Ông Lê Tiến Châu, Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang: Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao

Sau 15 năm thành lập, tỉnh Hậu Giang đã đạt được nhiều dấu ấn rõ nét: Đời sống người dân được cải thiện; phong trào xây dựng nông thôn mới gắn với các mô hình sản xuất nông nghiệp cho thu nhập cao, ổn định góp phần thay đổi bộ mặt nông thôn.

Để điểm lại chặng đường phát triển của tỉnh, phóng viên Báo SGGP đã có cuộc trao đổi với ông Lê Tiến Châu, Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang. 

° PHÓNG VIÊN: Xin ông điểm lại những thành tựu nổi bật của Hậu Giang trong 15 năm qua?

° Ông LÊ TIẾN CHÂU: Tỉnh Hậu Giang vừa đi qua năm Mậu Tuất 2018 với rất nhiều sự kiện sôi động, mang dấu ấn lịch sử của vùng đất hội tụ những tấm lòng.

Nhìn lại chặng đường 15 năm đã qua, với những thuận lợi và khó khăn đan xen, Hậu Giang từ một tỉnh thuần nông nghèo có xuất phát điểm thấp nhất trong khu vực ĐBSCL, bằng truyền thống của “Đoàn kết - nghĩa tình - thủy chung - năng động” và sự nỗ lực, quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp, toàn quân và dân, tỉnh đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, toàn diện trên tất cả các mặt.

Từ phát triển kinh tế cho tới công tác giáo dục - đào tạo, văn hóa, y tế, giải quyết việc làm, chăm lo gia đình chính sách..., Hậu Giang đã trở thành tỉnh có mức phát triển trung bình và là địa phương đi đầu khu vực ĐBSCL về xây dựng trường chuẩn quốc gia; xây dựng nông thôn mới; xóa trắng xã không có trường mầm non, mẫu giáo; 100% số xã của tỉnh đạt chuẩn quốc gia về y tế.

Cùng với đó, tình hình quốc phòng được đảm bảo, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững; công tác xây dựng Đảng đạt được nhiều kết quả tích cực; khối đại đoàn kết toàn dân tiếp tục được củng cố vững chắc. 

Ông Lê Tiến Châu, Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang: Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao ảnh 1 Ông Lê Tiến Châu, Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang
° Hậu Giang vẫn là tỉnh có thế mạnh về nông nghiệp, trong bối cảnh áp dụng nông nghiệp 4.0 vào sản xuất, tỉnh sẽ thực hiện vấn đề này ra sao? 

° Thời gian qua, tỉnh Hậu Giang đã có những nỗ lực trong việc ứng dụng các tiến bộ khoa học vào sản xuất nông nghiệp. Trong đó, nông nghiệp 4.0 bắt đầu được chú ý hơn từ năm 2018 đến nay, nhằm từng bước nâng cao chất lượng sản xuất, an toàn vệ sinh thực phẩm và bảo vệ môi trường, đáp ứng nhu cầu thị trường trong và ngoài nước.

Cụ thể, tỉnh chuẩn bị nhân rộng các mô hình hộ dân làm nông nghiệp công nghệ cao (trồng dưa lưới tại xã Bình Thành, huyện Phụng Hiệp; rau thủy canh tại huyện Châu Thành A...); đang rà soát chủ trương thực hiện ứng dụng công nghệ blockchain trong truy xuất nguồn gốc chuỗi giá trị đối với mãng cầu xiêm, chanh không hạt, xoài cát Hòa Lộc.

Hậu Giang cũng đã ký kết bản ghi nhớ hợp tác với tỉnh Lâm Đồng về phát triển nông nghiệp công nghệ cao để nhận sự hỗ trợ thu hút xúc tiến đầu tư, thương mại và việc chuyển giao công nghệ từ sản xuất nông nghiệp công nghệ cao và nông nghiệp 4.0; ký kết bản ghi nhớ hợp tác với Viện Kinh tế nông nghiệp hữu cơ về phát triển hàng nông sản rau quả tỉnh Hậu Giang theo hướng nông nghiệp công nghệ cao...

Hiện nay, tỉnh đang khẩn trương hoàn thiện cơ chế, chính sách thu hút đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp dựa trên quy định của Chính Phủ. Theo đó, quy định mức hỗ trợ cho các dự án nông nghiệp công nghệ cao, dự án chế biến với khung mức hỗ trợ tối đa theo quy định của Trung ương. Hậu Giang đã bố trí vốn để thực hiện giải phóng mặt bằng tạo quỹ đất sạch nhằm tạo điều kiện thuận lợi thu hút ưu tiên cho các nhà đầu tư triển khai các dự án nông nghiệp công nghệ cao.

° Hậu Giang là tỉnh đang dẫn đầu trong khu vực về phong trào xây dựng nông thôn mới... 

° Đầu tiên có thể khẳng định rằng, xây dựng nông thôn mới là chương trình hợp ý Đảng lòng dân. Hậu Giang là tỉnh có điểm xuất phát thấp khi bắt tay vào xây dựng nông thôn mới, tuy nhiên với sự năng động, quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo và sáng tạo trong tổ chức thực hiện của các cấp ủy đảng, chính quyền, MTTQ, các đoàn thể, đặc biệt là sự hưởng ứng tích cực, có hiệu quả của các tầng lớp nhân dân trong địa bàn tỉnh, đến nay Hậu Giang đã đạt được kết quả trong xây dựng nông thôn mới, đã có 27/54 xã đạt chuẩn nông thôn mới (chiếm 50%), có một đơn vị cấp huyện được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới.

