NSND-đạo diễn Khải Hưng: Chất lượng phim truyền hình – đáng lo

NSND-đạo diễn Khải Hưng: Chất lượng phim truyền hình – đáng lo

Suốt nhiều năm gắn bó với Trung tâm Sản xuất phim truyền hình - Đài THVN (VFC), không chỉ là đạo diễn của những bộ phim thuộc loại hay nhất của phim truyền hình như Lời nguyền của dòng sông, Mẹ chồng tôi…, ông còn chịu trách nhiệm sản xuất cả ngàn tập phim với những “thương hiệu”, như Văn nghệ Chủ nhật, Cảnh sát hình sự...

Là người chèo lái “con thuyền” VFC nhiều năm qua để luôn giữ vững vị trí anh cả của làng phim truyền hình phía Bắc, ông luôn ăm ắp những tâm sự về phim truyền hình. Chúng tôi đã có cuộc trò chuyện với ông – đạo diễn Khải Hưng:

NSND-đạo diễn Khải Hưng: Chất lượng phim truyền hình – đáng lo ảnh 1

*  Phim truyền hình đang phát triển ồ ạt, có đài truyền hình sắp vượt “chỉ tiêu” 50% phim nội và có những hãng phim tư nhân sản xuất 300-400 tập phim/năm. Chính chủ trương xã hội hóa sản xuất phim truyền hình đã kích thích thị trường này phát triển nhanh chóng. Điều này đáng mừng hay đáng lo, thưa ông?

* Đúng là chưa bao giờ phim truyền hình nở rộ như bây giờ. Thông thoáng như “cửa” HTV đã tạo ra nguồn phim giống cách đây 20 năm, nghĩa là “nhà nhà làm phim”. Tôi không gọi phim “mì ăn liền” vì xúc phạm đồng nghiệp điện ảnh đi làm phim cho truyền hình, nhưng sản phẩm của họ cũng “vậy vậy” cả thôi. Đáng mừng thì ai cũng thấy, vì khán giả có nhiều sự lựa chọn. Nhưng đáng lo thì đúng hơn, vì chất lượng đang đi xuống…

* Cơ chế hợp tác sản xuất phim của các đài khá khắt khe, để một bộ phim lên sóng phải qua nhiều bước và có cả hội đồng thẩm định, từ kịch bản đến phim… nhưng chất lượng đi xuống vì sao, thưa ông?

* Tôi từng là thành viên Hội đồng thẩm định kịch bản của VTV. Công việc thẩm định vô cùng khó khăn. Thẩm định đề cương là việc rất mơ hồ, đến thẩm định kịch bản cũng mơ hồ và từ kịch bản đến phim lại là một khoảng cách xa. Chỉ cần một diễn viên diễn tồi thì chất lượng phim giảm đi trông thấy. Đạo diễn vụng về thì phim càng xuống. Chỉ khi có bản phim hòa âm trong tay thì mới biết phim nào là phim tốt và khi chiếu lên mới biết phim có hút người xem hay không.

* Ông đã lên tiếng về việc phim truyền hình đang được các đài mua bản quyền bằng cách đổi quảng cáo, như vậy thì cả truyền hình và người làm phim đều không chuyên nghiệp và đang kéo nhau xuống...

* Có nhiều quảng cáo, về góc độ nào đó là đáng mừng. Nhưng có 1.001 chuyện dở khóc dở cười khi các nhà quảng cáo hay nhà tài trợ can thiệp, hay chi phối quá mạnh, đến việc sản xuất phim truyền hình hiện nay. Họ buộc đạo diễn phải đưa vào phim những sản phẩm chẳng liên quan đến nội dung phim hay đặt quảng cáo trong phim dày đặc và lộ liễu khiến khán giả khó chịu.

Đã có phim khởi quay một thời gian, thấy diễn viên không bắt mắt, thế là họ thay bằng diễn viên vừa với mắt họ, nhưng chẳng ăn nhằm gì với phim. Vì nhà sản xuất không đủ tiền làm phim nên phụ thuộc vào nhà tài trợ, để họ “làm mưa làm gió”… Rõ ràng, cả hãng phim và đài đều không phải trong việc đổi phim lấy quảng cáo.

* Nhưng chất lượng phim do các nhà làm phim – những chủ thể sáng tạo tạo ra tác phẩm…

* Bộ phim do nhóm tác giả thực hiện, nhưng phim có thể do nhà tài trợ đặt hàng nhà sản xuất, và đến lượt nhà sản xuất chi phối nội dung. Tôi thường xuyên nhận được yêu cầu làm phim theo đề tài thế này hay thế kia. Tôi hẹn lúc nào nghỉ hưu tôi sẽ làm. Người bỏ tiền đề nghị như vậy không có gì sai nhưng họ mới chỉ thấy được một mặt. Nghệ sĩ mình thì dường như không có bản lĩnh lắm, vì hiếm ai bỏ hẳn cả một phim không làm, hay nếu nhà tài trợ can thiệp sâu vào nội dung phim thì bỏ về không làm phim nữa.

Cũng có thể đã có việc đó nhưng không phổ biến. Làm được điều này thì cần có Hiệp hội Những nhà sản xuất phim truyền hình nhằm hỗ trợ và góp ý cho nhau, vì số lượng phim mỗi năm khoảng một nghìn tập chứ đâu có ít. Đạo diễn khi cam kết làm phim lưu ý, ngoài quyền lợi kinh tế thì còn phải bảo đảm chất lượng nghệ thuật ở mức nhất định, hay đảm bảo tên tuổi của mình... Cần tránh trường hợp người này chê kịch bản không nhận thì người khác lại mặn mà.

* Ông đánh giá thế nào về hiện tượng phim truyền hình cạnh tranh với các hãng phim nhà nước phía Nam, phim của TFS phải “nhường” sóng cho phim của các hãng khác trên HTV. Phim của VFC cũng phải xếp hàng chờ đợi. Có phim làm đã lâu chưa được hội đồng thẩm định của đài duyệt nên chưa thể quyết toán…

* Những việc như vậy là có nhưng không phải chúng tôi phải cạnh tranh với ai, vì làm gì có hãng phim tư nhân nào có vài chục đạo diễn, ba chục nhà quay phim và cả ê-kíp hùng hậu như VFC. Nhưng VFC bị chảy máu chất xám. Với kinh nghiệm sản xuất 5.000 tập phim thì VFC ở thế thượng phong, nhưng không cẩn thận thì mất hết người. VFC phải giữ người và giành lại về phía mình những gì là của mình. Điều quan trọng là nâng cao đời sống của anh em làm nghề và có chế độ đãi ngộ công bằng hơn.

“Cửa sóng” truyền hình cũng cần phải có niêm luật và quy định dài hạn chứ không phải quy định tạm thời. Năm nay không phù hợp thì sang năm điều chỉnh, sang năm lại điều chỉnh và điều chỉnh đến bao giờ? Và cứ điều chỉnh như thế thì nhà sản xuất biết lấy gì mà theo. Sản xuất phim truyền hình nên theo Luật Điện ảnh thì nhà làm phim có “đất” và nhà tài trợ cũng yên tâm hơn. Các đài truyền hình là người mua “hàng” thì phải đưa ra được nhu cầu để nhà sản xuất cung ứng… Khi chưa đưa ra định hướng cho từng năm một thì còn lúng túng…

* Xin cảm ơn ông! 

HOÀNG THẮNG (thực hiện)

Tin cùng chuyên mục