Sản xuất rau an toàn

Sản xuất rau an toàn

Hiện nay, vệ sinh an toàn thực phẩm đang được toàn xã hội quan tâm. Bên cạnh các loại thực phẩm thịt, cá, trứng, sữa… thì rau xanh cũng được quan tâm hàng đầu, nhất là rau ăn lá và rau gia vị.

Gian hàng rau sạch của Công ty Dalat GAP

Hiểu được tầm quan trọng đó, trong quá trình sản xuất, chị Võ Thị Chinh (ở 11/6A ấp 3, xã Tân Quý Tây, huyện Bình Chánh, TPHCM) luôn tuân thủ đúng quy trình sản xuất rau VietGAP để tạo ra những sản phẩm an toàn, góp phần đáp ứng nhu cầu thực phẩm sạch cho cư dân thành phố. 

Chị Chinh cho biết: “Trước đây, tôi là giáo viên, sau khi nghỉ hưu về trồng rau đến nay đã gần 2 năm. Khi bắt tay vào sản xuất, tôi được các anh, chị bên Trạm Khuyến nông, Chi cục BVTV huyện, chỉ dẫn tận tình, được tập huấn, tham quan học tập kinh nghiệm sản xuất, nên đến nay tôi đủ tự tin để sản xuất và có thể truyền đạt lại kinh nghiệm cho nông dân khác.

Hiện là xã viên trực tiếp sản xuất, cung cấp rau cho hợp tác xã (HTX) Phước An, với diện tích 1.000m², tôi trồng các loại rau gia vị (mùi gai, tía tô, húng lủi...), rau muống, mồng tơi, dền, cần đước, cải. Với 1.000m², mỗi vụ sau khi trừ chi phí tôi còn lãi khoảng 5 triệu đồng, mỗi năm tôi trồng khoảng 8 - 10 vụ nên thu nhập cũng ổn định”.

Theo chị Chinh, vào HTX lợi hơn nhiều vì giá bán sản phẩm được ổn định, lại được tập trung sản xuất với nhau, phân chia đối tượng, loại rau để sản xuất không tồn đọng vì “đụng hàng” và không bị thương lái ép giá. Cứ 1 - 2 tuần là nông dân thu được tiền bán sản phẩm. Ngoài ra, tùy nhu cầu của nông dân, HTX sẵn sàng ứng vốn để sản xuất theo yêu cầu của HTX. Hiện HTX có 7 tổ sản xuất, cán bộ kỹ thuật sẽ giao chỉ tiêu cho nông dân trồng theo diện tích. Ngoài ra, xã viên còn được cán bộ kiểm tra giám sát trên đồng ruộng để biết rau của mình  được sản xuất như thế nào? Phát triển ra sao? Và có hướng xử lý kịp thời khi có dịch bệnh xâm hại.

Tháng 5-2016, chị Chinh vinh dự được Trung tâm Khuyến nông TPHCM cử tham gia chương trình nông dân sản xuất giỏi trên địa bàn thành phố, được học tập những mô hình có hiệu quả kinh tế cao để về ứng dụng, góp phần nâng cao thu nhập cho bản thân và gia đình. “Tôi được tham quan mô hình trồng dưa lưới công nghệ cao ở Đồng Nai, mô hình trồng hoa lan công nghệ cao, mô hình của HTX Phong Thúy (Lâm Đồng), tôi thấy mô hình trồng dưa lưới cho hiệu quả cao và phù hợp với hiện trạng đất đai của mình nên sẽ thử nghiệm chuyển đổi sang mô hình này. Điều tôi quan ngại là đầu ra của sản phẩm dưa lưới nên hy vọng sắp tới tôi sẽ được HTX Phước An, Trạm Khuyến nông huyện Bình Chánh giúp đỡ tôi thành công”, chị Chinh tâm sự.

Trong nhiệm kỳ đại hội cổ đông lần 3 (2016 - 2020), chị Chinh trúng cử vào Ban Chủ nhiệm HTX Phước An. Được biết, HTX Phước An thành lập vào năm 2006, lúc đầu chỉ có 7 thành viên với vốn góp 11.500.000 đồng và 4,5ha, đến nay đã có hơn 80 thành viên (trên 23ha), vốn điều lệ 1,5 tỷ đồng.

Vân Tâm

Tin cùng chuyên mục