NSƯT Mỹ Uyên: Học Bác từ những việc nhỏ nhất

Nhằm đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh theo tinh thần Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị, Hội Sân khấu TPHCM và Nhà hát kịch Sân khấu nhỏ 5B vừa dàn dựng vở kịch Dấu xưa. Vở kịch vừa chính thức ra mắt đã nhận được nhiều ý kiến đánh giá tích cực, ngợi khen. Dịp này, Phóng viên Báo Sài Gòn Giải Phóng đã có cuộc trao đổi với NSƯT Mỹ Uyên, quyền Giám đốc Nhà hát kịch sân khấu nhỏ xung quanh câu chuyện này.
NSƯT Mỹ Uyên: Học Bác từ những việc nhỏ nhất

Nhằm đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh theo tinh thần Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị, Hội Sân khấu TPHCM và Nhà hát kịch Sân khấu nhỏ 5B vừa dàn dựng vở kịch Dấu xưa. Vở kịch vừa chính thức ra mắt đã nhận được nhiều ý kiến đánh giá tích cực, ngợi khen. Dịp này, Phóng viên Báo Sài Gòn Giải Phóng đã có cuộc trao đổi với NSƯT Mỹ Uyên, quyền Giám đốc Nhà hát kịch sân khấu nhỏ xung quanh câu chuyện này.

* Phóng viên: Dàn dựng những vở kịch đề tài chính luận, nhất là kịch về nhân vật lịch sử luôn là một áp lực không nhỏ đối với các đơn vị nghệ thuật. Chị có thể chia sẻ gì về điều này khi Nhà hát kịch sân khấu nhỏ được giao dàn dựng vở Dấu xưa, tái hiện hình tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh?

- NSƯT MỸ UYÊN: Quả thật là rất áp lực. Với tình hình sân khấu hiện nay đa phần nghiêng về giải trí, ít còn sân khấu nào dựng tác phẩm văn học chứ đừng nói đến việc dành thời gian cho những tác phẩm có yếu tố lịch sử. Không những khó về tác phẩm mà cái khó còn về con người. Rất khó mời nghệ sĩ vì đa số bận chạy show, điều quan trọng là mời họ có nhận lời không và nhất là có yêu thích thể loại này không… Bước đầu chúng tôi đã đạt được điều này.

Một cảnh trong vở kịch “Dấu xưa”

* Những khó khăn của Nhà hát trong quá trình dàn dựng vở kịch là gì, thưa chị?

- Mời được nghệ sĩ vào vai Bác Hồ là một thách thức lớn với đạo diễn - NSƯT Trần Minh Ngọc. Thầy trò chúng tôi đã cùng bàn rất kỹ, phải chọn ai hợp vai, có phong cách, lối sống đạo đức tốt, vì đây là nhân vật lãnh tụ của cả dân tộc... Cũng may khi chúng tôi gọi NSƯT Thanh Điền, anh nhận lời ngay. Nhận lời rồi, anh Thanh Điền ngày đêm mất ngủ vì lo âu, làm sao để thể hiện cho tốt phong cách và nội tâm nhân vật Bác Hồ.

Chúng tôi còn có NSƯT Việt Anh và nhiều nghệ sĩ khác, đồng thời phải sắp lịch tập linh động. Mặt bằng tập cũng là cái khó, Nhà hát kịch 5B đã ngưng hoạt động gần 2 năm nay vì cơ sở vật chất quá cũ kỹ. Nếu phải thuê rạp khác thì mọi thứ sẽ không như ý mình. Vở kịch từ khi dàn dựng đến lúc ra mắt mất gần 3 tháng, không thể ra ngoài thuê suốt được. Do đó những ngày thực hiện vở, anh chị em chúng tôi đã hết sức tiết kiệm, phải ở lại lầu 3 Sân khấu 5B chạy mộc, vô cùng nóng bức vì chỉ có 2 cây quạt…

* Chị nhận xét thế nào về các diễn viên trẻ trong một vở “nặng ký” như Dấu xưa? Điều lo lắng nhất của chị là gì?

