Ông “kỹ sư” miệt vườn bản lĩnh

Dường như quên đi căn bệnh quái ác đang từng ngày ăn mòn sự sống, ông Nguyễn Đức Mạnh, một nông dân chân chất đang từng ngày viết nên câu chuyện cổ tích để chiến thắng bệnh tật với niềm đam mê sáng chế khoa học chẳng khác gì một kỹ sư lành lặn, tài ba.
Ông “kỹ sư” miệt vườn bản lĩnh

Dường như quên đi căn bệnh quái ác đang từng ngày ăn mòn sự sống, ông Nguyễn Đức Mạnh, một nông dân chân chất đang từng ngày viết nên câu chuyện cổ tích để chiến thắng bệnh tật với niềm đam mê sáng chế khoa học chẳng khác gì một kỹ sư lành lặn, tài ba.

Ung thư chưa phải chấm hết

Một buổi trưa tháng tư nắng gắt, chúng tôi tìm về xã Suối Hiệp (huyện Diên Khánh, tỉnh Khánh Hòa) để ghi nhận câu chuyện mà thoảng nghe tưởng như cổ tích. Cánh đồng Suối Hiệp đang vào mùa gặt, hương thơm lúa mới còn vấn vương trong gió. Giữa đồng lúa bao la khi mặt trời đã đứng bóng, ông Mạnh càng nhỏ nhoi khi ngoài 50 tuổi nhưng chỉ nặng 37kg. Mặc những giọt mồ hôi đầm đìa trên vai áo, ông Mạnh một mình bê những cục rơm to, nặng hàng chục cân để chất lên chiếc máy cày, chuẩn bị vận chuyển ra bãi tập kết trên quốc lộ 1A. Thấy tôi, ông Mạnh nói vọng: “Chiều nay các chủ mua rơm ở Bình Thuận ra đây chở rơm, tôi phải gom cho đủ số lượng 500 cuốn rơm khách đã đặt hàng”. Dứt lời, ông lái chiếc máy cày đi khắp các bờ ruộng, nơi những bó rơm đã được cuộn tròn chất thành đống. Ông nhẩm tính, số rơm trên bán đi, trừ hết chi phí, ít nhất cũng thu được chừng 7-8 triệu đồng/ngày công.

Chiếc máy bó rơm do ông Mạnh chế tạo

Ông Mạnh sinh ra và lớn lên tại Suối Hiệp trong một gia đình thuần nông. Lập gia đình, vợ chồng ông cũng bươn chải đủ nghề để mưu sinh như bao người khác. Cuộc sống thôn quê dù khó, nhưng vợ chồng ông Mạnh vẫn xoay xở được, con cái cũng đến trường đàng hoàng. So với vùng nông thôn, gia cảnh như ông Mạnh như thế cũng coi tạm ổn. Cuộc sống cứ thế trôi qua, nhưng đến đầu năm 2015, sau một cơn đau co thắt vùng bụng dưới, ông Mạnh đi khám và như chết lặng khi bác sĩ kết luận ông bị ung thư đại tràng giai đoạn cuối. Không tin vào cú sốc, vợ chồng ông khăn gói vào TPHCM kiểm tra lại, nhưng kết quả cũng y như lần trước. Hơn nửa năm chạy chữa, bao nhiêu tiền tích cóp, vật dụng có giá trị, sổ đỏ căn nhà đang ở phải đem đi thế chấp nhưng vẫn chưa đủ. May thay, anh em thân thuộc, bè bạn chí cốt mỗi người giúp một tay nên vợ chồng ông Mạnh dần qua cơn túng quẫn.

Thời gian dần trôi, những vết đau kia cũng nguôi ngoai sau những lần tái xạ trị nên ông trấn tĩnh hơn. Trong nhiều lần xem trên tivi, đài, báo… thấy ở khắp nơi có người mắc ung thư nhưng vẫn kéo dài sự sống hàng chục năm nhờ kiên cường sống, lạc quan. Để rồi, sau nhiều đêm tay gác trán, ông đúc kết được một điều: “Bị ung thư chưa phải chấm hết, vẫn còn sống, lao động và ông muốn làm nhiều hơn thế là cống hiến, làm cái gì đó tiện tích, để lại cho đời…”.

