Chế biến nhân điều: Từ “đàn cừu” đến “thợ săn”

Chế biến sâu để duy trì lợi thế
Chế biến nhân điều: Từ “đàn cừu” đến “thợ săn”

Nói về quá trình phát triển ngành chế biến điều, tại hội thảo ngành điều chuyển mình đón vận hội mới do Hiệp hội Điều Việt Nam (Vinacas) và Báo Thanh Niên tổ chức tuần qua, ông Đặng Hoàng Giang, Phó Chủ tịch, kiêm Tổng Thư ký Vinacas, đã ví von nếu như trước đây các doanh nghiệp (DN) chế biến như “đàn cừu giữa bầy sói” khi vừa chuyển từ xuất thô điều sang sơ chế nhân điều xuất khẩu, thì nay các DN đã trở thành “các thợ săn”. Nhưng do có quá nhiều người cùng “đi săn”, chưa chuyên nghiệp lại thiếu người chỉ huy nên bị thất bại.

Chế biến nhân điều xuất khẩu tại một công ty Việt Nam

Chế biến sâu để duy trì lợi thế

Từ chỗ xuất thô chuyển sang sơ chế điều nhân để xuất khẩu, ngành chế biến điều có bước tiến dài. Cùng với đó là sự phát triển ngành công nghiệp phụ trợ, chủ yếu là cơ khí sản xuất thiết bị cho ngành chế biến. Cả hai lĩnh vực này cùng giúp nhau phát triển, nhờ thiết bị sản xuất trong nước ngày càng phù hợp và kinh tế; ngoài việc xuất khẩu nhân điều số 1 thế giới, ngành cơ khí sản xuất thiết bị cũng xuất khẩu, canh tranh lại những hãng nổi tiếng như Oltremare (Ý). Với việc Vinacas liên tục tổ chức các hội nghị mời khách hàng đến và quảng bá thiết bị ngành điều, các nhà sản xuất có điều kiện phát triển, ngày càng hoàn thiện công nghệ, xuất khẩu sang nhiều nước như Ấn Độ, các nước châu Phi. Không ít nhà chế biến mới đây cho biết, trước đây sản xuất bị lỗ do giá thành cao, nhưng khi chuyển sang dùng thiết bị từ Việt Nam đã có lời. Có thể nói, ngành chế tạo máy móc chế biến điều Việt Nam đang thành công rực rỡ và có tương lai rộng mở. Nhưng giờ đây, hai ngành này hầu như không còn tiếng nói chung.

Bên cạnh việc bán thiết bị cho DN trong nước, nhà sản xuất máy móc trong nước còn cung cấp thiết bị cho đối thủ tiềm tàng và cạnh tranh trực tiếp là các nước châu Phi, khu vực có diện tích và trữ lượng điều thô lớn nhất thế giới. Theo ông Vũ Thái Sơn, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Long Sơn, trái ngược với việc phát triển thiết bị ngành cơ khí xuất khẩu thì công nghiệp chế biến nhân điều trong nước sẽ đi xuống do mất dần lợi thế, nếu không có giải pháp khắc phục. Hai lĩnh vực này, giờ đây mục đích khác nhau thay vì có sự tương hỗ như giai đoạn đầu. Hiện nay, các nước phương Tây có nhiều dự án hỗ trợ lục địa đen châu Phi để tạo công ăn việc làm, giúp ổn định cuộc sống người dân và chính trị, trong đó có sự quan tâm phát triển ngành chế biến điều. Các nước châu Phi cho thấy chiến lược sẽ chế biến nhân điều thay vì xuất khẩu điều thô, nhất là tham vọng của Bờ Biển Ngà, quốc gia có sản lượng điều thô lớn nhất thế giới, khoảng 800.000 tấn/năm. Xu hướng hiện nay là đầu tư xây dựng nhà máy chế biến điều ở châu Phi, nhưng ông Vũ Thái Sơn cho rằng, Việt Nam đang thua Ấn Độ và cả Trung Quốc. Ấn Độ thì nhờ nói tiếng Anh tốt, còn Trung Quốc là nước tiêu thụ nhân điều lớn, đặc biệt là các ngân hàng hỗ trợ tốt DN đầu tư ở nước ngoài. Hai nước này lại có cộng đồng lớn ở châu Phi, trong khi người Việt Nam ngại đến khu vực này. Hơn nữa, khái niệm hỗ trợ DN Việt Nam đầu tư ở nước ngoài hầu như không có, do ngân hàng Việt Nam vẫn dựa trên thế chấp kho hàng thay vì tín chấp. Trong khi đó, ngành điều Việt Nam bị phụ thuộc quá lớn vào nguyên liệu nhập khẩu, khoảng 700.000 tấn/năm, chiếm khoảng 70% sản lượng chế biến. Đây là điểm yếu chết người của ngành chế biến điều Việt Nam.

