NSND Lê Tiến Thọ: Sân khấu đang tìm cách để không bị quên lãng

Đó là trần tình của NSND Lê Tiến Thọ, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam, xung quanh việc nhiều nhà hát đang xin hỗ trợ vì không kéo được khán giả đến rạp, hoặc không bán được vé...
NSND Lê Tiến Thọ
NSND Lê Tiến Thọ

Nhiều nghệ sĩ tâm huyết với sân khấu đã phải buồn bã thốt lên rằng, chưa bao giờ hoạt động biểu diễn sân khấu khó khăn như hiện nay. Nhiều nhà hát đang xin hỗ trợ vì không kéo được khán giả đến rạp, hoặc không bán được vé... Khó khăn là vậy nhưng tại sao Hội Nghệ sĩ sân khấu, nơi được coi là mái nhà chung của các nghệ sĩ, vẫn kiên trì tổ chức các liên hoan sân khấu? Chúng tôi đã trao đổi với NSND Lê Tiến Thọ, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam, xung quanh vấn đề này.

PHÓNG VIÊN: Không chỉ riêng sân khấu truyền thống mà là toàn bộ sân khấu trong nước cũng đang phải đối mặt với tình trạng khủng hoảng thiếu khán giả, thiếu tác phẩm tốt, thiếu nghệ sĩ tài năng…?

NSND LÊ TIẾN THỌ: Trong thời đại bùng nổ thông tin hiện nay, sân khấu vẫn tiếp tục gặp khó khăn. Sự khó khăn kéo dài từ nhiều năm trước, đến bây giờ khi bắt đầu bước vào ổn định, sắp xếp lại tổ chức thì có thêm nhiều xáo trộn về tư tưởng. Tất nhiên, nhà nước luôn đầu tư cho các loại hình nghệ thuật, trong đó có sân khấu. Như Nghị quyết 23 của Bộ Chính trị cách đây đúng 10 năm, chính phủ và các bộ chức năng, cơ quan ban ngành cũng xây dựng những đề án cho sự phát triển này, nhưng phải nói rằng, trong cơ chế thị trường, sân khấu chưa thể cạnh tranh với thị trường. Thị trường có tính đào thải nhưng chúng ta đầu tư cho vở diễn, các tiết mục chưa đến nơi đến chốn. Thị trường là guồng quay khốc liệt, nếu ta không đáp ứng được nhu cầu hoặc không chuyển đổi về cơ chế tổ chức thì sẽ rơi vào khó khăn và còn gặp khó khăn nhiều hơn nữa.

Các liên hoan sân khấu không mặn mà với khán giả, mà ngay cả những người làm nghề đôi lúc cũng không có đủ thời gian và kinh phí để có thể ngồi xem chính đồng nghiệp của mình diễn. Vậy tại sao hội vẫn nỗ lực duy trì hoạt động này?

 Đúng vậy! Đây là một trong những khó khăn thường trực khi tổ chức các hội diễn, liên hoan mà ai cũng nhận thấy. Song nếu chúng tôi không tổ chức, sợ rằng sân khấu sẽ rơi vào quên lãng. Đôi lúc, liên hoan còn là nơi để các đơn vị nghệ thuật, đoàn diễn thể hiện được mong muốn, tâm huyết làm nghề, giữ nghề của các nghệ sĩ. Liên hoan là sự thúc đẩy nỗ lực, phấn đấu của các nghệ sĩ và của chính các đơn vị nghệ thuật. Tại thời điểm này, các đơn vị công lập khó khăn, các đơn vị xã hội hóa cũng khó khăn không kém, nhưng họ vẫn nỗ lực góp mặt. May mắn là vẫn có những nghệ sĩ đã tự đầu tư rất nhiều tiền dựng một vở cải lương, một vở kịch tham dự liên hoan. Có thể kể đến lần đầu tiên tổ chức sân khấu xã hội hóa ở TPHCM năm 2006, đã thu hút được hàng chục đơn vị tham gia. Khi ấy NSND Hồng Vân vui mừng nói với truyền thông rằng: “Sân khấu xã hội hóa đã được cấp sổ đỏ!”. Họ vui vì được công nhận.

