Nước mắt người lính chữa cháy

Hồi 1 giờ 15 ngày 8-9 vừa qua, một trái tim hồng của lực lượng Cảnh sát PCCC thành phố đã ngừng đập… và 2 người con thân yêu nữa của lực lượng đang đau đớn trong bệnh viện với những vết thương trên mình. 
Cứ ngỡ rằng, những người lính chữa cháy, cứu nạn - cứu hộ (CN-CH) chiến đấu trên mặt trận không tiếng súng sẽ đồng nghĩa với không có hy sinh và hiểm nguy. Thế nhưng, những bất cẩn trong sinh hoạt của người dân dẫn đến cháy nổ đã khiến không ít lần cuộc xuất quân chiến đấu với “giặc lửa” của những người lính cứu hỏa phải đánh đổi bằng cả tính mạng, máu và nước mắt.
Nước mắt người lính chữa cháy ảnh 1 Thiếu tướng Đỗ Minh Dũng, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát PCCC và CN-CH (Bộ Công an) 
thăm chiến sĩ bị thương trong vụ chữa cháy ở Bình Tân
 Nỗi đau khôn nguôi

23 giờ 5 ngày 7-9-2017, Đội chữa cháy khu vực 2 - thuộc Phòng Cảnh sát PCCC quận Bình Tân (TPHCM) nhận lệnh lên đường làm nhiệm vụ. Tiếp cận được hiện trường vụ cháy là ngôi nhà 2 tầng (ở số 9 đường 10A, khu phố 3, phường Bình Hưng Hòa B, quận Bình Tân) khi ngọn lửa đã bao trùm toàn bộ căn nhà có tổng diện tích khoảng 500m² được xây dựng tạm bợ. Khói, khí độc tỏa ra dày đặc gây khó khăn cho công tác triển khai chữa cháy, CN-CH. Trong màn đêm bao phủ, bốn bề khói đen, chỉ có ánh sáng phát ra từ ngôi nhà đang bốc cháy, 3 chiến sĩ Đội chữa cháy khu vực 2 được lệnh triển khai xe thang lên cửa sổ lầu 1 để tiếp cận đám cháy. Và khi 3 chiến sĩ đang cố gắng dập tắt lửa thì bất ngờ toàn bộ sàn bê tông lầu 1 đổ sập. Thượng úy Phạm Phi Long (31 tuổi; ngày 9-9, Phi Long đã được thăng quân hàm trước niên hạn lên đại úy) tử vong tại chỗ. Hai hạ sĩ Bùi Văn Dũng (20 tuổi) và Phan Tấn Quốc (24 tuổi) bị thương nặng, đang điều trị tại Bệnh viện Chợ Rẫy.

Một khoảng trống trong tâm hồn của biết bao đồng chí, đồng đội và người thân yêu của đại úy Phi Long đã mãi mãi chẳng thể lấp đầy từ giờ phút định mệnh đó.

Để trở thành người lính cứu hỏa chuyên nghiệp, các anh đều hy sinh rất nhiều, chấp nhận sự hiểm nguy về mình để mang lại sự an toàn cho người khác. Các anh phải liên tục nghiên cứu, học tập nâng cao nghiệp vụ, để khi đứng trước đám cháy ngay lập tức có thể nhận định tình hình, xác định được khả năng nguy hiểm, đưa ra những phương án phù hợp trong chiến thuật tấn công chớp nhoáng. Thế nhưng, khổ luyện gian nan là vậy, nhưng nào phải cuộc xuất quân nào cũng mang về chiến thắng!

Giữa lằn ranh sinh tử

Đã hơn 40 năm sau ngày anh Võ Quang Hà và Nguyễn Văn Bảy hy sinh khi làm nhiệm vụ ở sông Sài Gòn vì mò trúng lựu đạn, những người lính CN-CH Phòng Cảnh sát PCCC Công an TPHCM vẫn chưa thể nguôi ngoai niềm tiếc thương. “Một bài học mà chúng tôi đã phải đánh đổi quá lớn”, ông Nguyễn Ngọc Tốt, người được coi là anh cả của đội cứu hộ nói.

Giữa năm 1977, tại Sài Gòn xảy ra vụ bắt cóc con trai của vợ chồng nghệ sĩ Kim Cương ngay khu vực nhà trẻ Vườn Hồng. Sau nhiều lần uy hiếp, nhóm tội phạm đã chấp nhận trả cháu bé 5 tuổi với giá 20 lượng vàng. Gần 1 năm sau, thành phố lại rúng động khi xảy ra vụ trọng án khác liên quan đến giới văn nghệ sĩ. Vợ chồng nghệ sĩ cải lương Thanh Nga bị bắn chết trên chiếc Volkswagen màu xám nhạt khi vừa dừng xe trước cổng nhà. Viên đạn trúng ngực trái đã cướp đi sinh mệnh của nghệ sĩ tài hoa ở tuổi 36, được xác định bắn ra từ khẩu súng P38. Trong lúc cảnh sát đang tập trung điều tra, nhóm tội phạm này tiếp tục ra tay bắt cóc con trai của bác sĩ Lã Hỷ. Từ đây, chân tướng của một băng tội phạm nguy hiểm được phác họa.