Qua hơn 8 năm xây dựng nông thôn mới, tỉnh đã rút ra được một số kinh nghiệm như sau: Nhận thức của chi bộ, đảng viên, vai trò cấp ủy ở địa phương để vào cuộc quyết liệt; sự đồng thuận, hợp tác của người dân rất cao (thể hiện cụ thể qua việc hiến đất, hoa màu, vật kiến trúc, ngày công lao động để góp phần đạt từng nội dung của tiêu chí).

Đồng thời, hàng năm tỉnh đều xây dựng kế hoạch, lộ trình cụ thể, đầu tư có trọng tâm trọng điểm, linh hoạt trong từng cách làm; chú trọng phát huy nguồn lực từ nhân dân, doanh nghiệp, mạnh thường quân, đặc biệt với sự hỗ trợ từ phía tổ chức nông thôn mới Hàn Quốc đầu tư hai làng nông thôn mới ở địa phương; sự giám sát chặt chẽ từ MTTQ đã hỗ trợ UBND tỉnh, Ban Chỉ đạo các Chương trình mục tiêu quốc gia tỉnh có sự chỉ đạo, điều chỉnh kịp thời.

Để thực hiện tốt phong trào xây dựng nông thôn mới, góp phần thiết thực cải thiện đời sống người dân ở nông thôn, thì ngoài việc đầu tư cơ sở hạ tầng, Hậu Giang lấy phát triển sản xuất làm trọng tâm, quan tâm hỗ trợ nông dân phát triển các hoạt động sản xuất gắn với tái cơ cấu ngành nghề.

Hậu Giang sẽ tập trung phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông lâm nghiệp, thủy sản; triển khai có hiệu quả các chương trình, đề án (nâng cao kinh tế tập thể, cơ giới hóa...); nhân rộng các mô hình sản xuất nông nghiệp có ảnh hưởng rộng, tính ứng dụng cao; xây dựng và phát triển thương hiệu các sản phẩm nông nghiệp chủ lực như khóm, mía, bưởi, cam, quýt đường, cá thát lát...; chú trọng phát triển các hình thức tổ chức sản xuất, liên kết sản xuất, chế biến, bao tiêu sản phẩm. 

° Nằm cận TP Cần Thơ, vậy tỉnh sẽ tận dụng cơ hội ra sao để thu hút đầu tư? 

° TP Cần Thơ là trung tâm động lực của vùng ĐBSCL với các thế mạnh về nguồn nhân lực tập trung lớn, trình độ khoa học kỹ thuật tiến bộ, hệ thống cơ sở hạ tầng kỹ thuật đồng bộ, đặc biệt có sân bay quốc tế Cần Thơ, hệ thống cảng sông quốc tế Trà Nóc và Cái Cui...

Để phát huy lợi thế nằm kế cận Cần Thơ, Hậu Giang sẽ ưu tiên tập trung phát triển các địa bàn gần Cần Thơ.

Trước mắt, tỉnh sẽ khai thác hệ thống cơ sở hạ tầng kỹ thuật đồng bộ, thu hút đầu tư tập trung vào các lĩnh vực như: khu cụm công nghiệp; khu đô thị - thương mại - dịch vụ; đào tạo giáo dục nghề để bổ sung nguồn nhân lực cho Cần Thơ.

Đặc biệt, sông Hậu và tuyến quốc lộ Nam Sông Hậu chạy dài khoảng 8km rất thuận lợi để phát triển công nghiệp và đô thị mới nên tỉnh đã thành lập và kêu gọi đầu tư các khu - cụm công nghiệp dọc hai bên tuyến đường Nam Sông Hậu (cụ thể như: Khu công nghiệp Sông Hậu với diện tích 290,79ha, tỷ lệ lấp đầy 100%, cụm công nghiệp tập trung Phú Hữu A - giai đoạn 1, Cụm công nghiệp tập trung Phú Hữu A - giai đoạn 3, Cụm công nghiệp tập trung Đông Phú), các khu dân cư - tái định cư Đông Phú...

Về vận dụng quá trình thu hút đầu tư, tỉnh xác định, Cần Thơ là trung tâm vùng, Hậu Giang sẵn sàng là đối tác chiến lược với Cần Thơ. Địa bàn Hậu Giang hội tụ đầy đủ các điều kiện thuận lợi để trở thành nơi cung ứng về tổ chức sản xuất, nguồn nhân lực hỗ trợ cho Cần Thơ và cũng là thị trường để từ Cần Thơ đầu tư phát triển mở rộng sang Hậu Giang.

Hiện tại, tỉnh đang rà soát xây dựng chính sách thu hút đầu tư theo hướng xúc tiến đầu tư có mục tiêu chứ không phải xúc tiến đầu tư theo kiểu đại trà; khung chính sách ưu đãi theo hướng đổi mới tư duy, chuyển từ quan điểm “đua nhau ưu đãi bằng cách giảm chi phí” sang quan điểm “cạnh tranh dựa trên những lợi thế riêng, các tài sản chiến lược”.

Năm 2018, tình hình kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng của Hậu Giang đạt được kết quả khá toàn diện, 19/19 chỉ tiêu chủ yếu trong năm đều đạt và vượt kế hoạch đề ra; tốc độ tăng trưởng kinh tế cao nhất kể từ đầu nhiệm kỳ tới nay với tỷ lệ 6,93%, đứng thứ 6/12 tỉnh; GRDP bình quân đầu người đạt 38,32 triệu đồng/người; cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng phát triển tăng khu vực công nghiệp - xây dựng và khu vực dịch vụ, giảm dần khu vực nông nghiệp (tỷ trọng khu vực I là 26,74%, khu vực II là 24,29%, khu vực III là 48,97%); chất lượng hoạt động của hệ thống chính quyền chuyển biến từ tư duy “quản lý” sang tư duy “phục vụ”...

Tin cùng chuyên mục