Nữ tù binh Trại giam Phú Tài, TP Quy Nhơn, Bình Định: Mong Nhà nước ghi công

Những người phụ nữ chưa từng khuất phục trước đòn roi tra tấn tàn bạo, dã man của kẻ thù, ấy vậy mà họ đã bật khóc khi gặp lại nhau tại Tọa đàm “Lịch sử trại giam nữ tù binh Phú Tài, Quy Nhơn, Bình Định” tổ chức ngày 18-11 tại TPHCM.

Tọa đàm do Ban liên lạc Chiến sĩ cách mạng Việt Nam bị địch bắt tù đày phối hợp với Ban liên lạc Nữ tù binh TPHCM tổ chức. Gần 50 nữ tù binh đại diện cho gần 900 nữ tù binh Trại giam Phú Tài ở 30 tỉnh, thành trong cả nước đã về dự.

Trưởng ban liên lạc Chiến sĩ cách mạng Việt Nam bị địch bắt tù đày Phạm Bá Lữ cho biết, tọa đàm diễn ra nhằm giúp ban liên lạc củng cố tư liệu, biên soạn cuốn sách “Trại giam nữ tù binh Phú Tài”. Cuốn sách sẽ là một tư liệu lịch sử truyền thống quý báu, nhằm tri ân những nữ tù binh Trại giam Phú Tài, góp phần giáo dục lòng yêu nước và cách mạng cho thế hệ trẻ.

Nữ tù binh Trại giam Phú Tài, TP Quy Nhơn, Bình Định: Mong Nhà nước ghi công ảnh 1 Cựu nữ tù binh Trại giam Phú Tài dâng hương tại  Khu di tích Trại giam nữ tù binh Phú Tài. Ảnh: Báo Bình Định
Theo đó, từ tháng 6-1967 đến tháng 5-1972, một nhà tù “độc nhất vô nhị” trên thế giới được Mỹ - ngụy dựng lên tại thôn Phú Tài, xã Phước Long, huyện Tuy Phước (nay thuộc phường Bùi Thị Xuân, TP Quy Nhơn, Bình Định) để dồn hàng ngàn nữ chiến sĩ cách mạng từ các trại giam ở miền Nam về đây giam giữ, tra tấn. Sau cuộc tiến công và nổi dậy xuân - hè 1972, địch chuyển nhà tù này vào Cần Thơ.

Điểm đặc biệt của Trại giam tù binh Phú Tài chủ yếu là các chị nữ với tuổi đời còn rất trẻ, từ 17-22, đa số các chị chưa lập gia đình. Địch bố trí thành 4 trại, gồm Trại 1 (gọi là trại chiêu hồi); Trại 2 và 3 giam giữ các nữ tù binh giữ vững khí tiết, không khai báo, không đầu hàng, giữ vững lập trường cách mạng; Trại 4 là khu biệt giam, địch dựng lên 6 chuồng cọp và 4 co-néc. Chuồng cọp làm bằng kẽm gai, ngồi và nằm đều không được, cựa quậy là kẽm gai móc rách thịt da. Số tù binh nữ bị nhốt ở đây, chúng cho là ngoan cố, cứng đầu, dám chống lại chúng.

Toàn trại có tổng số 18 phòng. Mỗi phòng có diện tích khoảng 120m2, chúng giam 70 - 80 người có khi lên đến 100 - 150 người. Phòng giam như một hộp sắt, ban ngày nóng nực, ban đêm lạnh buốt. Chế độ ăn uống, sinh hoạt rất thiếu thốn.

Hơn 5 năm bị giam cầm tại đây, dù bị bọn cai ngục và lũ tay sai liên tục tra khảo, đánh đập dã man, nhưng các nữ tù binh đã đấu tranh với địch bằng ý chí dẻo dai, bất khuất để bảo toàn khí tiết cách mạng.

Sau khi Hiệp định Paris ngày 27-1-1973 được ký kết, ngày 15-2-1973, gần 900 nữ tù binh tại Trại giam Phú Tài được trao trả tại Lộc Ninh (Bình Phước), trở về địa phương tiếp tục cống hiến cho cách mạng.

Khi được mời phát biểu, mỗi khi nhắc lại những trận đòn tra tấn của kẻ thù đối với mình và đồng đội, các nữ tù binh năm xưa bật khóc, bài phát biểu phải ngắt quãng nhiều lần để kìm nén sự xúc động.

Phía dưới hội trường, những nữ tù binh khác cũng không cầm được nước mắt. Bà Nguyễn Thị Ngọc Lý, Trưởng ban liên lạc Nữ tù binh Trại giam Phú Tài, chia sẻ, trong số gần 900 nữ tù binh thì có 8 chị đã anh dũng hy sinh và 500 - 600 người bị thương tật suốt đời. Những người ngã xuống và tập thể nữ tù binh Trại giam Phú Tài đến nay chưa được Nhà nước vinh danh xứng đáng, cho nên điều mong mỏi nhất của các nữ tù binh là được Nhà nước ghi công.

Tin cùng chuyên mục