Bằng nhiều biện pháp nghiệp vụ, sau nhiều tháng ròng rã tầm nã gắt gao, cuối cùng Nguyễn Thanh Tân, thủ phạm chính của hàng loạt vụ án trên cùng các đồng phạm liên quan bị bắt giữ. Trong các bản cung, với bản chất lì lợm và gian ác, trước sau Tân đều khai đã vứt khẩu súng P38 xuống sông Sài Gòn khi chở đồng bọn Nguyễn Văn Hóa chạy trốn trên cầu Bình Lợi. Cảnh sát xác định đây là khẩu súng hung thủ đã dùng sát hại vợ chồng nghệ sĩ Thanh Nga. Tuy nhiên, muốn đấu tranh “đánh gục” được Tân, buộc tội hắn đã sát hại vợ chồng nghệ sĩ thì phải tìm được khẩu P38. Ngay sau đó, hơn 10 chiến sĩ CN-CH của Phòng Cảnh sát PCCC nhận lệnh đến cầu Bình Lợi với nhiệm vụ “tìm bằng được tang vật vụ án”.

Trời tháng 5, nước sông Sài Gòn chảy xiết. Các anh gồm Nguyễn Ngọc Tốt, Ngô Văn Út, Nguyễn Văn Bảy, Võ Quang Hà… thay nhau ngụp lặn dưới dòng sông sâu, có đoạn tới 30m. “Cái đói, rét, nhức nhối đến bầm da, buốt óc nhưng chúng tôi không nản chí… Chỉ có nỗi ám ảnh về bom mìn địch gài chống đặc công ta phá cầu trước năm 1975, đã khiến không ít người lo lắng từng giây”, một thành viên nhóm CN-CH ngày ấy nhớ lại.
Tổ CN-CH lặn cả ngày lẫn đêm suốt 2 ngày (10 và 11-5-1979 vẫn không có kết quả. Sang ngày 12-5, tổ xác định nếu không tìm được khẩu súng sẽ báo cáo cơ quan điều tra không tìm thấy tang vật như lời khai hung thủ. Lúc 13 giờ, ở ca lặn cuối cùng, 2 chiến sĩ Nguyễn Văn Bảy và Võ Quang Hà ôm dây bảo hiểm trầm mình xuống dòng sông ngay dưới chân cầu Bình Lợi. Thời gian trôi qua 5 phút, rồi 10 phút, hàng chục người trên bờ dõi theo trong trạng thái hồi hộp... nhưng vẫn không thấy anh Bảy và anh Hà ngoi lên mặt nước. “Chỗ 2 đồng đội tôi lặn bỗng đột ngột sôi sục như có quái vật dưới sông”, nhân chứng Nguyễn Ngọc Tốt kể lại.

Nghi chuyện chẳng lành, ở trên bờ, người lính cứu hộ Ngọc Tốt nhấc thử đoạn dây bảo hiểm lên nhưng nó nhẹ tênh. “Anh Hà, anh Bảy ơi… sao lại thế này?”, tiếng Ngọc Tốt hét lên.

Dưới độ sâu 30m ấy, một quả lựu đạn dưới lòng sông đã phát nổ. Choáng váng vì sức ép, cả hai chiến sĩ đã buông bình hơi… Thi thể anh Hà nổi lên mặt nước, còn anh Bảy mất tích. “Đến khuya, chúng tôi mới tìm thấy anh Bảy bị kẹt ở chân cầu Bình Lợi, trông rất thảm thương”, chiến sĩ Ngọc Tốt nói về niềm đau không bao giờ quên đó.

Sẵn sàng tác chiến

Vụ án “3 trong 1” sau đó đã khép lại khi lời khai ban đầu của Tân vứt súng xuống cầu Bình Lợi là giả dối. Hung thủ đánh lừa cơ quan điều tra hòng thoát tội sát hại nghệ sĩ Thanh Nga. Nhưng chính lời khai gian dối ấy đã cướp đi thêm 2 sinh mạng nữa. Ban chuyên án sau đó đã thu được khẩu P38 ngay dưới hầm cầu nhà em của Nguyễn Thanh Tân.

