Phải công khai, minh bạch từng dự án

Tại buổi làm việc với Đảng ủy Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập nước TPHCM ngày 13-4, sau khi nghe đại diện đơn vị này báo cáo về các nhóm giải pháp để chống ngập nước, ứng phó biến đổi khí hậu và nước biển dâng trên địa bàn TPHCM với tổng vốn đầu tư gần 500.000 tỷ đồng, đồng chí Đinh La Thăng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM yêu cầu đơn vị này phải trình được các phương án thật cụ thể, công khai, minh bạch các khoản thu, chi, bởi “ngân sách là tiền của dân, phải công khai cho dân biết mà giám sát, không có gì là bí mật”.

Làm việc về chương trình giảm ngập nước, Bí thư Thành ủy Đinh La Thăng:

Tại buổi làm việc với Đảng ủy Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập nước TPHCM ngày 13-4, sau khi nghe đại diện đơn vị này báo cáo về các nhóm giải pháp để chống ngập nước, ứng phó biến đổi khí hậu và nước biển dâng trên địa bàn TPHCM với tổng vốn đầu tư gần 500.000 tỷ đồng, đồng chí Đinh La Thăng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM yêu cầu đơn vị này phải trình được các phương án thật cụ thể, công khai, minh bạch các khoản thu, chi, bởi “ngân sách là tiền của dân, phải công khai cho dân biết mà giám sát, không có gì là bí mật”.

Chi trên 1.000 tỷ đồng/năm cho các dự án chống ngập

Theo Giám đốc Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập nước Nguyễn Ngọc Công, đơn vị đã trình UBND TP về hai nhóm giải pháp phi công trình và công trình để giải quyết tình trạng ngập nước, ứng phó với biến đổi khí hậu và nước biển dâng trên địa bàn TP. Trong đó, đối với giải pháp trung hạn (thuộc nhóm giải pháp công trình), TP sẽ tập trung đầu tư các công trình thoát nước và xử lý nước thải, nhất là ở các vùng trung tâm, vùng Bắc, Đông Bắc, Đông Nam và Tây của TP, với dự kiến tổng mức 59.135 tỷ đồng. Đây là giải pháp mang lại hiệu quả tích cực cho người dân thuộc những khu vực quan trọng của TP.

Cụ thể, dự án quản lý rủi ro ngập khu vực TP sẽ có mục nạo vét, cải tạo kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên với chiều dài 32km để thoát nước và chỉnh trang đô thị cho lưu vực 14.500ha. Dự án nạo vét, cải tạo rạch Xuyên Tâm dài 8,2km để thoát nước và chỉnh trang đô thị cho lưu vực 703ha. Xây dựng 7 nhà máy xử lý nước thải và hệ thống cống bao; xây dựng 3 hồ điều tiết gồm: Gò Dưa rộng 23ha (quận Thủ Đức), Bàu Cát (quận Tân Bình) rộng 0,4ha và Khánh Hội (quận 4) rộng 4,8ha từ nguồn xã hội hóa, ngân sách TP… Về dài hạn, TPHCM ưu tiên đầu tư các công trình chống ngập do triều cường. Theo đó, xây dựng 8 cống kiểm soát triều, 68 cống nhỏ dưới đê; 7,8km đê bao xung yếu thuộc bờ hữu sông Sài Gòn và 12km đê bờ tả sông Sài Gòn.

Theo ông Công, việc triển khai thực hiện các quy hoạch hệ thống thoát nước nước mưa, nước thải và quy hoạch thủy lợi chống ngập úng khu vực TP còn chậm bởi nhiều nguyên nhân. Đặc biệt cần khoảng 11.168 tỷ đồng để thực hiện các dự án cải tạo, nạo vét kênh rạch nhưng mới chỉ cải tạo được khoảng 1,2% khối lượng công việc theo quy hoạch, bởi ngân sách không đáp ứng đủ. Trong khi đó nguồn thu được hưởng theo tỷ lệ điều tiết của TP quá hạn hẹp (chỉ khoảng 9.509 tỷ đồng/năm, giai đoạn 2011 - 2014) nhưng phải bố trí 28% để thanh toán các khoản nợ nên chỉ còn khoảng 6.650 tỷ đồng/năm. Để đáp ứng một phần nhu cầu cấp thiết, TP phải huy động từ nhiều nguồn vốn khác nhau nhưng tổng cộng chỉ được khoảng 18.000 tỷ đồng để chi đầu tư xây dựng cơ bản trên tổng nhu cầu đầu tư hàng năm là 35.000 tỷ đồng. Trong đó, chi cho các dự án chống ngập khoảng trên 1.000 tỷ đồng/năm, chiếm tỷ lệ 5,5%.

Đừng để người dân bức xúc đơn vị “vẽ” dự án tiêu tiền ngân sách

Phê bình lãnh đạo Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập nước TP vì dư luận xung quanh việc đề xuất UBND TP chi 1.400 tỷ đồng mua 63 xe bơm nước chống ngập giai đoạn 2016 - 2019, Bí thư Thành ủy Đinh La Thăng cho rằng, dù thông tin gây hiểu lầm, chưa chuẩn xác, nhưng không thể để những sự kiện như thế tiếp tục diễn ra, gây bức xúc trong dân. Theo đồng chí Đinh La Thăng, đụng đến các dự án liên quan ngân sách là phải công khai, minh bạch để người dân hiểu và ủng hộ, đừng để người dân có ý kiến bức xúc cho rằng các đơn vị “vẽ” ra dự án để tiêu tiền ngân sách.

