NSƯT Hữu Châu: Nghệ sĩ là người chinh phục

Hơn 30 năm theo đuổi đam mê nghệ thuật, NSƯT Hữu Châu đã tạo dựng được một chỗ đứng vững chắc trong lòng khán giả, được anh em nghệ sĩ yêu mến. Với anh, giờ đây nghệ thuật đã trở thành máu huyết, là sự sống, niềm hạnh phúc không thể thiếu giữa cuộc đời. Đặc biệt, anh luôn dành nhiều thời gian để truyền dạy cho các học trò tình yêu nghệ thuật sân khấu. Trước thềm Xuân Ất Mùi 2015, phóng viên Báo SGGP đã trò chuyện với NSƯT Hữu Châu về nghề, về đội ngũ kế thừa.
NSƯT Hữu Châu: Nghệ sĩ là người chinh phục

Hơn 30 năm theo đuổi đam mê nghệ thuật, NSƯT Hữu Châu đã tạo dựng được một chỗ đứng vững chắc trong lòng khán giả, được anh em nghệ sĩ yêu mến. Với anh, giờ đây nghệ thuật đã trở thành máu huyết, là sự sống, niềm hạnh phúc không thể thiếu giữa cuộc đời. Đặc biệt, anh luôn dành nhiều thời gian để truyền dạy cho các học trò tình yêu nghệ thuật sân khấu. Trước thềm Xuân Ất Mùi 2015, phóng viên Báo SGGP đã trò chuyện với NSƯT Hữu Châu về nghề, về đội ngũ kế thừa.

NSƯT Hữu Châu: Nghệ sĩ là người chinh phục ảnh 1

NSƯT Hữu Châu

- Phóng viên: Anh đảm nhận vai trò dàn dựng lại những vở tuồng cải lương kinh điển của sân khấu Thanh Minh - Thanh Nga năm xưa: Tiếng trống Mê Linh, Bên cầu dệt lụa, Nửa đời hương phấn, vì sao?

>> NSƯT HỮU CHÂU: Với tôi, các vở cải lương kinh điển được dàn dựng và công diễn thành công là nhờ vào tấm lòng, sự yêu quý của khán giả dành tặng cô Thanh Nga, thương hiệu Thanh Minh - Thanh Nga, muốn gặp lại những nghệ sĩ thế hệ vàng năm xưa để được nghe các cô chú hát, diễn những vở tuồng đã đi vào lòng người bao thế hệ. Vì có thể sau những suất diễn ấy, người mộ điệu không còn cơ hội được nghe, được xem các nghệ sĩ tài danh cùng hội tụ, ca diễn những vở tuồng kinh điển như thế nữa trong tương lai.

Ngoài ra, không gian sân khấu cải lương xưa cũng giúp khán giả lớn tuổi tìm được những hồi ức đẹp về một thời huy hoàng của sân khấu cải lương. Tuy nhiên, bên cạnh chương trình nghệ thuật của gia đình chúng tôi, phải ghi nhận sự đóng góp sức người, sức của của nhiều anh chị em nghệ sĩ trong giới sân khấu cải lương đã nỗ lực duy trì hoạt động sân khấu trong suốt những năm qua. 

- Là người làm nghệ thuật lâu năm, theo anh, các nghệ sĩ cần điều kiện gì để duy trì và phát triển nghề?

Thực tế, dù sân khấu cải lương còn gặp nhiều khó khăn, nhưng vẫn có những tấm lòng của các nghệ sĩ sống hết mình với nghề, cống hiến công sức bằng nhiều cách, từ tự tổ chức đến tham gia nhiệt tình trong các chương trình sân khấu cải lương. Người có đầy đủ điều kiện thì làm chương trình lớn, người không đủ kinh phí thì tổ chức các chương trình nhỏ, điều đó thể hiện tinh thần trách nhiệm của các nghệ sĩ với nghề, với nghệ thuật sân khấu. Thật sự, anh em nghệ sĩ không ai bỏ bê cải lương cả, ai cũng muốn làm nhưng vì điều kiện còn quá thiếu thốn, khi bắt tay làm chương trình, nghệ sĩ phải lo lắng đủ việc, từ kinh phí, địa điểm biểu diễn, tiền thuê rạp diễn, chạy chương trình, may trang phục, đạo cụ, cảnh trí, âm thanh, ánh sáng...

Ở nước ngoài, các bộ môn nghệ thuật thường được nhà nước quan tâm đầu tư rất chu đáo, bằng tất cả sự trân trọng. Hiện nay, cũng có những nghệ sĩ, tác giả khao khát làm nghề, nhưng điều kiện còn eo hẹp, cơ sở vật chất còn nhiều hạn chế. Dù vậy, họ đã, đang và tiếp tục làm việc bằng hết khả năng có thể để thỏa lòng đam mê nghệ thuật, cố gắng nuôi dưỡng, vun đắp thêm tình yêu nghề. Bản thân tôi và một số anh chị em nghệ sĩ đang theo lĩnh vực kịch nói, nghe bên sân khấu cải lương có chương trình, sô diễn, nếu sắp xếp được thời gian sẽ cùng giúp sức, cố gắng giữ gìn và tiếp tục duy trì hoạt động. Trên hết, cần lắm vẫn là vai trò của người đứng đầu, người quản lý văn hóa, quản lý sân khấu.

- Khó khăn của sân khấu hiện nay không chỉ dừng lại ở chuyện cơ sở vật chất, kinh phí hoạt động mà còn là vấn đề con người. Với vai trò người thầy, anh đánh giá sự tiếp nối con đường nghệ thuật của các bạn trẻ như thế nào?