- Phải khẳng định một điều là tất cả nghệ sĩ từ lớn đến nhỏ đều rất tâm huyết và dồn hết tâm sức cho tác phẩm. Những nghệ sĩ lớn, các bậc đàn anh, luôn ý thức và gương mẫu. Còn các bạn diễn viên trẻ với tâm hồn nghệ thuật, không nề hà và sẵn sàng lăn xả để thỏa thích đam mê. Các bạn đã được tôi luyện từ ghế nhà trường và có thời gian trưởng thành đi lên từ những vai nhỏ ở Sân khấu 5B. Cả một ê kíp làm việc rất nhiệt tâm, xuất phát từ ý thức trách nhiệm của những người con ở thành phố mang tên Bác. Họ xứng đáng với những nhân vật của kịch bản và họ xứng đáng được ngợi khen.

* Khá lâu sân khấu kịch mới cùng xuất hiện và quy tụ bộ tứ tên tuổi: tác giả kịch bản Nguyễn Thanh Bình, đạo diễn NSƯT Trần Minh Ngọc, chỉ đạo nghệ thuật NSND Trần Ngọc Giàu và Giám đốc sản xuất NSƯT Mỹ Uyên… 

- Tôi là người được tin tưởng giao nhiệm vụ này. Tôi dùng từ nhiệm vụ vì không phải ai cũng có được vinh dự cũng như ý thức về vai trò công việc. Đây là kịch bản trong trại sáng tác của Hội Sân khấu TPHCM. Lãnh đạo Hội trình lên Thành ủy TPHCM muốn được khai dựng. Ngay tức khắc lãnh đạo TP đã phê duyệt (cách đây hơn 3 năm). Lúc soạn giả Lê Duy Hạnh làm Chủ tịch Hội Sân khấu TP đã có đề xuất được cấp kinh phí để dàn dựng. Đến tháng 6-2015, Chủ tịch mới của Hội là NSND Trần Ngọc Giàu mong muốn tiếp tục thực hiện. Tôi vinh dự được giao nhiệm vụ và được ông tin tưởng, ủng hộ. Việc chúng tôi mời NSƯT Trần Minh Ngọc cũng là một lựa chọn hay nhất - ông là một người thầy đã dành cả đời mình cho sân khấu… Chúng tôi có sự kết hợp chặt chẽ và hiểu ý… Tác giả Nguyễn Thanh Bình là người viết khá lâu năm. Vấn đề chính là những người dàn dựng, thực hiện có dồn được hết tình cảm, tâm huyết, ý tưởng hay nhất của kịch bản vào tác phẩm hay không mà thôi. Sự thành công tại buổi ra mắt vừa qua là câu trả lời mà thầy trò chúng tôi đã dành cho tác phẩm nghệ thuật này.

* Được biết sắp tới, Nhà hát kịch sân khấu nhỏ sẽ mang Dấu xưa biểu diễn phục vụ sinh viên học sinh các trường học, công nhân lao động các khu công nghiệp - khu chế xuất.

- Khi tác phẩm Dấu xưa ra mắt suất đầu tiên, chúng tôi nhận được nhiều lời khen tặng từ Ban Tuyên giáo Thành ủy, lãnh đạo TP, các cơ quan báo đài và khán giả yêu tác phẩm lịch sử. Sự khích lệ này càng khiến cho cả êkíp mong mỏi được ra quân sớm hơn, đến với những khán giả yêu kịch chính luận. Với những bài học đạo đức không bao giờ cũ, giá trị tư tưởng sâu sắc, những thông điệp gần gũi, yêu thương và cách truyền tải chân thật, tôi cho rằng tác phẩm sẽ được đông đảo khán giả đón nhận.

Hiện Sân khấu 5B vẫn chưa sáng đèn lại nên việc thuê rạp là một thách thức không nhỏ. Vì thế, tôi mong mỏi có nguồn kinh phí để được đưa vở diễn đến với khán giả khắp nơi. Tôi muốn Dấu xưa được lưu diễn thường xuyên, để truyền đạt thông điệp: chúng ta học theo Bác từ những việc nhỏ nhất, học tập và noi gương Bác một cách thiết thực nhất, sinh động nhất, đó là điều mà tập thể diễn viên Nhà hát kịch Sân khấu nhỏ 5B chúng tôi đã phần nào đóng góp công sức.

MINH AN

Tin cùng chuyên mục