Ông “phản biện tiền tỷ”

Nghe danh ông Nguyễn Quang Hòa đã lâu, muốn gặp ông nhưng ngại. Ngại vì ông được nhiều người biết về nổi tiếng phản biện. Nhưng rồi chính những công trình phản biện làm lợi cho Nhà nước, cho dân hàng tỷ đồng đã thúc giục tôi tìm ông.
Mặc dù đã nghỉ hưu nhưng ông Nguyễn Quang Hòa vẫn luôn đau đáu với “nghiệp nước”
Mặc dù đã nghỉ hưu nhưng ông Nguyễn Quang Hòa vẫn luôn đau đáu với “nghiệp nước”
Một số anh em ở Chi cục Thủy lợi Nghệ An nói ông là người nhã nhặn, khiêm tốn, nhưng tôi vẫn muốn gọi ông là “ông phản biện tiền tỷ”. Tiếp xúc với ông mới cảm nhận được, bên trong con người với thần thái nho nhã là cả bầu nhiệt huyết dành cho từ giọt nước thủy nông cho đến đại công trình thủy lợi.

Từ những dòng nước nhỏ

Ông Nguyễn Quang Hòa sinh năm 1945 ở xã Thanh Xuân (huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An). Sau khi tốt nghiệp Đại học Thủy lợi, ông về quê và gắn bó với ngành thủy lợi Nghệ An. Ông Hòa vốn là Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi Nghệ An, ông nghỉ hưu năm 2005. Những tưởng được nghỉ ngơi, nhưng cái “nghiệp nước” như ông nói vui, nó cứ đeo đẳng mãi. Ông được mời làm Phó Chủ tịch Hội Thủy lợi Nghệ An, Giám đốc Trung tâm Ứng dụng khoa học kỹ thuật và công nghệ thủy lợi… Hiện ông còn tham gia tư vấn về chuyên môn cho đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Nghệ An. 

Năm 2007, hay tin Chính phủ ban hành Nghị định 154 về việc miễn giảm thủy lợi phí cho nông dân, ông Hòa mừng lắm. Nhưng khi nghiên cứu nghị định này ông mới hay, việc miễn giảm chỉ thực hiện cho người dân sử dụng nước từ hệ thống thủy lợi của Nhà nước. Thực tế ở Nghệ An, các công trình thủy lợi của Nhà nước lại nằm ở đồng bằng, còn các huyện miền núi khó khăn với hàng triệu nông dân thì các công trình phần lớn do dân, hợp tác xã bỏ tiền làm. Ông Hòa khăn gói ra Bộ NN-PTNT gặp những người có trách nhiệm để “hỏi cho ra nhẽ”. Sau đó, ông về viết bài báo Chính sách thủy lợi phí mới ở Nghệ An - Kẻ cười, người khóc, đăng trên Báo Lao động. Bài đăng, nhiều người photocopy chuyền tay nhau đọc. Một năm sau, Chính phủ đã sửa đổi, ban hành Nghị định 115 miễn thủy lợi phí 100% cho nông dân.

Nhà nước lợi trăm tỷ đồng, dân an cư

Năm 2009, dự án Thủy lợi, thủy điện Bản Mồng được phê duyệt và triển khai. Trong dự án này có hợp phần di dân, tái định cư (TĐC) xã Châu Bình (huyện Quỳ Châu). Thời điểm này, ông Hòa chưa liên quan gì đến dự án, nhưng vì tâm huyết nên ông đi thực tế. Ông thấy việc di dời toàn bộ người dân Châu Bình đến nơi ở mới là bất hợp lý. Theo dự án sẽ phải di dời 773 hộ dân, cùng với đó, khi nước dâng sẽ mất 215ha đất lúa, toàn bộ cơ sở hạ tầng của xã, gần 4km quốc lộ 48 qua địa bàn Châu Bình… Tổng kinh phí cho hợp phần này là 899 tỷ đồng. Nhìn những cánh đồng lúa xanh ngút mắt, nghĩ đến “bờ xôi ruộng mật” suốt bao đời nay của người dân, ông không khỏi xót xa. Sau khi đi thực tế, ông thấy 8 khu TĐC đều không thể bằng nơi ở cũ, đặc biệt là thiếu nước… 

Ông Hòa đề xuất với các cấp liên quan ở Nghệ An, xin được phản biện, nhưng nhiều người nói Trung ương đã phê duyệt. Quyết không bỏ cuộc, ông khăn gói ra Hà Nội, tìm đến Bộ NN-PTNT. Lúc này, một vị cục trưởng cũng chân thành khuyên ông, dự án đã được duyệt, “bác đừng phản biện nữa”. Ông Hòa tiếp tục tìm gặp ông Nguyễn Ngọc Thuật, khi ấy là Thứ trưởng Bộ NN-PTNT. Sau khi nghe ông Hòa trình bày, ông Thuật đồng tình và có công văn gửi UBND tỉnh và Sở NN-PTNT Nghệ An để ông Hòa, với tư cách là Giám đốc Trung tâm Ứng dụng khoa học kỹ thuật và công nghệ thủy lợi được phản biện hợp phần di dân TĐC. Mặc dù đã có công văn của bộ, nhưng ở cơ sở, ông Hòa cũng “trầy vi tróc vảy”, mang tiếng là “chọc gậy bánh xe”. Thời gian này, người dân Châu Bình cũng đang thấp thỏm về việc phải di dời, tâm lý khá nặng nề. Ông Hòa và các cộng sự đã phải âm thầm thực hiện khảo sát thực tế, làm không khéo thì hỏng việc bởi có người đã cảnh báo “vì anh mà dân không đi”.  

