Phải có sự đồng tâm hợp lực

Gần một tháng nay, việc dẹp nạn lấn chiếm vỉa hè ở quận 1 và các quận khác tại TPHCM có biểu hiện chựng lại, nhiều nơi có tình trạng tái chiếm vỉa hè để buôn bán, đậu xe.
Dẹp nạn lấn chiếm vỉa hè là một công việc khó khăn, phức tạp đối với chính quyền cơ sở, đụng chạm đến lợi ích của rất nhiều người: những người có nhà mặt tiền, những người kinh doanh chiếm dụng vỉa hè, những người bán hàng rong như một nguồn sinh kế duy nhất. Ấy là chưa kể đụng chạm tới lợi ích của một số người trong bộ máy chính quyền đứng đằng sau bảo kê cho việc chiếm dụng vỉa hè (mà lợi ích này lại vô cùng lớn).
Bất cứ việc làm nào đụng chạm tới lợi ích, nhất là lợi ích của càng nhiều người, thì việc làm đó càng khó khăn và phức tạp. Chính vì vậy mà còn nhiều ý kiến trái chiều. Trong thực tế quản lý xã hội, có những chủ trương, việc làm hoàn toàn đúng, nhưng lại bị nhiều người phản đối, do cách làm chưa đúng. Khi việc mình làm là đúng nhưng cách làm, trình tự tiến hành lại sai, thì thành quả sẽ hạn chế và đôi khi phản tác dụng. Trước mọi vấn đề cụ thể, phải có phương pháp xem xét đúng đắn. Tôi muốn được chia sẻ đôi điều đối với những người đang tham gia vào công cuộc dẹp nạn lấn chiếm vỉa hè. 
Phải có sự đồng tâm hợp lực ảnh 1 Tháo dỡ công trình chiếm dụng vỉa hè tại quận 1, tháng 2-2017.
Trước hết nói về trình tự tiến hành, Bác Hồ đã dạy chúng ta những bài học quý báu về việc lòng dân rất tốt, việc khó mấy dân cũng làm được, chỉ có điều trước khi làm bất cứ việc gì, người cán bộ cách mạng phải nói cho dân hiểu rằng làm việc đó là vì lợi ích của chính họ. Vậy nên theo tôi, trước khi giải tỏa, xử lý hành vi lấn chiếm vỉa hè, nhất thiết chúng ta phải chú ý tuyên truyền vận động nhân dân, và phải huy động toàn bộ lực lượng chính trị ở cơ sở cùng làm vịệc này. Thậm chí, phải đối thoại với dân để giải thích, nắm được tâm tư, nguyện vọng của họ mà có hướng giải quyết lâu dài. Phải nói với những người đang lấn chiếm vỉa hè rằng việc họ đang làm là sai, là vi phạm pháp luật. Đảng, Nhà nước luôn bảo vệ lợi ích của dân, nhưng phải là những lợi ích chính đáng và hợp pháp. Việc dẹp nạn lấn chiếm vỉa hè đúng là đụng chạm tới lợi ích của nhiều người, nhưng đó là những lợi ích không chính đáng, không hợp pháp và ảnh hưởng tới lợi ích của những người khác, của toàn xã hội.
Đối với những hộ dân nghèo buôn bán hàng rong, chính quyền phải có kế hoạch trước và nói với họ về hướng giải quyết, như tạo cho họ có một nơi kinh doanh khác mà một số nơi đã và đang làm. Sau khi tuyên truyền, giải thích, đối thoại rồi mới bắt tay vào thực hiện. Nếu làm đúng theo trình tự này, người đồng tình sẽ nhiều hơn, và ai chống đối thì chúng ta có quyền nghiêm trị theo quy định của pháp luật. Đặc biệt phải tìm cho ra và thẳng tay nghiêm trị những con sâu trong bộ máy chính quyền bảo kê cho người lấn chiếm vỉa hè đã tồn tại nhiều năm nay. Làm theo trình tự này chính là giải bài toán khó nhất - bài toán về lợi ích.
Còn một việc quan trọng nữa là khi thực hiện phải biết xử lý linh hoạt, mềm dẻo, không cứng nhắc trong những trường hợp cụ thể. Một số công trình không lớn (bậc lên xuống nhà dân, bồn cây kiểng…) dù có lấn chiếm ra vỉa hè một chút nhưng không ảnh hưởng nhiều tới giao thông và mỹ quan đô thị và đã tồn tại lâu đời, việc dẹp bỏ công trình đó sẽ gây khó khăn đến đời sống hàng ngày của người dân, thì có nên kiên quyết đập bỏ? Phân tích cụ thể tình hình cụ thể luôn là linh hồn sống của mọi lý thuyết chung. Giải quyết mọi vấn đề cụ thể trong thực tiễn cuộc sống phải có cái nhìn khách quan, toàn diện, lịch sử cụ thể và hướng tới sự phát triển của tương lai.
Để việc dẹp nạn lấn chiếm vỉa hè có kết quả lâu dài, bền vững, thì không thể coi đây là một chiến dịch chỉ có vài người tiên phong, mà phải là sự đồng tâm hợp lực của toàn bộ hệ thống chính trị cấp cơ sở. Phải giao và quy trách nhiệm cụ thể cho hệ thống này, đặc biệt là những người đứng đầu. Lãnh đạo, quản lý nhà nước cấp cơ sở mà không quản lý được vỉa hè, thì làm sao lãnh đạo và quản lý được những việc lớn hơn, phức tạp hơn? 

Tin cùng chuyên mục