Chợ phiên nông sản an toàn - Không chỉ là bán lẻ

Trong hai ngày diễn ra chợ phiên nông sản an toàn lần 1 (ngày 20 và 21-8) tại khu vực Nhà hàng Đông Hồ (số 195-197 Cao Thắng nối dài, quận 10, TPHCM), 18 đơn vị tham gia 24 gian hàng đã thu hút khoảng 1.200 lượt khách đến tham quan và mua sắm. Đây là con số khá tích cực khi chợ phiên lần đầu tổ chức…    
Chợ phiên nông sản an toàn - Không chỉ là bán lẻ

Trong hai ngày diễn ra chợ phiên nông sản an toàn lần 1 (ngày 20 và 21-8) tại khu vực Nhà hàng Đông Hồ (số 195-197 Cao Thắng nối dài, quận 10, TPHCM), 18 đơn vị tham gia 24 gian hàng đã thu hút khoảng 1.200 lượt khách đến tham quan và mua sắm. Đây là con số khá tích cực khi chợ phiên lần đầu tổ chức…    

Còn nhiều việc phải làm

86,6% lượng rau củ quả, 82,1% lượng thịt (heo, gia cầm), 93,7% lượng dưa lưới và 19,3% lượng trứng gia cầm đã được bán trong hai ngày chợ phiên, tổng doanh thu khoảng 100 triệu đồng; 4 hợp đồng cung cấp nông sản dài hạn cho các đơn vị của Hợp tác xã Nông nghiệp Mai Hoa (huyện Hóc Môn)… là những con số tổng hợp ban đầu về phiên chợ. Theo nhận xét của khách hàng, việc tổ chức chợ phiên đã đáp ứng nhu cầu người dân về việc có nơi cụ thể, đảm bảo sản phẩm tại chợ là an toàn trong bối cảnh thực phẩm bẩn bị nêu tên thường xuyên trên mặt báo; mong muốn nên tổ chức chợ phiên mỗi tuần 1 lần và ở nhiều địa điểm khác nhau cho người dân các nơi cũng có điều kiện tiếp cận và mua sắm sản phẩm an toàn. Thậm chí có khách hàng đặt vấn đề với ban tổ chức về việc muốn mua nông sản an toàn hàng ngày thì mua ở đâu. Điều này cho thấy nhu cầu về thực phẩm an toàn là nhu cầu cần thiết hàng ngày của người dân.

Chọn mua hàng hóa tại chợ phiên nông sản an toàn lần 1

Đại diện Công ty Vương Huỳnh cho biết, người dân ấn tượng với chợ phiên này do có không gian đẹp, dễ chịu, xanh và thoáng mát, chỉ có điều là chưa phong phú chủng loại khi còn thiếu mặt hàng thủy hải sản. Đồng quan điểm này, chị Lý Thị Minh Hòa, đại diện Hợp tác xã Mai Hoa (huyện Hóc Môn), cho rằng các mặt hàng như tiêu, tỏi, hành, ớt… (là những sản phẩm đi kèm để chế biến thức ăn) nên tạo điều kiện vào chợ để giúp đa dạng sản phẩm. Tuy nhiên, đại diện nhãn hàng Happy Trees lại cho rằng sản phẩm chưa phong phú là điều có thể hiểu được, vì chợ phiên lần đầu được tổ chức, đơn vị tham gia chủ yếu là thăm dò nên chưa thể hình dung về nhu cầu, chưa dám mang thêm nhiều sản phẩm. Trong khi đó, theo đại diện Công ty An Hạ, do tâm lý người tiêu dùng vẫn còn thích sử dụng “thịt nóng” (vừa giết mổ) nên việc không có tủ trữ lạnh làm cho thịt bị xuống màu. Do thời gian để lâu bên ngoài nên làm giảm chất lượng thịt. Nếu có trữ lạnh, mặt hàng thịt sẽ đẹp và chất lượng hơn nữa.

Ông Nguyễn Văn Trực, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TPHCM, Trưởng ban tổ chức chợ phiên, cho biết đến 9 giờ 30 ngày đầu tiên, Công ty San Hà và Công ty An Hạ báo hết thịt an toàn đạt chuẩn VietGAP là tín hiệu tốt, nhưng qua đó cũng cho thấy do lần đầu tổ chức, các đơn vị tham gia chủ yếu là để thăm dò nên còn bị động khi đảm bảo việc cân đối và cung ứng nguồn hàng. Có thể nói, qua hai ngày thăm dò, các đơn vị đã phần nào hình dung cụ thể hơn về nhu cầu và mong muốn của người tiêu dùng khi đến với chợ phiên. Nhưng trước hết cần hoàn chỉnh chợ phiên để đi vào nề nếp, trước khi tính đến việc tăng số phiên chợ lên mỗi tuần 1 lần thay vì 2 tuần/lần như hiện nay. Ngoài ra, cũng theo phản ánh của các đơn vị, sản phẩm chỉ tươi, ngon vào buổi sáng nên thời gian diễn ra chợ phiên cũng chỉ kéo dài đến quá buổi sáng là được, thay vì đến 18 giờ như vừa qua.

Phải cam kết chơi đúng luật

Ông Nguyễn Phước Trung, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cho biết ý tưởng chợ phiên này đã manh nha từ năm 2015, nhưng để thành hiện thực phải có thời gian chuẩn bị cũng như thời điểm phù hợp. Mục tiêu của chợ phiên là an toàn, do vậy, yêu cầu để các mặt hàng vào chợ là phải được kiểm tra tại nguồn, lấy mẩu kiểm soát tại chợ để đảm bảo tính an toàn và sự minh bạch. Điều này phải cam kết và chơi đúng luật! Tất nhiên, sản phẩm tại chợ cần đa dạng chủng loại để thu hút khách hàng nhiều hơn. Ông hy vọng nhiều doanh nghiệp và hợp tác xã thấy được đây là hướng phát triển bền vững, sẽ tham gia nhiều hơn, giúp chủng loại sản phẩm phong phú hơn. Việc có một số đơn vị đăng ký mà chưa tham gia, ngoài việc chưa đạt chứng nhận VietGAP, GlobalGAP hay tham gia chuỗi thực phẩm an toàn, còn có lý do là thiếu người bán hàng. Với câu hỏi khách hàng muốn mua hàng ngày thì phải làm sao, đây là bài toán liên kết, hợp tác. Nếu người tiêu dùng đặt hàng, hợp tác xã sản xuất thì ngành nông nghiệp sẽ hỗ trợ về quy trình, chứng nhận. Trung tâm Tư vấn và hỗ trợ nông nghiệp tiếp tục mời gọi những đơn vị có chứng nhật VietGAP, GlobalGAP… tham gia chợ phiên để phong phú mặt hàng, cũng như có sự cạnh tranh những sản phẩm cùng loại. Trung tâm Tư vấn và hỗ trợ nông nghiệp cần làm thêm hội nghị kết nối với các nhà trường, bếp ăn tập thể các khu công nghiệp, khu chế xuất...

Mục tiêu của chợ phiên không dừng lại việc bán lẻ mà là thông qua đó tiến tới ký kết những hợp đồng cung cấp dài hạn, như cách mà Hợp tác xã Mai Hoa đã ký với 4 đơn vị. Ngoài ra, ban tổ chức nên có sổ góp ý trên tinh thần cầu thị.

CÔNG PHIÊN

Tin cùng chuyên mục