OPEC gia hạn cắt giảm sản lượng dầu: Giá dầu, chứng khoán tăng cao

Ngày 2-7, Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) tuyên bố nhất trí gia hạn thỏa thuận cắt giảm sản lượng khai thác dầu tới tháng 3-2020 khiến giá dầu thô và chứng khoán thế giới cùng tăng cao.


Một phiên giao dịch chứng khoán ở New York, Mỹ
Một phiên giao dịch chứng khoán ở New York, Mỹ

Nhiệt tình hợp tác

Phát biểu với báo giới sau cuộc họp kéo dài 6 tiếng tại trụ sở OPEC ở Vienna, Áo, Chủ tịch OPEC, Bộ trưởng Dầu mỏ Venezuela Manuel Quevedo cho biết chúng tôi đã đạt được thỏa thuận gia hạn “thêm 9 tháng mức khai thác dầu như hiện nay”.

Trong khi đó, Bộ trưởng Năng lượng Saudi Arabia Khalid al-Falih cho biết OPEC và các đồng minh “đã nhiệt tình hợp tác” để hỗ trợ hoàn thành một điều lệ nhằm hợp thức hóa liên minh. Các thông báo được đưa ra sau khi cuộc họp báo dự kiến của tổ chức này bị hoãn gần 5 giờ.

Thỏa thuận cắt giảm sản lượng giữa nhóm OPEC+ (gồm 14 nước thành viên OPEC và các nhà sản xuất dầu mỏ hàng đầu thế giới ngoài tổ chức này như Nga, Kazakhstan, Malaysia và Mexico), đã hết hạn vào ngày 30-6-2019. Trong năm 2016, Saudi Arabia và Nga đã đồng ý cố gắng quản lý sản lượng dầu toàn cầu để hỗ trợ giá dầu. Các cuộc họp cũng diễn ra khi căng thẳng giữa Mỹ và Iran ngày càng leo thang sau khi Iran bắn hạ 1 máy bay không người lái của Mỹ trên eo biển Hormuz hồi đầu tháng này, một tình huống mà các nhà phân tích cho rằng sẽ gây ra nguy cơ đối với dòng chảy dầu và vận chuyển dầu trong khu vực.

Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết hồi cuối tuần qua rằng ông hiện sẽ không áp thuế mới đối với Bắc Kinh. Điều này đã thúc đẩy đà tăng trên thị trường dầu mỏ, vốn đang chịu sức ép từ rủi ro của một cuộc chiến thương mại kéo dài ảnh hưởng đến kinh tế.

Trong ngày 2-7, nhóm OPEC+ cũng họp để thảo luận về việc gia hạn thỏa thuận cắt giảm sản lượng chung. Bộ trưởng Năng lượng Nga Alexander Novak khẳng định tất cả các nước trong và ngoài OPEC đều ủng hộ việc gia hạn thỏa thuận cắt giảm. Kể từ ngày 1-1 năm nay, OPEC+ đã thực hiện thỏa thuận cắt giảm sản lượng 1,2 triệu thùng/ngày. Mức cắt giảm nguồn cung được các nước thành viên OPEC chấp thuận là 800.000 thùng/ngày, song báo cáo cho thấy các nhà sản xuất thậm chí đã cắt giảm sâu hơn nữa.

Giá cả tăng đều

Phản ứng trước diễn biến trên, giá dầu thô trên thị trường thế giới đã bật tăng, trong đó giá dầu WTI có lúc trở lại mức trên 60USD/thùng lần đầu tiên trong 1 tháng qua, giá dầu Brent được giao dịch ở mức trên 65USD/thùng, trong khi giá dầu WTI dao động quanh mức gần 59USD/thùng. Giới phân tích dự báo, các quyết định của OPEC+ có thể sẽ đẩy giá dầu vượt mức 68USD/thùng trong thời gian tới.

Trong phiên giao dịch điện tử, hợp đồng dầu thô ngọt nhẹ WTI giao tháng 8 trên sàn Nymex dao động tại mức 60.28 USD/thùng. Trong khi đó, hợp đồng dầu Brent giao tháng 9 trên sàn London tăng 0,5% lên hơn 65USD/thùng.

Các hợp đồng dầu thô tương lai khép phiên thấp hơn nhiều so với mức đỉnh trong phiên, khi thị trường chờ đợi thông báo chính thức của OPEC cùng với dữ liệu PMI toàn cầu đáng thất vọng đã làm tăng lo ngại về khả năng suy giảm nhu cầu năng lượng.

Giao dịch tại sàn chứng khoán New York ngày 2-7, chỉ số tổng hợp Dow Jones tăng 0,44%, lên 26.717,43 điểm và chỉ số ngành công nghệ Nasdaq tăng 1,1% lên 8.091,16 điểm. Đáng chú ý, trong phiên giao dịch cuối ngày, chỉ số S&P 500 tăng tổng cộng 0,8%, xác lập kỷ lục 2.964,33 điểm.

Ở bên kia bờ Đại Tây Dương, chỉ số CAC 40 tại Paris, Pháp tăng 0,5% lên 5.567,91 điểm và chỉ số tổng hợp Euro Stoxx tăng 0,7% lên 3.497,59 điểm. Tại London, Anh chỉ số FTSE 100 chốt phiên tăng 1% lên 7.497,50 điểm, chỉ số DAX 30 trên sàn Frankfurt, Đức tăng 1% lên 12.521,38 điểm.

Tại châu Á, các chỉ số chứng khoán cùng nhuộm sắc xanh Nikkei, Nhật Bản tăng 0,11%, Hang Seng, Hồng Công tăng 1,27%. Giá vàng cũng tăng nhẹ thêm 0,4% lên 1.395,5USD/ounce.

Tin cùng chuyên mục