Phải bảo vệ phụ nữ và trẻ em gái tốt hơn

Phụ nữ và trẻ em gái vốn đã đối mặt với nguy cơ bị xâm hại tình dục không nhỏ, nhưng việc tự bảo vệ và con đường đi tìm công lý còn quá nhiều gian nan.

Vừa qua, việc chị Trần Kim Ngân (23 tuổi, ở TPHCM) bị Viện KSND TPHCM kháng nghị, yêu cầu xử theo tội “Giết người” khiến có nhiều ý kiến trái chiều. Trước đó, trong vụ án được cho là “vì phản kháng đã giết chết kẻ sàm sỡ mình, sau khi bị kề dao đe dọa cưỡng bức tình dục”, chị Ngân bị tòa án sơ thẩm tuyên 9 tháng 16 ngày tù giam, đúng bằng thời gian bị tạm giam, về tội “Giết người trong tình trạng kích động”, được dư luận đồng tình và hoan nghênh.

Mấy tháng trước, một thiếu phụ ở Long An có đơn “xin đi tù” vì chị cho rằng bị cưỡng hiếp 2 lần trong một đêm nhưng cơ quan điều tra ở địa phương không khởi tố vụ án, cũng khiến dư luận quan tâm.

Hồi tháng 4, một bé gái 13 tuổi ở Cà Mau nghi tự tử sau khi bị hàng xóm cưỡng bức cũng không được điều tra kịp thời, đã gây bức xúc trong dư luận… Những vụ việc đó cho thấy, phụ nữ và trẻ em gái vốn đã đối mặt với nguy cơ bị xâm hại tình dục không nhỏ, nhưng việc tự bảo vệ và con đường đi tìm công lý còn quá nhiều gian nan.

Thời gian qua, các hành vi quấy rối và xâm hại tình dục đối với phụ nữ và trẻ em có dấu hiệu tăng cao, xuất hiện ở nhiều đối tượng, nhiều môi trường và với nhiều thủ đoạn. Hiện về nguyên tắc, pháp luật xử lý các tội xâm phạm tình dục khá nghiêm nhưng trên thực tế lại chưa đủ sức răn đe, bởi một số thủ phạm dựa vào tâm lý nạn nhân sợ hãi hoặc lo ngại nhiều người biết mình bị xâm hại nên không dám tố cáo, khiến chúng càng ngang nhiên thực hiện bằng được hành vi, hoặc thực hiện nhiều lần.

Trong khi đó, các hành vi liên quan đến xâm hại tình dục thường có khó khăn nhất định trong việc xác định chứng cứ, tìm nhân chứng, kể cả xác định tội danh. Đặc biệt, có khi vì thiếu chứng cứ mà không tìm ra đúng bản chất vụ việc, không định được tội danh chính xác, để kẻ phạm tội không bị trừng phạt thích đáng.

Bên cạnh đó, nạn buôn bán phụ nữ và trẻ em gái vẫn còn diễn biến phức tạp, trong đó có rất nhiều trường hợp nạn nhân bị bán ra nước ngoài và bị cưỡng bức hoạt động mại dâm hoặc bị ép lấy chồng người nước ngoài, kể cả bị bắt làm nô lệ tình dục. Số vụ việc được khám phá, nạn nhân được giải cứu, thủ phạm bị trừng trị còn hạn chế nên mức độ răn đe chưa cao.

Hiện nay, hệ thống pháp luật nhằm bảo vệ phụ nữ và trẻ em có khá nhiều. Bộ luật Hình sự có nhiều điều luật mới quy định hình phạt về tội hiếp dâm người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi, hiếp dâm người dưới 16 tuổi, cưỡng dâm người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi, tội giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác với người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi, tội cưỡng dâm người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi, tội giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác với người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi, tội dâm ô đối với người dưới 16 tuổi, tội sử dụng người dưới 16 tuổi vào mục đích khiêu dâm, tội lây truyền HIV cho người dưới 18 tuổi…

Pháp luật hình sự cũng có quy định xử lý đối với tội dâm ô, làm nhục người khác (trong trường hợp chứng minh được hành vi dâm ô hoặc quấy rối tình dục làm người khác nhục nhã)… Bộ luật Lao động có một số điều đề cập quấy rối tình dục như quy định nghiêm cấm “ngược đãi người lao động, quấy rối tình dục tại nơi làm việc” (Điều 8), quy định “người lao động bị ngược đãi, quấy rối tình dục” có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động (Điều 37)… Các hành vi mua bán người cũng được nêu khá chi tiết tại Điều 150, 151 của Bộ luật Hình sự.

Tuy nhiên, một số điều luật còn được cho là chưa nghiêm và thiếu tính răn đe, nhất là rất khó áp dụng trên thực tế. Chẳng hạn, các quy định xử phạt về quấy rối tình dục hiện nay tuy có nhưng số trường hợp bị xử lý rất ít; một số nạn nhân không thể buộc thủ phạm phải bị xử lý nên đành phải nghỉ việc, bỏ việc, chấp nhận mang tiếng xấu với nhiều người. Hay với tội mua bán người, nếu nạn nhân bị bán ra nước ngoài trót lọt, khó có cơ hội trở về nước thì hành vi của kẻ phạm tội dường như không bị phát hiện; thủ phạm có thể “ngựa quen đường cũ” để tiếp tục thực hiện với nạn nhân khác.

Trong bối cảnh đó, cần có nhiều biện pháp bảo vệ phụ nữ và trẻ em gái nhiều hơn đối với các hành vi xâm phạm tình dục, mua bán người, quấy rối và làm nhục người khác... Về mặt pháp luật, cần bổ sung thêm một số điều luật hoặc tăng mức hình phạt đối với các tội danh này; về mặt định danh, cần có định nghĩa phù hợp hơn đối với một số hành vi để từ đó làm căn cứ xử lý, theo hướng “mở” hơn; về mặt thực tiễn, cần thực hiện việc xử lý nghiêm minh đối với các hành vi này, cần thiết áp dụng khung hình phạt cao nhất trong từng tội danh nếu có tình tiết tăng nặng, vụ việc gây bức xúc trong dư luận…

Một trong những biểu hiện của xã hội văn minh, tiến bộ mà các quyền con người nói chung và quyền của phụ nữ nói riêng phải được bảo vệ và đề cao đúng mức. Do đó, cần phải khắc phục ngay tình trạng phụ nữ và trẻ em gái bị bạo hành, xâm hại! 

Tin cùng chuyên mục