TPHCM quyết liệt loại trừ phân bón kém chất lượng

Phân bón giả, kém chất lượng không chỉ làm thiệt hại cây trồng, ảnh hưởng trực tiếp đời sống nông dân, tác động đến môi trường mà còn có thể ảnh hưởng đến sức khỏe người dân vì nguyên liệu sản xuất ra phân bón là tiền chất có thể gây nổ nếu gặp điều kiện...
TPHCM quyết liệt loại trừ phân bón kém chất lượng

Phân bón giả, kém chất lượng không chỉ làm thiệt hại cây trồng, ảnh hưởng trực tiếp đời sống nông dân, tác động đến môi trường mà còn có thể ảnh hưởng đến sức khỏe người dân vì nguyên liệu sản xuất ra phân bón là tiền chất có thể gây nổ nếu gặp điều kiện...

TPHCM là điểm nóng

Tại buổi sơ kết về kiểm tra sản xuất, kinh doanh phân bón tại huyện Bình Chánh (TPHCM) cuối tuần qua, ông Nguyễn Hạc Thúy, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Phân bón Việt Nam, cho rằng dù có nhiều nghị định thắt chặt quản lý thị trường phân bón, nhưng thị trường này vẫn hỗn loạn bởi hàng giả, hàng nhái và kém chất lượng. Số vụ vi phạm về sản xuất phân bón, trong đó có phân bón kém chất lượng, phân bón giả tăng lên từng năm. Theo Hiệp hội Phân bón Việt Nam, cả nước có khoảng 1.000 cơ sở sản xuất phân bón với khoảng 5.000 chủng lọai; trong đó, TPHCM có 491 cơ sở. Hiệp hội tư vấn với Ban Chỉ đạo Quốc gia 389, Bộ Công thương, Bộ NN-PTNT... cùng Ban Chỉ đạo 389 TPHCM tiến hành kiểm tra những hoạt động sản xuất kinh doanh phân bón trên địa bàn trọng điểm này. Việc kiểm tra nhiều lần tại huyện Bình Chánh thời gian qua cho thấy, TPHCM thật sự là địa phương nóng về sản xuất phân bón. 

Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo Quốc gia 389 cho rằng, TPHCM là trọng điểm cả nước về sản xuất phân bón. Kiểm tra 56 cơ sở sản xuất ở 24 quận - huyện, có đến 20 cơ sở hoạt động không phép, một tỷ lệ rất cao. Ngay cả cơ sở có giấy phép vẫn vi phạm. Các vi phạm chủ yếu như sản xuất, gia công không có giấy phép, giả mạo nhãn hàng hóa, kinh doanh hàng nhập lậu, sản xuất phân bón không công bố hợp quy, chất lượng không phù hợp với tiêu chuẩn công bố; điều kiện sản xuất... nên đã phạt vi phạm hơn 2,1 tỷ đồng, chưa kể số lượng vật tư bị tịch thu, tiêu hủy. Điều đáng nói, cơ sở sản xuất vi phạm suốt thời gian dài nhưng chính quyền xã (phường) không nắm được. Trong khi, từ năm 2009, TPHCM đã quy hoạch không cho mở thêm cơ sở sản xuất phân bón.

Sử dụng phân bón với thương hiệu và rõ nguồn gốc sẽ góp phần triệt tiêunạn phân bón kém chất lượng Ảnh: C.T.V

Qua đợt kiểm tra vừa qua, cơ quan quản lý nhà nước phát hiện và chỉ ra nhiều vướng mắc, khó khăn từ việc ban hành quy phạm pháp luật, hướng dẫn thực hiện đến thực tiễn quản lý. Việc phối hợp cấp phép, cung cấp thông tin giữa cơ quan trung ương, địa phương chưa đồng bộ. UBND huyện Bình Chánh còn thiếu thông tin về việc thẩm định điều kiện để được cấp phép và thông tin đối với cơ sở được cấp phép từ phía cơ quan chức năng (Cục Hóa chất, Cục Trồng trọt). Lãnh đạo huyện Bình Chánh thừa nhận, việc phối hợp chưa chặt; kiểm tra và xử lý còn chậm, chưa đến nơi đến chốn.