Tôi có xem các chương trình thi hát cải lương trên truyền hình, tôi thấy các em khi đoạt giải thưởng là nghĩ mình đã là diễn viên. Thật sự thì không phải vậy! Diễn viên là phải diễn được, mà muốn diễn các em phải học ở trường lớp, hoặc học nghề từ các anh chị, cô chú nghệ sĩ đi trước. Các em ca hay nhưng diễn còn rất dở, cần phải trau dồi, học hỏi, rèn luyện nhiều hơn. Đành rằng ở cải lương, trong các vở tuồng, một số vai diễn đã trở thành mẫu mực cho các em diễn theo, nhưng người nghệ sĩ không thể bắt chước từng li từng tí theo nguyên mẫu mà phải có sự sáng tạo riêng, thể hiện được suy nghĩ, tư tưởng, quan điểm thẩm mỹ nghệ thuật của thế hệ hôm nay. Các em còn đang thiếu điều đó. Nhớ ngày xưa, các bà, các cô như NSND Bảy Nam, NSND Phùng Há phải tự đi tìm những người thầy, rồi chờ đợi, chầu chực, năn nỉ để được các thầy truyền cho “nghề” qua từng đường gươm, đường đao…

Làm nghệ sĩ vất vả, gian nan là thế, không phải chỉ qua một hai cuộc thi là có thể thành nghệ sĩ chuyên nghiệp. Ý nghĩ tổ chức giải thưởng, tìm kiếm những nhân tố mới cho sân khấu là rất tốt, nhưng nếu chỉ phát hiện ra nhân tố mới mà không có kế hoạch đào tạo tiếp, không dạy cho các em thêm những kiến thức, kỹ thuật trình diễn trên sân khấu, về đạo đức người nghệ sĩ… thì khó có được một lớp nghệ sĩ trẻ kế thừa giỏi nghề. Đây là nghề đi chinh phục người khác, không bao giờ là dễ dàng. Ngay cả với lĩnh vực tấu hài, nghệ sĩ trẻ có tài cũng ngày càng hiếm.

Riêng với sân khấu kịch, các sân khấu xã hội hóa đang đào tạo được một lớp diễn viên trẻ theo yêu cầu, phong cách của từng đơn vị. Ở đây, các em được những nghệ sĩ giàu kinh nghiệm nghề truyền dạy những kiến thức sân khấu và kinh nghiệm thực tiễn bổ ích, thiết thực. Các em được vừa học vừa thực hành liên tục giúp các em năng động, nhanh nhạy cập nhật thông tin, yêu cầu của cuộc sống, từ đó phát huy sở trường, làm được nhiều việc hơn. Ở sân khấu kịch Hồng Vân, nhiều em đã đứng được với các vai diễn lớn nhỏ, đi đóng phim… Đó là tín hiệu đáng mừng cho sân khấu kịch thành phố.

- Trăn trở với thế hệ nghệ sĩ trẻ, thấy rõ điểm mạnh, điểm yếu của thế hệ kế thừa, anh có kỳ vọng gì gửi gắm đến các em?

Mấy em trẻ còn thiếu sự sâu sắc trong các vai diễn. Nhiều em ham nổi tiếng nhanh nên cố gắng làm đủ mọi cách để được nổi tiếng, trong đó có sự tiếp tay của giới báo chí, truyền thông. Vậy nên, tôi chỉ mong báo chí chắt lọc giùm, hãy khó tính hơn một chút khi đặt bút viết về diễn viên trẻ. Các gương mặt mới được báo chí viết bài là tốt, tuy nhiên, các em không nên vì thế mà tự cao, tự đại. Tôi vẫn luôn mong mỏi và kỳ vọng vào thế hệ tiếp nối và không gì sung sướng cho bằng trong đó có học trò mình.

Với nghề dạy học, tôi quan niệm, ngoài việc dạy chuyên môn cho các em, cần phải làm nhiều cách để trái tim các em “sống” trọn vẹn với đời, với người, với nghề, biết rung cảm với cuộc sống. Tôi thường hay kể cho các em nghe những câu chuyện ý nghĩa về đạo, đời, với mong muốn giúp các em chạm được vào những cảm xúc chân phương từ trong tâm hồn, khơi dậy tính hướng thiện, dẫn dắt các em đến gần hơn với những điều tốt đẹp.

- Đảm nhiệm nhiều công việc, anh thích mình ở vai trò nào nhất? Mong ước của anh cho năm mới 2015 là gì?

Mãi mãi tôi là diễn viên. Với tôi, nghề diễn không chỉ là niềm đam mê đơn thuần nữa, mà nó đã là máu huyết, là cuộc sống, không thể thiếu. Tôi luôn hạnh phúc khi được đứng trên sân khấu thỏa chí vẫy vùng, thăng hoa cùng với từng nhân vật, vai diễn. Tôi nhớ, khi diễn xong vở Dạ cổ hoài lang, anh em nghệ sĩ đứng chào khán giả, tôi thấy khán giả chào mình, rồi chạy lên chụp hình, ôm mình một cách nồng ấm… Cảm giác đó thật khó tả và chỉ bao nhiêu đó thôi đã đủ nuôi sống tâm hồn, tinh thần, giúp tôi thấy phấn chấn, sảng khoái, hạnh phúc.

Không chỉ vậy, có nhiều bữa, đi diễn về, tôi thấy có bịch cà na, bịch sấu hay chocolate để trên bàn. Má tôi nói, ai đó cho con. Tôi biết ngay là khán giả. Tôi cứ nghe mát rượi tim mình! Mong ước của tôi cho năm mới là có nhiều sức khỏe để làm được nhiều việc hơn, để được đi hát, đi diễn, vậy thôi! 

- Cảm ơn và chúc anh năm mới nhiều thành công!

THÚY BÌNH

Tin cùng chuyên mục