Đồng chí Đinh La Thăng yêu cầu Ban Cán sự Đảng UBND TP chỉ đạo các đơn vị có liên quan rà soát lại các số liệu mới nhất, lập các dự báo cần thiết để vừa phục vụ công tác điều hành của chính quyền mà người dân cũng có thông tin để ứng phó kịp thời trước diễn biến bất lợi của thời tiết. Phải xác định đây là giải pháp quan trọng, cấp thiết trong tình hình biến đổi khí hậu, nước biển dâng, tác động trực tiếp đến TPHCM và vùng lân cận. Công tác dự báo phải góp phần khắc phục sự thiệt hại về người và giảm thiểu thiệt hại về vật chất cho người dân TP.

Ngoài ra, phải xem xét lại quy hoạch tổng thể chống ngập sao cho phù hợp với điều kiện, chiến lược chung của TP hiện nay. Trên cơ sở điều chỉnh quy hoạch, Ban Cán sự Đảng UBND TP phải chỉ đạo đánh giá lại toàn diện công tác tổ chức quản lý bộ máy hiện nay, đối với lĩnh vực này, để trình ra phương án hiệu quả nhất, phù hợp nhất; phải đảm bảo đầu mối quản lý thông suốt, kết nối được từ TP đến các quận huyện, phường xã sao cho tinh gọn, hiện đại nhất.

Bí thư Thành ủy TPHCM Đinh La Thăng cũng yêu cầu nghiên cứu và nhanh chóng ban hành cơ chế khuyến khích, huy động các nguồn xã hội hóa trong xây dựng các nhà máy xử lý nước thải, các công trình hồ điều tiết, đê bao, cống kiểm soát triều, đặc biệt là hệ thống thoát nước. Đối với các doanh nghiệp, cái nào cần cổ phần hóa thì phải đẩy nhanh, đẩy mạnh, nhất là các dịch vụ công trong cấp thoát nước, nếu cần thiết chuyển cho doanh nghiệp làm hết, nhà nước không nên “ôm”. Người dân, doanh nghiệp làm được thì phải chuyển cho họ làm ngay, nhà nước chỉ cần ban hành chiến lược, quy chuẩn, tổ chức kiểm tra, giám sát việc tổ chức thực hiện, ai sai thì xử phạt, thông suốt từ trên xuống dưới.

Đồng chí Đinh La Thăng yêu cầu kết hợp chương trình đột phá về cải cách hành chính, xây dựng cơ chế phối hợp chặt chẽ giữa các sở ngành, địa phương và chủ đầu tư các dự án; xây dựng cơ chế đặc thù, ưu tiên giải quyết kịp thời những khó khăn, vướng mắc; tập trung chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án, công trình phục vụ công tác xóa, giảm ngập; không để tình trạng các dự án, công trình không đảm bảo tiến độ do các trình tự thủ tục, thời gian thụ lý hồ sơ chậm, gây lãng phí cho xã hội, ảnh hưởng đến đời sống, dân sinh.

Chồng chéo chức năng, lãng phí

Theo Phó Giám đốc Thường trực Sở Nội vụ Lê Hoài Trung, một trong những bất cập lớn hiện nay là nhiều đơn vị cùng quản lý hệ thống thoát nước, gây chồng chéo chức năng, lãng phí. Chẳng hạn: Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập nước TP quản lý tuyến cống cấp 1, 2 và các tuyến cống thuộc các tuyến đường do Sở Giao thông Vận tải quản lý; UBND các quận - huyện quản lý các tuyến cống còn lại; Trung tâm Quản lý hầm sông Sài Gòn quản lý tuyến cống đường Võ Văn Kiệt, Mai Chí Thọ; Khu Quản lý giao thông đô thị số 1 quản lý tuyến cống đường Phạm Văn Đồng; Công ty TNHH một thành viên Dịch vụ khai thác thủy lợi quản lý các tuyến sông, kênh, rạch phụ trách tưới tiêu, thoát nước. Sở Giao thông Vận tải được giao nhiệm vụ là cơ quan quản lý nhà nước về lĩnh vực thoát nước, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn là cơ quan quản lý nhà nước về lĩnh vực nông nghiệp, tưới tiêu…

Theo ông Trung, chính việc có nhiều cơ quan cùng quản lý hệ thống thoát nước gây nên sự bất cập, không đồng bộ, thiếu thống nhất trong việc chỉ đạo, điều hành, tổ chức thực hiện các giải pháp chống ngập và điều tiết cho khu vực, vùng trên địa bàn TP. Sở Nội vụ hiện đang hoàn thiện 3 phương án tổ chức lại các đơn vị cấp, thoát nước trùng chức năng để lấy ý kiến các sở và đơn vị có liên quan theo chỉ đạo của UBND TP.

HỒNG HIỆP

Tin cùng chuyên mục