Biết là luôn đối mặt với hiểm nguy nhưng các “cảm tử quân” ở đội cứu hộ “đặc chủng” vẫn luôn ở tư thế sẵn sàng tác chiến. Năm 2004, trong một lần lặn tìm khẩu súng của hung thủ vứt ở cầu Bến Phân (giáp quận Gò Vấp và quận 12), suýt chút nữa cả nhóm 11 người chết không toàn thây.

19 giờ, trời mưa lớn. Dưới mặt nước đen ngòm, sau vài giờ lặn tìm, thượng sĩ Huỳnh Nguyên Thuận mò được 3 “chai bia”. “Thuận đùa giỡn nói là có bia uống rồi”, thượng úy Huỳnh Văn Tuấn kể. Sau đó, Thuận định ném đi nhưng đồng đội kịp hét lên khi phát hiện những “chai bia” kia là lựu đạn chày. “Khi cào hết lớp sình dính bên ngoài, chúng tôi mới phát hiện đó là chất nổ. Lực lượng công binh cho biết, chỉ cần “cái chai” rơi xuống đất, không chỉ mạng người khó giữ mà cầu Bến Phân cũng gãy đôi”, anh Tuấn nhớ lại.
Nước mắt người lính chữa cháy ảnh 2 Bị thương khi tham gia chữa cháy - chuyện diễn ra thường xuyên với những người lính PCCC
 Không chỉ đối mặt với bom mìn, các anh còn thường xuyên tiếp xúc với những hóa chất độc hại ngấm ngầm bên trong. Năm 2003, nhận tin báo Bệnh viện Từ Dũ bị rò rỉ khí clo, anh Huỳnh Văn Tuấn cùng đồng đội lại lên đường. Tại hiện trường, mùi khí clo nồng nặc xộc vào mũi, không ai dám tiếp cận, bệnh nhân cũng được cách ly.
Vào nghề được 2 năm, anh Tuấn xung phong đeo mặt nạ, bình dưỡng khí tiếp cận. Khi vào càng gần nơi khí clo bị rò rỉ, mùi cay càng khó thở. Tuấn chỉ kịp chạy ngược ra khi máu mũi chảy ròng ròng và ngất xỉu. Anh được đồng đội đưa vào bệnh viện cấp cứu vì bị loét đường hô hấp. “Bác sĩ nói nếu hít khí nặng chút xíu nữa là tôi tử vong”, anh Tuấn cho hay. Những hiểm nguy, nỗi đau mất mát vẫn còn mãi nhưng đó cũng là niềm tự hào của gia đình và những người lính cảnh sát PCCC TPHCM.
Thương tiếc và trân trọng sự hy sinh của những người lính cứu hỏa, trên các diễn đàn báo chí cũng như trên facebook, nhiều người đã để lại những chia sẻ đầy xúc động. Trong Chuyên mục pccc@sggp.org.vn của Báo SGGP, không ít bạn đọc chia sẻ những câu chuyện của chính mình khi được lực lượng Cảnh sát PCCC hỗ trợ, cứu nạn thoát ra khỏi đám cháy an toàn. Bạn đọc binhle...@gmail.com cho rằng: “Những người lính cứu hỏa là bộ phận tiêu biểu trong ngành cảnh sát. Họ làm việc rất trách nhiệm và cống hiến, không ngại hiểm nguy. Tôi không quên được hình ảnh người thân mình chạy thoát ra được đám cháy, khói nóng bốc ngùn ngụt đó thì các anh từng nhóm, từng nhóm lại lao vào. Lúc đó trong tôi vừa lo lắng vừa sợ hãi nhưng cũng rất xúc động”. 

Còn bạn đọc leduy...@gmail.com viết: “Lực lượng chuyên trách PCCC phải nhanh chóng khắc phục nhược điểm, để công tác PCCC thật sự hiệu quả, chấm dứt tình trạng ra trận với “gươm cùn”, quân yếu. Bởi hiện nay, trang thiết bị cho lực lượng Cảnh sát PCCC vẫn còn thiếu và lạc hậu hơn nhiều so với các nước, trong khi tốc độ đô thị hóa ở các đô thị, nhất là Hà Nội và TPHCM lại cao. Với trang thiết bị còn hạn chế đó, nhà cao tầng, trung tâm thương mại khi có cháy bất ngờ kèm nổ là gần như thiệt hại về con người đi kèm vật chất sẽ rất lớn. Tôi mong người dân được bảo vệ tốt trước “giặc lửa” nhưng cũng rất mong lực lượng làm nhiệm vụ PCCC được trang bị phương tiện hiện đại, tiện dụng để trước hết họ tự bảo vệ được bản thân an toàn, sau đó mới toàn lực làm tốt công tác chữa cháy, cứu nạn”. 

Tin cùng chuyên mục