyễn Thanh Hưởng, Phó Giám đốc Cảnh sát PCCC TPHCM cho rằng, việc phòng chống 3 loại rừng của TP làm khá tốt, nhưng khâu phòng chống cháy cây phân tán lại gặp nhiều khó khăn. Nhiều chủ đất có cây phân tán chưa thực sự quan tâm đến PCCC. Số diện tích đất xen cài với đất sản xuất khác và khu dân cư nên rất dễ bị ảnh hưởng. Mặt khác, dù đã mua sắm trang thiết bị PCCR, nhưng do lâu năm, các thiết bị xuống cấp, hư hỏng, chưa đảm bảo yêu cầu. Ý thức PCCR của bộ phận người dân, nhất là các đối tượng vãng lai xung quanh khu vực trồng cây phân tán hay thảm thực vật chưa cao, vẫn còn những hành động vô ý dễ gây cháy chưa được kiểm soát. Tình trạng đốt cỏ dại vi phạm quy định an toàn về PCCR vẫn diễn ra. Người dân đốt cỏ không kiểm soát được lửa lan sang khu trồng mía, thảm thực vật như ở huyện Bình Chánh. Một số dự án chậm xây dựng, cỏ mọc hoang thành những thảm thực vật luôn là nguy cơ gây cháy.

Phó Chủ tịch UBND TPHCM Lê Thanh Liêm cho rằng, phòng chống thiên tai và cháy rừng là câu chuyện thường xuyên hàng năm, liên quan đến cuộc sống người dân. Khi sự cố xảy ra, điều quan trọng là cơ chế vận hành sao cho có sự phối hợp tốt nhất giữa các bên và việc vận hành giữa 3 cấp (TP, huyện, xã) phải hết sức quyết liệt, trong đó phương án 4 tại chỗ là quan trọng nhất. Khi xảy ra sự cố, nước xa không thể cứu lửa gần. Vì vậy, việc hoàn thiện bộ máy, ứng phó kịp thời là điều không thể thiếu. Phải chủ động và sẵn sàng từ bây giờ.

CÔNG PHIÊN

Tin cùng chuyên mục