“Ông độc quyền” thiết bị tự động

“Ông độc quyền” thiết bị tự động

Rời quê hương miền Trung quanh năm bão lũ, anh mang theo hành trang đam mê nghề cơ điện vào Sài Gòn với đôi bàn tay trắng. Sau những gian truân trầy trật, giờ anh đã là chủ của một công ty độc chiếm thị trường cung cấp các thiết bị tự động như: máy quấn dây tự động, máy đo kiểm, robot…

  • Những “đứa con” trở chứng
“Ông độc quyền” thiết bị tự động ảnh 1

Ông Kỳ Thiết Bảo (trái) hướng dẫn công nhân kiểm tra máy trước khi xuất xưởng. Ảnh: MỸ HẰNG

“Đang chạy trơn tru, một tiếng “tách” vang lên. Đứt dây. Máy ngừng chạy. Chiếc máy quấn dây đột nhiên trở chứng khi đang “biểu diễn” trước khách hàng. Bị trả về, anh em công nhân lại mang máy ra mày mò sửa chữa, bổ sung cho “đứa con” hoàn thiện và chạy tốt hơn...”, kỹ sư Kỳ Thiết Bảo kể lại một trong những kỷ niệm “đau thương” của mình, khi mang máy đi bàn giao cho khách hàng. Ông Bảo nói thêm: “Không chỉ một lần, các thiết bị cơ khí tự động mới “ra lò” gặp sự cố vài lần là chuyện bình thường. Từ khâu nghiên cứu thiết kế, sản xuất đến thành phẩm thường có những chi tiết chưa ăn rơ nhau dẫn đến sự cố trong những lần chạy đầu tiên nên khách hàng phàn nàn vì chậm sử dụng”.

Đó chỉ là một khó khăn nhỏ trong vô số khó khăn mà kỹ sư Kỳ Thiết Bảo gặp phải, khi theo đuổi giấc mơ cơ khí “lai” điện. Anh bộc bạch niềm đam mê của mình: “Mê điện từ nhỏ, lớn lên, khi có tiền là tôi chạy ngay ra chợ mua đồ điện tử về nhà tháo tung, lắp ráp… những cơ cấu để máy hoạt động quen như bản cửu chương trong đầu”. Năm 1980, vừa tốt nghiệp Trường Đại học Cơ Điện (Bắc Thái), Kỳ Thiết Bảo đầu quân về Cục kỹ thuật quân đoàn 4, chuyên sửa chữa xe máy, súng pháo phục vụ cho chiến trường Campuchia. Đến năm 1985, KS Bảo tìm vào Công ty Điện Cơ TPHCM làm đúng chuyên môn đã học. Tuy được thao tác với ngành cơ điện yêu thích, nhưng người kỹ sư trẻ này vẫn băn khoăn: Tại sao ngành cơ khí không nuôi nổi người làm nghề? Tại sao sản phẩm của công ty cứ nằm im trong kho?

Những thắc mắc, trăn trở ấy đã kéo KS Kỳ Thiết Bảo rời khỏi Công ty Điện Cơ TPHCM. Vốn liếng ít, anh lân la ngoài các chợ cơ khí tìm hiểu nhu cầu thị trường, học lóm kinh nghiệm mua bán, mua các thiết bị của nước ngoài về mày mò nghiên cứu ra những chiếc máy của riêng mình. Năm 1993, cùng vài người bạn, người kỹ sư 35 tuổi này quyết định thành lập xưởng cơ khí ngay tại căn nhà trọ bé bằng lỗ mũi ở Gò Vấp. “Căn phòng rộng chỉ vài mét, cả bọn vẽ thiết kế, lắp ráp máy, ăn ngủ tại chỗ. Lúc ấy cực lắm nhưng ai cũng hừng hực đam mê với nghề nên khó khăn dần cũng qua”.
Cùng với sự giúp đỡ, hỗ trợ kỹ thuật từ các thầy cô tại Trường ĐHBK và Sở Khoa học-Công nghệ TPHCM, KS Bảo nghiên cứu chế tạo thành công các thiết bị sản xuất quạt điện. Thiết bị được chuyển giao cho hơn 200 đơn vị sản xuất quạt điện trong cả nước như: Cofaco, Lifan, Quang Thành…

  • Chiếm lĩnh thị trường thiết bị tự động

Từ những thiết bị tự động được tiếp nhận, KS Bảo thấy cần có một cơ sở vững chắc để khách hàng dễ dàng đặt hàng và trao đổi kỹ thuật. Năm 1997, Công ty TNHH sản xuất-thương mại-dịch vụ Thiết Bảo được thành lập, chuyên cung cấp các thiết bị cơ khí tự động cho thị trường. Với nhân sự hơn 20 người, Giám đốc Bảo kiêm việc tìm kiếm khách hàng, nhu cầu thị trường, thiết kế chính và viết chương trình cho thiết bị cơ khí chạy tự động bằng điện. “Cái được lớn nhất là khi nói đến thiết bị tự động thì phải nhắc đến Thiết Bảo.

Sự tin tưởng và lựa chọn của khách hàng với sản phẩm cơ khí nội địa là thành quả lớn nhất”, anh chia sẻ. Thiết Bảo gần như là thương hiệu độc quyền trong lĩnh vực cơ điện nội địa. Ông Nguyễn Thế Mỹ, công tác tại Trung tâm Thí nghiệm điện Công ty Điện lực 2, khách hàng của Thiết Bảo cho biết: “Trước đây, chúng tôi sử dụng máy của Đài Loan – “đại gia” trong dòng thiết bị tự động, năng suất rất cao nhưng quá đắt. Nhiều năm nay, chúng tôi chọn thiết bị quấn dây tự động máy biến thế của Thiết Bảo vì giá sản phẩm cạnh tranh với thị trường nhưng vẫn đảm bảo chất lượng, thẩm mỹ”.

Đã có một số thành công, nhưng theo KS Bảo, thách thức cho sự phát triển chính là vốn. Thiết Bảo không đủ tiền để đầu tư liên tục cho nghiên cứu trong khi công nghệ thay đổi hàng ngày, thậm chí hàng giờ, phải dùng trước tiền của khách hàng sản xuất nên doanh nghiệp chỉ chạy theo đơn đặt hàng mà chưa thể đặt nặng vấn đề nghiên cứu công nghệ.

Tham gia chương trình “Hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư thiết bị với chi phí thấp” (chương trình 04) Thiết Bảo đưa ra dự án “Nghiên cứu, thiết kế, chế tạo cụm thiết bị tự động quấn dây biến thế”. Công trình nghiên cứu là bốn thiết bị máy tự động quấn dây hình trụ, máy tự động quấn dây biến áp hình xuyến, máy tự động quấn lá tôn lõi gông từ biến áp, máy tự động quấn dây trực tiếp vào lõi biến áp trụ 1 pha và 3 pha được nghiệm thu với kết quả xuất sắc về tính ứng dụng thực tiễn. PGS-TS Phạm Ngọc Tuấn, khoa Cơ Khí Trường Đại học Bách Khoa, cán bộ phản biện, nhận xét: “Giá thành rẻ chưa bằng một nửa so với sản phẩm nhập khẩu, chất lượng tốt, năng suất tăng 3 lần so với thiết bị cơ khí đơn thuần là những ưu điểm kinh tế của thiết bị này”.

TIÊU HÀ

Tin cùng chuyên mục