“Nữ quyền” phim Việt đang ở đâu?

Chưa khi nào phong trào nữ quyền của điện ảnh thế giới lại có tiếng nói và sức ảnh hưởng mạnh mẽ như thời điểm hiện tại. Đối với điện ảnh Việt, các gương mặt nhà sản xuất (NSX) hay đạo diễn nữ nổi bật không thiếu, nhưng dấu ấn nữ quyền vẫn còn nhiều điều để bàn.  

Từ phong trào toàn cầu

“Chúng ta cần đảm bảo phụ nữ có công cụ và cơ hội để làm phim”, là lời khẳng định chắc nịch của ông Paolo Baratta - Chủ tịch Liên hoan phim (LHP) Venice 2018.

Cũng tại sự kiện điện ảnh danh giá này, đạo diễn Guillermo del Toro - Chủ tịch Ban giám khảo cũng bày tỏ quan điểm thẳng thắn: “Tôi nghĩ rằng mục tiêu phải rõ ràng và phải duy trì tỷ lệ 50/50 vào năm 2020. Tôi nghĩ, nếu đạt 50/50 vào năm 2019 sẽ là điều tốt hơn. Đó là vấn đề chúng ta thực sự cần đạt được. Nhiều tiếng nói cần được lắng nghe và cần phải được lắng nghe. Điều đó là cần thiết, bởi trong nhiều thập kỷ, nếu không muốn nói là hàng thế kỷ, sự bất bình đẳng giới đã không được gọi tên. Đó không phải một cuộc tranh cãi. Đó là vấn đề thực sự và phải được giải quyết”.  

Không chỉ đến LHP Venice, trước đó tại LHP Cannes, thông điệp nữ quyền trong điện ảnh cũng đã được kêu gọi và nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ. 82 nữ nghệ sĩ, dẫn đầu là Chủ tịch Hội đồng giám khảo Cate Blanchett, xuất hiện trên thảm đỏ đã cùng nhau phát đi một thông điệp về bình đẳng giới. Câu chuyện về chống quấy rối tình dục cũng được nữ diễn viên người Ý Asia Argento bày tỏ thẳng thắn ngay trên sân khấu đêm trao giải.

Từ Time’s Up tại Quả Cầu Vàng đến #metoo, các phong trào bảo vệ cho nữ giới đã tạo tiếng vang và hiệu ứng dây chuyền. Sự việc bắt nguồn từ hàng loạt scandal quấy rối tình dục được đưa ra ánh sáng, các diễn viên nữ luôn nhận thù lao thấp hơn so với các đồng nghiệp nam, phim của các đạo diễn nữ vẫn xuất hiện với số lượng khiêm tốn tại các giải thưởng điện ảnh lớn... Trong lịch sử 90 năm giải Oscar, chỉ có 5 người phụ nữ được đề cử Đạo diễn xuất sắc và lịch sử mới một lần gọi tên Kathryn Bigelow cùng The Hurt Locker (năm 2010). Tất cả đã dấy lên những quan ngại, mặc dù họ là những người góp công không hề nhỏ cho nền điện ảnh thế giới.  

Thực tế cho thấy, phong trào nữ quyền trong điện ảnh không chỉ dừng lại ở những hô hào mang tính khẩu hiệu mà đã có những kết quả tích cực. Tại các giải thưởng điện ảnh lớn, các đạo diễn nữ dù chưa chiếm tỷ lệ cao nhưng lần lượt được xướng tên: Nadine Labaki với Capernaum nhận giải thưởng của ban giám khảo lại LHP Cannes, The Nightingale của Jennifer Kent nhận Giải thưởng Đặc biệt của ban giám khảo tại LHP Venice...

Tại Oscar 2018, chiến thắng của Shape of Water dù không phải một phim của đạo diễn nữ nhưng không thể phủ nhận vai trò then chốt của vai nữ chính. Những Three Billboards Outside Ebbing, Missouri, Lady Bird, The Post...  cũng có những hình tượng nhân vật nữ mạnh mẽ. Trong khi đó, chiến thắng vang dội tại phòng vé của Wonder Woman (năm 2017) - bộ phim siêu anh hùng lấy nhân vật nữ là trung tâm với hơn 820 triệu USD doanh thu đã làm nức lòng giới mộ điệu. 