Tự mình “mở cửa sự sống”

Ở vùng nông thôn, rơm là thứ tưởng chừng bỏ đi, nhưng những ai biết tận dụng nó vẫn “hái” ra tiền. Trước đây, vợ chồng ông Mạnh từng có thu nhập khá nhờ bán nấm rơm, trong khi rơm rạ lại ngổn ngang trên đồng sau mùa gặt, nên ông suy nghĩ muốn tự đem rơm về làm nấm quy mô lớn. “Ý tưởng kể với vợ chưa dứt lời thì vụt tắt, dù chưa nói trắng ra nhưng vợ tôi muốn nhắn nhủ, một người đang mắc bạo bệnh, sức đâu đi lấy rơm. Ở nông thôn, việc gì cũng chủ yếu lấy công làm lãi. Còn chuyện nông dân thuê người ra đồng lấy rơm về làm nấm thì nghe sang quá”, ông Mạnh hóm hỉnh kể. Vậy là phải làm cách khác. Ông nghĩ, dù sức khỏe không như trước, nhưng có thể máy móc sẽ thay thế sức người. Đầu năm 2015, ý tưởng về một chiếc máy xúc rơm bắt đầu được ông ấp ủ. Chỉ vào những vết hàn thô sạm trên chiếc máy xúc rơm, ông Mạnh kể về kỳ tích chiếc máy ra đời: “Hồi đó không có tiền, lại chưa thấy ở đâu làm máy xúc rơm nên không biết học hỏi ai. Nhưng vốn am hiểu về cơ giới, tôi nghĩ rằng nguyên lý làm chiếc máy rơm cũng đơn giản, chỉ vì mình chưa nghĩ đến thôi. Vậy là, tôi lân la các tiệm phế liệu, hỏi mua các loại sắt vụn về hàn thành khung máy cho rẻ. Các ống thủy lực, rồi cái máy công suất 8 sức ngựa, tôi cũng mua đồ cũ về tu sửa lại. Vừa làm, vừa tự khắc phục thiếu sót và chỉ hơn 1 tháng, chiếc máy xúc rơm đã hình thành”.

Ông Nguyễn Đức Mạnh

Máy xúc rơm đã có, ông Mạnh làm thêm hệ thống cần cẩu để xúc lên xe, chỉ cần 2 người sử dụng chiếc máy này. Ngày ông Mạnh đưa chiếc máy ra đồng gom rơm, ai nấy đều ngớ người, dừng chân nán lại để xem. “Tôi nói nhà báo đừng giật mình, làm cái máy gom rơm này tốn chưa tới 10 triệu đồng nhưng năng suất bằng khoảng 30 công lao động nếu làm việc 8 giờ mỗi ngày. Hiện chiếc máy này là trợ thủ số 1 để tôi phát huy nghề làm nấm”, ông Mạnh tự hào. Tiếng ông Mạnh tự chế tạo máy xúc rơm nghe lạ nhưng bay xa, có chủ phế liệu tìm đến tận nhà, đặt ông làm chiếc máy ép phế liệu, chủ yếu là ép lon bia. “Giả dụ một xe chở hàng phế liệu vận chuyển vào TPHCM mất 7 triệu đồng, chưa ép thì phải chở 4 chuyến, tôi chế tạo cái máy ép để ép phế liệu thành cái bánh vuông. Ép xong chỉ cần chở một chuyến, giảm chi phí gấp 3 lần”, ông Mạnh lý giải.

Chưa dừng lại, trong một lần ra đồng lấy rơm, ông Mạnh bắt gặp một số doanh nghiệp từ miền Nam đang điều khiển những chiếc máy chạy dọc bờ ruộng, rồi sau đó những cuộn rơm tròn trịa được làm ra. Thấy “kết”, ông về tìm hiểu trên mạng, thấy ở Nhật họ làm được loại máy bó rơm kiểu này, nhưng chi phí máy bán ra thị trường hàng trăm triệu đồng mỗi cái. Quyết làm cho bằng được, ông đi tìm quy trình hoạt động của máy bó rơm, rồi đi mua nguyên liệu, tự thiết kế chiếc máy. Sau nhiều tháng cần mẫn, chiếc máy bó rơm của ông Mạnh đã xuống đồng làm việc khi vụ lúa hè thu năm nay bắt đầu bước vào thu hoạch, mỗi ngày máy bó được khoảng 500 cuộn rơm và chỉ cần hai người vận hành. Ngạc nhiên hơn, chi phí làm ra chiếc máy này chỉ khoảng 50 triệu đồng, mỗi giờ hoạt động chỉ tiêu hao chưa tới 5 lít dầu.