Sau 2 năm ròng rã, công trình phản biện của ông Hòa và cộng sự hoàn tất. Với dự án đã được phê duyệt, đập phụ số 1 ngăn vị trí cuối sông Cô Ba, điểm đổ vào sông Hiếu (tức lòng hồ Bản Mồng) sẽ được làm. Để thông dòng cho sông Cô Ba, một kênh phụ dài 13km sẽ được đào để nước chảy về dưới thân đập chính hồ Bản Mồng. Việc này đồng nghĩa với vùng hạ lưu sông Cô Ba là xã Châu Bình trong diện bị ngập nước, dân phải di dời. Nhưng ông Hòa một mặt vẫn giữ đập phụ số 1, mặt khác thiết kế thêm đập phụ số 3 trên sông Cô Ba, về phía trên xã Châu Bình. Lúc này, đoạn sông Cô Ba giữa đập phụ số 1 và số 3 sẽ là đoạn “sông chết”. Từ đoạn “sông chết” này, một kênh tiêu nội bộ cho Châu Bình được thiết kế để nước chảy thoát ra phía dưới thân đập chính hồ Bản Mồng. Nhưng còn sông Cô Ba nước sẽ thoát đi đâu? Ông Hòa đã cho đào một kênh thông hồ với chiều dài chỉ 1,6km từ phía trên đập phụ số 3 để đưa nước sông Cô Ba đổ thẳng vào lòng hồ Bản Mồng. Khi vào thực tế kiểm tra, đánh giá đề án “Hợp phần đập phụ và kênh tiêu Châu Bình”, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Hoàng Văn Thắng và đoàn công tác đã đánh giá đây là giải pháp độc đáo.  

Từ việc phê duyệt hợp phần di dân TĐC là 899 tỷ đồng, sau phản biện của ông Hòa, hợp phần này thực hiện hết trên 700 tỷ đồng. Lúc đầu dự kiến phải di dời 773 hộ dân, nhưng sau đó 585 hộ được ở lại, chỉ 188 hộ phải đi; bên cạnh đó còn giữ được 215ha đất lúa, không phải thay đổi tuyến quốc lộ 48… Công trình “Hợp phần đập phụ và kênh tiêu Châu Bình” đã đoạt giải thưởng đặc biệt - Giải thưởng Sáng tạo khoa học công nghệ tỉnh Nghệ An năm 2011, giải ba Hội thi Sáng tạo kỹ thuật toàn quốc lần thứ 11 (2010-2011). 

Phản biện như ngọn đèn pha

Năm 2013, ông Hòa tham gia cuộc thi Sáng kiến phòng chống tham nhũng do Thanh tra Chính phủ và Ngân hàng Thế giới tổ chức. Đề tài của ông là “Xây dựng cơ chế chính sách, đưa chủ trương phản biện vào cuộc sống”. Tại gian thuyết trình đề tài của mình, phía trên ông Hòa treo “logo” là cán cân công lý, nhưng một bên bị lệch vì phía sau (màu đen) có hai bàn tay bắt vào nhau. Trong gian trưng bày, một bên ông đưa ra những công trình nhờ vào phản biện mà thành công, một bên vì không có phản biện nên thất bại. Ông dẫn chứng, khi các nhà đầu tư đầu tư vào Nghệ An, cơ quan có thẩm quyền chỉ cần thực hiện 3 câu hỏi. Thứ nhất, sự cần thiết của dự án. Thứ hai, kiểm tra các chỉ tiêu kinh tế, kỹ thuật. Thứ ba, năng lực khoa học công nghệ và năng lực tài chính của chủ đầu tư. Chính vì 3 câu hỏi này không được thực hiện đến nơi đến chốn cho nên mới dẫn đến có những dự án treo, lãng phí, không hiệu quả…

Ông Hòa tâm sự: “Nói thật là, về tâm lý thì không ai muốn phản biện cả”. Lâu nay thường thủ trưởng ít muốn nghe cấp dưới “nói ngược”. Mặt khác, khi phản biện không ít người ngại sẽ làm mất quyền lực của cơ quan nhà nước. Tôi hỏi ông, có “nhột chí” không, ông cười hiền nhưng giọng sang sảng: “Phản biện như một ngọn đèn pha chiếu vào sự vật. Trắng đen sẽ phơi bày hết”.

Tin cùng chuyên mục