Mô hình điểm

Lãnh đạo Công an TPHCM cho biết, các vi phạm về thực phẩm chức năng đã có trường hợp đưa ra xét xử và chịu mức án tù rất cao, nhưng với vi phạm phân bón gặp nhiều vướng mắc, rối rắm nên khi kiểm tra các cơ sở sản xuất phân bón vi phạm, có thể xử lý không hết hay xác lập vi phạm chưa đúng. Việc khởi tố làm hàng giả là mục đích để răn đe nhưng với mặt hàng phân bón chỉ khi số lượng lớn, giá trị trên 30 triệu đồng trở lên mới khởi tố. Thực tế cho thấy, các mặt hàng phân bón kém chất lượng, làm giả khi sản xuất đều đem tiêu thụ hết, không để tồn thành phẩm trong kho nên giá trị hiện vật không cao để khởi tố. Trong khi đó, việc mang mẫu đi xét nghiệm mỗi nơi cho ra kết quả một kiểu, không có sự đồng nhất; và vì là hàng làm thủ công, chất lượng không đều nên 3 lần xét nghiệm đều cho kết quả khác nhau; trong khi nhà nước quy định, lấy kết quả lần thứ 3 làm kết quả cuối cùng thay vì dựa vào kết quả mẫu nào vi phạm nhiều nhất làm căn cứ. Ngay cả nhà chuyên môn còn không thể phân biệt phân bón là thật hay giả thì làm sao đòi hỏi công an xã biết được là giả hay thật. Công an TPHCM cảnh báo, sau thời gian làm quyết liệt tại huyện Bình Chánh, những người cố tình vi phạm sẽ dịch chuyển việc sản xuất phân bón kém chất lượng sang địa bàn khác của TP hay qua tỉnh lân cận. 

Phó Chủ tịch UBND TPHCM Trần Vĩnh Tuyến một lần nữa nhấn mạnh, địa bàn nào để xảy ra các vi phạm này, lãnh đạo nơi đó chịu trách nhiệm. Vì việc này mà huyện Bình Chánh đã kiểm điểm trách nhiệm chủ tịch và phó chủ tịch 9 xã có vi phạm, lãnh đạo huyện cũng nhận khuyết điểm khi để xảy ra. Cơ sở vi phạm, nếu đủ điều kiện sẽ truy tố để răn đe. TPHCM cùng với Ban Chỉ đạo Quốc gia 389 cùng ngồi lại để tìm ra biện pháp phối hợp chặt hơn cũng như kiến nghị tháo gỡ những vướng mắc. Tuy nhiên, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Trần Vĩnh Tuyến cho rằng, nếu chỉ trông cậy vào chính quyền là chưa đủ. Vì không thể nào làm xuể mà cần có cơ chế để người dân cùng tham gia vào việc kiểm soát, ngăn ngừa các vi phạm về sản xuất, kinh doanh phân bón. Sự ý thức, tự giác của người sản xuất, kinh doanh, cũng như người tiêu dùng không vì ham rẻ mà mua phân bón không rõ nguồn gốc, kém chất lượng. Bên cạnh việc kiểm tra, xử phạt, TPHCM cũng khuyến khích và tạo điều kiện cho người sản xuất ra sản phẩm chất lượng và tiến tới việc ứng dụng công nghệ thông tin vào để có thể truy xuất nguồn gốc các loại vật tư nông nghiệp, tiến đến việc lập lại trật tự trong sản xuất và kinh doanh phân bón.

Lãnh đạo Tổng cục Hải quan và Chánh Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia đều có chung nhận định, là địa bàn nóng, nhưng sự kiên quyết của lãnh đạo TP, cũng như tự thân TPHCM tổ chức nhiều cuộc họp về phòng chống các vi phạm trong sản xuất kinh doanh phân bón, cho thấy sự nhận thức, quyết tâm của TPHCM trong việc ngăn chặn tệ nạn phân bón giả, kém chất lượng đã hoành hành nhiều năm qua. Có thể xem đây là mô hình điểm, làm nền tảng để cả nước tìm hiểu, học tập và nhân rộng.

CÔNG PHIÊN

Tin cùng chuyên mục