Khát khao cuối đời

Từ ngày phát hiện mắc bệnh ung thư tới nay, ông Mạnh đã có không dưới 10 sáng chế lớn nhỏ. Ông bảo: “Chế tạo thành công mấy cái máy này giúp tôi khỏe người ra, tìm được niềm vui trong cuộc sống. Chứ ngồi nghĩ đến chuyện đau bệnh của mình thì buồn lắm”. Chỉ tay về đống rơm đang ủ trước vườn, ông Mạnh nhẩm tính: “Một tấn rơm cho ít nhất 100kg nấm, 1kg nấm khoảng 30.000 đồng, chỉ cần 10 tấn rơm là kiếm ít nhất 3 triệu đồng/tháng. Với sự hỗ trợ của chiếc máy mình sáng tạo ra, vợ chồng tôi chỉ cần 2 ngày là gom được 10 tấn rơm. Làm nấm xong, tôi lấy rơm bón cho vườn rau, lại bán rau nên có thêm khoản thu nhập. Còn chiếc máy đang cuộn rơm ngoài đồng, hết mùa lúa này cũng kiếm được kha khá. Hy vọng gánh nặng nợ nần vì vay tiền chữa bệnh và chế tạo máy móc sẽ dần vơi đi”.

Ông Mạnh đang từng ngày vươn lên để chiến thắng bệnh tật, nhưng với ông, nếu không có người vợ kề cận, mọi chuyện gần như buông xuôi. Trước đây, vợ ông Mạnh vốn là công nhân một nhà máy gỗ tại khu công nghiệp gần nhà. Hồi ông Mạnh chạy chữa bệnh, bà phải xin nghỉ việc, nhưng nay phải xin vào làm lại để có thêm chi phí trang trải nợ nần. Ông Mạnh tiếp chuyện, cho biết vợ ông vốn là con gái thôn quê, quen làm lụng nên vóc dáng cũng khỏe mạnh. Vậy mà từ ngày ông bị bệnh, suốt ngày phải ăn chay, thương ông vợ cũng ăn theo. Bây giờ vợ chỉ hơn chồng đúng… 1kg. Ngày tôi đến, bà Trương Thị Ngọc Hạnh (vợ ông Mạnh) vừa xong ca làm sáng, ăn vội miếng cơm ở nhà máy, bà không ngủ trưa mà tranh thủ chạy ra đồng giúp chồng vận chuyển rơm. Đến ca làm chiều, bà lại vào nhà máy. Gượng hỏi, bà Hạnh mới thổ lộ: “Bây giờ sáng thức dậy, nhìn thấy chồng còn sức khoác áo ra đồng là tôi vui lắm rồi. Anh Mạnh làm vậy, nhưng nhiều đêm về bụng quằn quại. Thương chồng, không ít lần khuyên anh nghỉ làm nhưng anh bảo nghỉ còn đau hơn, vậy nên tôi chỉ biết san sẻ cùng anh lúc có thể”.

Trời đã xế chiều, những làn gió nồm thoảng qua cánh đồng Suối Hiệp. Cố níu vai tôi, ông Mạnh chỉ tay về phía cầu Lùng - nơi có dòng sông Tắc - một trong hai nhánh sông chính chảy ra biển, ông bảo tôi nhìn kỹ, dòng sông đang bị lục bình choán hết bề mặt, nước không chảy được, lỡ mùa nước dâng lục bình trôi vào ruộng lại mất công làm cỏ. Dứt lời, ông bảo sẽ nghiên cứu chế tạo một cái máy gom lục bình để làm sạch dòng sông như chính ông đang cố gắng “làm sạch” căn bệnh ung thư trong chính mình.

VĂN NGỌC

Tin cùng chuyên mục