Nuôi dưỡng hệ sinh thái sáng tạo bằng cơ chế đặc thù

TPHCM cần phát triển “khu đô thị công nghệ cao quận 9”, gồm khu công nghệ cao (diện tích 700ha), khu công viên khoa học - công nghệ (khoảng 200ha), khu đô thị phức hợp và khu dân cư địa phương để hoàn chỉnh “mô hình TP tập trung đa cực”. Từ đó, trở thành trung tâm khu vực phía Đông Bắc TP có đẳng cấp cao, giúp phân bố lại dân cư từ trung tâm hiện hữu, góp phần giảm ùn tắc giao thông và giảm thiểu ô nhiễm môi trường.
Khu đô thị sáng tạo phải được đầu tư cơ sở hạ tầng đồng bộ, đặc biệt là giao thông và viễn thông. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG
Khu đô thị sáng tạo phải được đầu tư cơ sở hạ tầng đồng bộ, đặc biệt là giao thông và viễn thông. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG
Phân bố lại dân cư, giảm ùn tắc giao thông
Tại hội nghị cán bộ TPHCM quán triệt việc thực hiện Nghị quyết số 54 của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP, lãnh đạo TPHCM có đề cập đến kế hoạch hình thành khu đô thị sáng tạo, làm hạt nhân để TP phát triển nhanh và bền vững. Vậy kinh nghiệm của các nước trên thế giới về mô hình này ra sao?
Trên thế giới, nhiều quốc gia phát triển đã chú trọng đầu tư mô hình khu công nghệ cao và khu công viên khoa học. Cả 2 đều là tiền thân của đô thị khoa học công nghệ cao và đô thị sáng tạo.
Trong đó, khu đô thị khoa học công nghệ cao là nơi thu hút đầu tư công nghệ, thu hút chuyên gia hàng đầu đến làm việc và sinh sống; thúc đẩy ứng dụng thông tin, khoa học và công nghệ vào thực tế, nâng cao giá trị nội địa hóa sản phẩm. Đây cũng là nơi phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, nâng cao năng lực nội sinh, hợp tác quốc tế đa phương, mang lại cơ hội hợp tác nghiên cứu, chuyển giao công nghệ. Từ đó có tác động lan tỏa, hình thành khu công viên khoa học tại các khu vực kế cận, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, chuyển đổi mô hình từ tăng trưởng chiều rộng sang chiều sâu.
Còn khu công viên khoa học là không gian vừa giúp công chúng mọi lứa tuổi, đặc biệt là giới trẻ, học sinh - sinh viên đến vui chơi khám phá vừa tạo nền tảng tạo ra những giá trị tri thức, công nghệ mới. Theo kinh nghiệm của Nhật Bản, các khu công viên khoa học tại quốc gia này có vai trò làm đầu mối cung cấp các dịch vụ, ứng dụng về công nghệ. Đây là nơi thu hút nhiều quỹ đầu tư để nghiên cứu khoa học, ứng dụng công nghệ sinh học vào sản xuất phục vụ đời sống nhân dân.
Tương tự, trong một nghiên cứu về đô thị sáng tạo, Viện Nghiên cứu Brooking (Mỹ) đã kết luận rằng, đô thị sáng tạo là trọng tâm của các chiều kích tăng trưởng. Đây là nơi hội tụ các ngành nghề khác nhau, hướng tới mục tiêu hợp tác đa ngành. Như vậy, có thể nói đô thị sáng tạo là nơi có các hoạt động sáng tạo và khởi nghiệp diễn ra với cường độ và mật độ cao.
Về phía TPHCM, để phát triển cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và thúc đẩy các chiều kích tăng trưởng, hướng đến phát triển đô thị sáng tạo, TP đã khởi đầu từ Khu Công nghệ cao quận 9. Khu công nghệ cao có diện tích lớn này (khoảng 700ha) phải là một cực tăng trưởng của TPHCM và cả của vùng, sẽ đóng góp quan trọng vào việc phát triển cách mạng công nghiệp 4.0 và xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp của cả vùng và trở thành “Thung lũng Silicon của Việt Nam”. Khu công nghệ này đã thu hút thành công nhiều dự án công nghệ cao uy tín từ các tập đoàn Intel (Hoa kỳ), Nidec, Nipro (Nhật Bản), Samsung (Hàn Quốc), Datalogic (Ý), Sanofi, Schneider Electric (Pháp)... Điều này đã đóng góp tích cực vào sự nghiệp phát triển khoa học công nghệ, là “động lực phát triển kinh tế” của TPHCM, của vùng và cả nước và có tên trên bản đồ công nghệ cao thế giới.
