Nữ giám đốc “mê” cải tiến

Chị Kim Dung đưa ra sáng kiến “rải chuyền theo quy mô nhỏ”. Khi áp dụng trên chuyền, các bán thành phẩm rất thông thoáng, công nhân các khâu tự thúc đẩy nhau may để hàng chạy đều. 
 
Giải thưởng Tôn Đức Thắng lần thứ XVII năm 2017
LTS: Kỷ niệm Ngày sinh Chủ tịch Tôn Đức Thắng (20-8-1888)  - người công nhân ưu tú, cánh chim đầu đàn của giai cấp công nhân Việt Nam, từ 16 năm qua, cứ vào tháng 8, trong niềm vui hướng về các ngày lễ lớn của đất nước, Báo SGGP lại phối hợp với Liên đoàn Lao động TPHCM tổ chức trao Giải thưởng Tôn Đức Thắng, nhằm tôn vinh những công nhân, kỹ sư ưu tú. Theo thời gian, đã có 170 cá nhân trưởng thành từ giải thưởng này. Những người công nhân, kỹ sư ưu tú ấy đã không ngừng phát huy tính năng động, sáng tạo, truyền ngọn lửa đam mê cho các thế hệ sau tiếp nối những giá trị, phẩm chất tốt đẹp của người thợ cả năm xưa. Năm nay, trong hàng ngàn gương công nhân lao động, kỹ sư tiêu biểu, Hội đồng tuyển chọn đã chọn được 10 gương mặt xuất sắc để trao giải.
Từ số báo hôm nay, Báo SGGP lần lượt giới thiệu 10 gương mặt đoạt Giải thưởng Tôn Đức Thắng lần thứ XVII năm 2017.
Là người đứng đầu đơn vị, chị Hoàng Thị Kim Dung, Giám đốc Xí nghiệp May An Phú (thuộc Công ty cổ phần Sản xuất - Thương mại May Sài Gòn) luôn trăn trở làm thế nào để công việc được thuận lợi, năng suất ngày càng tăng, chất lượng sản phẩm đảm bảo và đời sống người lao động được nâng cao.  
Liên tục tìm tòi
Đưa chúng tôi đi tham quan các chuyền may trong xí nghiệp, chị Kim Dung không giấu được niềm vui: “Đây là chuyền chữ U, từ khi đưa vào vận hành đã rút ngắn được thời gian chuyền bán thành phẩm từ khâu đầu vào đến đầu ra, giúp tăng năng suất, giảm nhân công và qua đó thu nhập của người lao động cũng được nâng lên. Ngoài ra, phương thức này cũng tạo điều kiện thuận lợi hơn cho việc quản lý lao động và chất lượng sản phẩm”.
Trước khi áp dụng sáng kiến này của chị Dung, xí nghiệp bố trí chuyền may theo hình chữ I, mỗi chuyền dài từ 75m, ngang 3,5m, sản phẩm rải dài từ đầu vào đến đầu ra. Điều này khiến ban điều hành tổ phải di chuyển rất nhiều và không giám sát hết tình hình hoạt động của chuyền, dẫn đến sản phẩm bị ùn ứ và bị lỗi. 
Nữ giám đốc “mê” cải tiến ảnh 1 Chị Kim Dung (đứng giữa) trao đổi công việc tại xưởng cùng người lao động
Hơn 24 năm gắn bó với nghề may, chị Dung đã kinh qua nhiều khâu, nhiều chức danh và luôn được đồng nghiệp yêu mến. Từ người công nhân may đến làm tổ trưởng, phó quản đốc, phó phòng, phó giám đốc sản xuất đến giám đốc xí nghiệp, dù làm vị trí nào chị Kim Dung cũng tìm tòi để đưa ra những sáng kiến giúp công việc thuận lợi hơn.
Nhớ lại năm 2008, khi đó hàng hóa tại xưởng cứ bị ứ đọng, mà năng suất làm việc của công nhân lại không cao. Có một khách hàng bảo với chị rằng bên công ty của họ có những cải tiến nên công việc rất trôi chảy. Vậy là chị tìm cách đến công ty bạn để tham quan, học tập, rồi về đơn vị áp dụng sáng kiến tách cây, ghép hàng. Từ đó, năng suất cũng như chất lượng hàng hóa tăng vọt.
Khi thấy việc đưa bán thành phẩm cho công nhân may theo lô, bó (mỗi bó có thể từ 30 - 50 lá bán thành phẩm) khiến các khâu chuẩn bị không đồng bộ, dẫn đến tình trạng người thì không đủ hàng làm, người khác lại ứ đọng nhiều hàng. Điều này khiến công nhân phải làm thêm giờ mà năng suất vẫn không đạt theo kế hoạch.
Suy nghĩ mãi, chị Kim Dung đưa ra sáng kiến “rải chuyền theo quy mô nhỏ”. Khi áp dụng trên chuyền, các bán thành phẩm rất thông thoáng, công nhân các khâu tự thúc đẩy nhau may để hàng chạy đều. Qua đó giúp tăng năng suất và hoàn thành các đơn hàng sớm so với kế hoạch. 
Truyền lửa đam mê
Nói về những cải tiến, chị Kim Dung khiêm tốn: “Là công sức chung của tập thể chứ không chỉ riêng tôi. Tôi chỉ là người đưa ra sáng kiến, còn lại phải nhờ anh em cùng chung sức thực hiện. Khi những cải tiến của mình giúp mang lại nhiều lợi ích cho người lao động, cho công việc tốt hơn thì tất yếu sẽ nhận được sự đồng thuận của tập thể”.
Ở xí nghiệp, chị Kim Dung là người lãnh đạo gần gũi, thân thiện và đòi hỏi cao trong công việc. Cửa phòng chị luôn mở để các tổ trưởng và anh em công nhân khi có việc cần trao đổi đều có thể đến. Thậm chí, những buổi trưa, phòng chị chính là nơi mọi người vừa cùng nhau ăn trái cây vừa cho ý kiến về những điểm cần khắc phục của những cải tiến. 
Không chỉ là người có nhiều sáng kiến, chị Dung còn thường xuyên tổ chức các buổi ôn luyện tay nghề, nâng cao trình độ chuyên môn, truyền lửa đam mê sáng tạo cho người lao động. Chị cũng là một trong những người trực tiếp đào tạo, hướng dẫn công nhân thành thợ giỏi, có thể sử dụng nhiều loại máy. Trong suy nghĩ của chị, người lao động giỏi sẽ giúp đơn vị ngày càng phát triển. Chính những sáng kiến trong quá trình làm việc đã giúp chị trở thành người nữ duy nhất được trao giải thưởng Tôn Đức Thắng năm nay.

Tin cùng chuyên mục