PCCC tại các cơ sở may mặc - Còn lơ là

Thời gian qua, trên địa bàn TPHCM xảy ra không ít vụ cháy lớn liên quan đến các cơ sở may mặc. Thậm chí có những cơ sở còn để xảy ra cháy đi, cháy lại nhiều lần trong khoảng thời gian ngắn, gây thiệt hại nghiêm trọng về tài sản, đồng thời cũng làm ảnh hưởng không nhỏ đến tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội của TP. Nguyên nhân dẫn đến cháy, nổ tại các cơ sở may mặc có thể khác nhau, nhưng tựu trung lại đều cho thấy việc thực hiện quy định về đảm bảo an toàn PCCC tại nhiều cơ sở thuộc nhóm đối tượng này vẫn còn không ít lỗ hổng và bất cập.

Thời gian qua, trên địa bàn TPHCM xảy ra không ít vụ cháy lớn liên quan đến các cơ sở may mặc. Thậm chí có những cơ sở còn để xảy ra cháy đi, cháy lại nhiều lần trong khoảng thời gian ngắn, gây thiệt hại nghiêm trọng về tài sản, đồng thời cũng làm ảnh hưởng không nhỏ đến tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội của TP. Nguyên nhân dẫn đến cháy, nổ tại các cơ sở may mặc có thể khác nhau, nhưng tựu trung lại đều cho thấy việc thực hiện quy định về đảm bảo an toàn PCCC tại nhiều cơ sở thuộc nhóm đối tượng này vẫn còn không ít lỗ hổng và bất cập.

Lực lượng PCCC chuyên nghiệp TPHCM kiểm tra tại các cơ sở may mặC

Ông Đinh Quang Hiền - Giám đốc Nhà máy Dệt 2 Công ty Cổ phần Tập đoàn Thái Tuấn, quận Bình Tân - chia sẻ: “Đối với các cơ sở may mặc, nguy cơ cháy, nổ cao thường tập trung ở một số khu vực như nhà xưởng sản xuất, kho chứa hàng và lò hơi, lò hấp... Tuy nhiên, nếu chủ quan thì cháy, nổ có thể xảy ra ở bất cứ nơi nào. Để ngăn ngừa hiểm họa, trước hết những người đứng đầu cơ sở phải ý thức rõ và nghiêm túc thực hiện các quy định PCCC cũng như tuyên truyền sao cho toàn bộ đội ngũ của mình nắm chắc, nắm vững các quy định; các biện pháp ứng phó, xử lý và tự cứu khi xảy ra hỏa hoạn”.

Anh Trương Công Lý, đại diện Công ty TNHH SX Dệt thêu may Mỹ Dung, quận Bình Tân cho biết: “Trong lần kiểm tra an toàn PCCC gần đây nhất của Phòng Cảnh sát PCCC quận Bình Tân đối với công ty, lực lượng chức năng đã chỉ ra một số thiếu sót mà cơ sở chúng tôi còn mắc phải, như: việc sắp xếp hàng hóa lấn chiếm các lối thoát nạn; sự xuống cấp của hệ thống báo cháy tự động... Qua đó, chúng tôi rút ra được nhiều bài học và chấn chỉnh nghiêm những lỗi này. Có khi chỉ có 1 sơ suất nhỏ, nhưng đó có thể là nguy cơ tiềm ẩn xảy ra cháy nổ mà mình cứ thờ ơ, không biết, không quan tâm suốt thời gian qua”.
Đánh giá về một số bất cập dễ dàng nhận thấy trong công tác đảm bảo an toàn PCCC tại các cơ sở may mặc trên địa bàn quận 7, Thượng tá Đặng Văn Tại - Phó trưởng Phòng Cảnh sát PCCC quận 7 - khẳng định: “Đối với các cơ sở may mặc cũ tồn tại trước khi có luật PCCC ban hành thì đa phần hoặc không có, hoặc lắp đặt không đầy đủ các hạng mục về PCCC. Nhưng đáng nói hơn là không ít người đứng đầu các cơ sở may mặc vẫn còn chủ quan, lơ là trong việc quản lý, điều hành công tác PCCC ngay tại đơn vị của mình. Đó mới chính là nguy cơ thật sự”.

Bất cẩn trong sử dụng điện

Phương châm “4 tại chỗ” với “Chỉ huy tại chỗ; Lực lượng tại chỗ; Phương tiện tại chỗ và Vật tư, hậu cần tại chỗ” luôn được xem là “chiếc chìa khóa vàng” trong công tác PCCC, nhưng trên thực tế vẫn có nhiều cơ sở may mặc chưa thật sự xem trọng vấn đề này. Theo Thượng tá Đặng Văn Tại thì các đám cháy thường được phát hiện trễ, thông tin báo cháy chậm, khiến thời gian cháy tự do kéo dài; lực lượng PCCC cơ sở sử dụng các phương tiện tại chỗ kém hiệu quả; trữ lượng chất cháy quá nhiều và nguồn nước phục vụ cho công tác chữa cháy không đảm bảo..., đó là một số nguyên nhân cơ bản dẫn đến cháy lớn, gây thiệt hại nghiêm trọng tại các cơ sở may mặc.

Vật dụng dễ cháy không giữ khoảng cách an toàn với tủ điện

Để thắt chặt hơn nữa công tác đảm bảo an toàn PCCC đối với các cơ sở may mặc trên địa bàn quận 7 trong thời gian tới, Thượng tá Đặng Văn Tại khuyến cáo: “Đối với tất cả cơ sở may mặc thuộc diện phải thẩm duyệt, nghiệm thu về PCCC thì cơ quan Cảnh sát PCCC sẽ có văn bản kiến nghị chủ đầu tư thực hiện theo đúng các quy định của pháp luật. Thứ hai, đối với một số công trình trước đây đã được thẩm duyệt, nghiệm thu về PCCC nhưng vẫn chưa thực hiện lắp đặt các hạng mục PCCC theo quy định của pháp luật hiện hành thì đơn vị chức năng cũng sẽ có văn bản để khuyến cáo cơ sở tiến hành lắp đặt hoàn chỉnh, ví dụ như các giải pháp ngăn cháy... Trên cơ sở đó, cũng cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền phổ biến kiến thức pháp luật, kỹ năng PCCC cho tất cả công nhân viên làm việc tại các công ty may mặc chứ không chỉ riêng cho đội ngũ PCCC cơ sở, sao cho đảm bảo rằng mỗi công nhân viên đều phải biết các biện pháp PCCC là như thế nào, để khi công nhân viên phát hiện cháy đầu tiên thì cũng phải là người chữa cháy đầu tiên. Bên cạnh đó, các cơ sở may mặc cũng phải tuân thủ nghiêm các quy định về an toàn sử dụng điện, nguồn lửa, nguồn nhiệt. Đồng thời, các cơ sở tuyệt đối không xem nhẹ công tác tự kiểm tra các vấn đề liên quan đến PCCC&CNCH...”

BÍCH HẠNH

Tin cùng chuyên mục