Nhập khẩu nguyên liệu - Nắm đằng lưỡi

Từ chỗ lệ thuộc vào Ấn Độ khi nhập khẩu điều thô châu Phi, năm nay, chính các DN Việt Nam làm khuấy động việc nhập khẩu điều thô trực tiếp từ châu Phi, nhất là Bờ Biển Ngà. Tuy nhiên, thay vì hợp tác để chủ động mua, thời gian gần đây ưu thế này bị mất dần, khi nhiều DN từ Việt Nam qua châu Phi cùng mua điều thô và tự đẩy giá lên cao. Khi các DN Ấn Độ chi phối thị trường châu Phi, giá điều thô tại chỗ ổn định và dao động 400 - 500USD/tấn, nhưng khi các DN cùng nhảy vào đẩy giá, điều thô đã lên trên 1.000USD/tấn.

Ông Đặng Hoàng Giang cho biết, nếu giá nhân điều xuất khẩu xuống dưới 3,9USD/kg, nhiều DN Việt Nam sẽ chết đứng vì giá thành đã quá cao. Từ năm ngoái đến năm nay, do giá điều thô tăng mạnh nên khách hàng bán điều thô “sù” hợp đồng rất nhiều, đòi tăng giá 100 - 150USD/tấn mới giao hàng hoặc giao hàng chất lượng xấu. Trong khi DN Việt Nam đã chốt giá bán với nhà nhập khẩu nhân điều, nhiều DN Việt Nam vì vậy bị thua lỗ. Nếu không có biện pháp chấm dứt hoặc hạn chế hiện tượng này thì tình trạng này sẽ lặp lại vào mùa vụ năm tới. Bờ Biển Ngà đưa ra giá sàn khi bán với DN Việt Nam, tại sao Vinacas không thống nhất giá trần khi mua điều thô châu Phi, cũng như không ký sớm hợp đồng khi chưa vào mùa thu hoạch, vốn là thời điểm dễ bị “sù” hợp đồng. Ở đây vai trò của Vinacas rất quan trọng, cần thông báo nội bộ Vinacas và tẩy chay DN châu Phi kém uy tín. Ông Nguyễn Đức Thanh, Chủ tịch Vinacas, cho rằng Việt Nam là nước số một thế giới về xuất khẩu nhân điều, về nhập khẩu điều thô, cái gì cũng to nhưng chưa mạnh do thiếu sự đoàn kết. Việc để DN châu Phi yêu cầu DN Việt Nam đặt cọc 20% giá trị hợp đồng thay vì mở L/C mà vẫn có nhiều DN chấp nhận là điển hình của cách làm thiếu bài bản, kém chuyên nghiệp và không biết khai thác thế mạnh của ngành điều Việt Nam.

Nếu không kịp thời chủ động tạo nguồn nguyên liệu sẵn có trong nước, qua việc giữ vững diện tích hiện có khoảng 300.000ha, hoàn thiện quy trình và cải tạo giống để nâng cao năng suất lên thì ngành chế biến điều sẽ mất dần lợi thế ngay khi đang ở đỉnh cao. Việc thâm canh cần mở rộng để nâng năng suất bình quân 1,1 tấn/ha hiện nay lên từ 2 đến trên 2,5 tấn/ha. Điều căn cơ hơn là cần chuyển thêm một bước phát triển mới, dù sẽ còn nhiều khó khăn nhưng đã có DN bước đầu thành công, đi vào chế biến sâu, như cách mà Công ty Long Sơn và một số công ty khác đang làm, khi cung cấp trực tiếp vào các siêu thị như Walmart, Costco, Tesco… ở Mỹ, thị trường mua nhân điều lớn nhất Việt Nam, hay ở siêu thị của Đức.

CÔNG PHIÊN

Tin cùng chuyên mục