Đến phim Việt

Tại Việt Nam, nếu tính từ thế hệ đạo diễn nữ đầu tiên với những đại diện như: NSND Bạch Diệp, NSƯT Đức Hoàn, Việt Linh, Nhuệ Giang..., thì ở bất kỳ thời kỳ nào cũng có những gương mặt tạo dấu ấn. Các nữ đạo diễn tiêu biểu thời gian gần đây phải kể đến: Ngô Thanh Vân, Hồng Ánh, Nguyễn Hoàng Điệp, Kay Nguyễn, Luk Vân, Đặng Thái Huyền, Cao Thúy Nhi... Mới đây nhất, nữ đạo diễn Nguyễn Phương Anh đã gây tiếng vang tại LHP quốc tế Toronto 2018 với giải thưởng Phim châu Á xuất sắc nhất.

“Nữ quyền” phim Việt đang ở đâu? ảnh 1 Những nữ đạo diễn nổi bật của điện ảnh Việt đương đại. Từ trái sang phải: Ngô Thanh Vân, Hồng Ánh,  Nguyễn Hoàng Điệp
“Phim truyện điện ảnh đầu tay của Nguyễn Phương Anh báo hiệu sự xuất hiện của một nữ đạo diễn trẻ, một tác giả kịch bản - người sở hữu cảm quan thẩm mỹ, ngôn ngữ điện ảnh và khả năng phi thường để chiếu sáng quá khứ cho khán giả đương đại, dự báo tương lai tốt đẹp cho điện ảnh Việt Nam và thế giới”, đánh giá của ban giám khảo về bộ phim Người vợ ba cũng như nữ đạo diễn trẻ này.   

Nếu nhìn rộng hơn trong giới làm phim, trong bối cảnh thị trường đang sôi động, dù số lượng nữ đạo diễn vẫn thấp hơn nam, nhưng các NSX nữ lại không hề lép vế. Có thể kể đến Đinh Thị Thanh Hương và Đinh Thị Hoa (Galaxy Studio và Galaxy M&E); Ngô Thị Bích Hạnh và Ngô Thị Bích Hiền (BHD); Trương Ngọc Ánh (TNA Entertainment); Ngô Thanh Vân (VAA), Mai Thu Huyền (Tincom Media); Vũ Thị Bích Liên (Golden Screen và Mega GS Communication); Thanh Thúy (Thiên Phúc Media); Bebe Phạm (Dream Event), Trần Thị Bích Ngọc (Ân Nam Films)... Nhiều tác phẩm của họ đã góp phần xây dựng diện mạo điện ảnh Việt.  

Với đội ngũ nữ giới tham gia đông đảo trong các công đoạn sản xuất phim từ đạo diễn, NSX, diễn viên, biên kịch..., dấu ấn nữ quyền trong các tác phẩm điện ảnh đã có những chuyển biến tích cực. Cô ba Sài Gòn vào thời điểm ra mắt cũng có chiến dịch ủng hộ nữ quyền mạnh mẽ. Thậm chí, một số phim do các đạo diễn nam thực hiện: Mẹ chồng, Cuộc đời của Yến, Nữ đại gia, Cô hầu gái, Em chưa 18... đều xoay quanh số phận, cuộc đời các nhân vật nữ và tôn vinh vị trí, vai trò cũng như giá trị của họ. Vị thế của các nữ diễn viên Việt không hề lép vế so với đồng nghiệp nam. 

Tuy nhiên, nhìn nhận một cách khách quan, ở thời điểm hiện tại, nữ quyền chưa phải là câu chuyện gây sốt của điện ảnh Việt. Sự quyết liệt, đam mê và dấn thân của các nhà làm phim nữ là điều không thể phủ nhận. Mặc dù vậy, chúng ta vẫn chưa có những bộ phim đậm đặc dấu ấn nữ quyền để đủ sức nâng tầm tên tuổi của nhà làm phim, cũng như tạo tiếng vang trên trường quốc tế. Trên đường đua ấy, ngoài sự linh hoạt, khéo léo, điện ảnh Việt vẫn chờ đợi những màu sắc đạo diễn nữ với cá tính nổi trội và có sự bứt phá ngoạn mục để khẳng định nữ quyền.

Tin cùng chuyên mục