Cũng nhìn nhận thực tế việc đầu tư kinh phí đi lại, ăn ở, tham dự liên hoan là khó khăn có thật với nhiều đơn vị, đoàn diễn. Nhưng chính trong lúc khó khăn này, thật may khi sân khấu vẫn nhận được sự ủng hộ tham gia, tâm huyết của các đơn vị, nghệ sĩ để sân khấu có được nhiều hoạt động. Chỉ có hoạt động thì mới có thể tác động được đến xã hội, nếu không sân khấu sẽ chìm nghỉm trong guồng quay của thị trường. Nếu không còn các cuộc sinh hoạt nghề nghiệp như vậy, sợ rằng lực lượng nghệ sĩ sân khấu sẽ ngày càng vơi đi. Hội chính là nơi neo giữ nhiệt huyết nghề nghiệp của chính các nghệ sĩ cùng với đơn vị quản lý.

 Việc tổ chức gần như cùng thời điểm 2 hoạt động là Liên hoan Ảo thuật toàn quốc lần thứ 3 năm 2018 và Liên hoan Nghệ thuật sân khấu tuồng, bài chòi và dân ca kịch toàn quốc năm 2018, phải chăng cũng hướng tới mục đích này?

 Liên hoan Ảo thuật toàn quốc lần thứ 3 năm 2018 khai mạc tại TPHCM vào ngày 13-10. Đã lâu rồi chúng tôi mới quy tụ được số lượng nghệ sĩ ảo thuật nhiều như vậy. So với 2 lần liên hoan trước, lượng tiết mục đăng ký nhiều hơn hẳn, chứng tỏ cho dù điều kiện hoạt động còn nhiều khó khăn, nhưng các nghệ sĩ ảo thuật vẫn yêu nghề, có nhiều tìm tòi sáng tạo để nâng cao chất lượng nghệ thuật phục vụ nhân dân trong công cuộc đổi mới đất nước. Họ nỗ lực như vậy thì chúng tôi, hội nghề nghiệp, cũng cố gắng tạo thêm một hoạt động để các nghệ sĩ giao lưu, trao đổi, học tập kinh nghiệm, nâng cao chất lượng biểu diễn, đáp ứng nhu cầu thưởng thức của khán giả. Liên hoan Nghệ thuật sân khấu tuồng, bài chòi và dân ca kịch toàn quốc 2018 tổ chức tại TP Quảng Ngãi từ ngày 20 đến 28-10 cũng nhằm mục đích tương tự.

 Có thực dụng quá không khi có ý kiến cho rằng, việc tham gia chỉ mang tính hình thức, để nhận huy chương, giải thưởng làm căn cứ xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT thưa ông?

 Đó chỉ là một phần. Thực tế có người có nhiều huy chương nhưng cũng không được xét danh hiệu. Và ngược lại, có người không có huy chương nào, giải thưởng nào nhưng họ thực sự tài năng, được xã hội yêu quý nể trọng, họ có đủ tiêu chí nghề nghiệp mà hội đồng đưa lên thì họ sẽ được vinh danh. Vừa qua, như trường hợp 2 nghệ sĩ cải lương Thanh Tuấn, Minh Vương là ví dụ rõ nhất. Còn nếu nói rằng, chỉ cần có huy chương, có giải thưởng thì cần gì phải có hội đồng để họp, để bỏ phiếu mà cứ thẳng băng đếm số trao danh hiệu NSND, NSƯT, thế là xong. 

Những người làm nghề đều hiểu, liên hoan không chỉ đơn thuần là chỗ để kiếm huy chương mà còn để mỗi cá nhân chứng tỏ thành quả lao động nghệ thuật của chính mình.

Tin cùng chuyên mục