Đặc biệt, năm 2017, đánh dấu khu công nghệ cao đã qua giai đoạn phát triển và bắt đầu hình thành “khu đô thị khoa học - công nghệ ”/khu đô thị công nghệ cao. Do vậy, TPHCM cần nhận biết và sớm phát triển “khu đô thị công nghệ cao”, bao gồm Khu Công nghệ cao, Khu Công viên Khoa học - Công nghệ quận 9 (diện tích khoảng 200ha) và khu phức hợp đô thị (gồm trung tâm đô thị với các hoạt động thương mại, dịch vụ y tế và giáo dục, khu nhà ở tập trung, các ngành công nghiệp dịch vụ và kinh doanh... với chất lượng cao, phục vụ các chuyên gia hàng đầu và gia đình đến làm việc, sinh sống) và người dân địa phương. Từ sự kết hợp này sẽ hoàn chỉnh “mô hình TP tập trung đa cực”, phát triển hàng đầu trong khối ASEAN và trở thành trung tâm khu vực phía Đông Bắc TP có đẳng cấp cao, giúp phân bố lại dân cư từ khu trung tâm hiện hữu, giảm ùn tắc giao thông và giảm ô nhiễm môi trường.
Tạo động lực tăng trưởng nhanh, bền vững
Theo Sở Quy hoạch - Kiến trúc TPHCM, đẩy mạnh phát triển về phía Đông, khu vực có điều kiện phát triển thuận lợi về địa chất, thủy văn và quỹ đất để phát triển đô thị đồng bộ, hoàn chỉnh, kết nối với sân bay Long Thành và nhiều “cực động lực” khác như Biên Hòa, Nhơn Trạch (Đồng Nai). Tập trung hình thành khu đô thị khoa học - công nghệ Đông Bắc với hạt nhân là khu công nghệ cao và công viên khoa học…
TPHCM cũng sẽ hình thành một khu vực trung tâm hạt nhân cho cách mạng công nghiệp lần thứ 4 của TP. Đó là khu vực bao gồm quận 2, quận 9 và quận Thủ Đức (với diện tích khoảng 22.000ha). Trong đó, quận 9 với khu đô thị công nghệ cao, quận 2 có khu đô thị mới và trung tâm tài chính, quận Thủ Đức có 12 trường đại học, với 1.500 tiến sĩ và hơn 70.000 sinh viên sẽ là khu đô thị đại học. Các khu đô thị nêu trên cần được đầu tư kết nối “cứng” và mở rộng kết nối “mềm” đồng bộ để hình thành “khu đô thị sáng tạo”.
Việc kết nối các đô thị chức năng trên sẽ trở thành hệ sinh thái khép kín tương đồng với một số mô hình đô thị sáng tạo trên thế giới. Ở đó với đặc trưng kết nối cộng đồng dân cư, doanh nghiệp, các cơ sở khoa học - giáo dục, tài chính và cơ quan nhà nước trong một không gian đô thị, tạo được “nguồn cảm hứng” cho doanh nghiệp sáng tạo và hệ sinh thái khởi nghiệp, theo chiến lược “cùng thắng” (win-win strategy). Sự kết hợp này nhằm tăng lợi nhuận cho các doanh nghiệp, viện, trường, công ty tài chính và tăng trưởng cao cho nhà nước. Đặc biệt là nâng cao chất lượng cuộc sống cho cộng đồng dân cư và là động lực thúc đẩy TPHCM tăng trưởng nhanh, bền vững.
TPHCM cũng lưu ý, chiến lược phát triển đô thị sáng tạo phải là đô thị thông minh và xanh; trong đó có các không gian công cộng chất lượng, là nơi đáng sống và sáng tạo. Không gian công cộng luôn gắn với thiên nhiên (không gian mở) và không gian giao tiếp liên quan đến sự thay đổi về văn hóa thị dân trong thời kỳ hậu hiện đại. Điều này rất quan trọng, giúp con người đô thị cởi mở hơn, sáng tạo hơn và sống tốt hơn; từ đó tạo sức hấp dẫn các nhà đầu tư, người tài để cùng cộng đồng xã hội làm nên nhiều của cải cho xã hội. Ngoài ra, khu đô thị sáng tạo phải được đầu tư hạ tầng cơ sở đồng bộ, đặc biệt là giao thông và viễn thông. Đồng thời, TP có chiến lược đào tạo và thu hút nhân tài phục vụ cuộc cách mạng 4.0. Đặc biệt là phải xây dựng cơ chế đặc thù nuôi dưỡng hệ sinh thái sáng tạo và thúc đẩy hợp tác hiệu quả hơn giữa doanh nghiệp, nhà khoa học, nhà đầu tư, nhà nước và các cộng đồng dân cư.

Tin cùng chuyên mục