Làm việc với TPHCM, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc:

Phải đổi mới cách làm quy hoạch

Trung ương sẽ tập trung giải quyết các nút thắt của TPHCM, đó là khẳng định của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại buổi làm việc với TPHCM về tình hình kinh tế - xã hội và một số vấn đề tăng trưởng của TPHCM, diễn ra tại TPHCM ngày 23-6.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu trong buổi làm việc với TPHCM
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu trong buổi làm việc với TPHCM
Tham dự buổi làm việc có lãnh đạo 14 bộ, ngành; phía TPHCM có Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân, cùng các đồng chí Phó Chủ tịch UBND TP: Lê Thanh Liêm, Huỳnh Cách Mạng, Nguyễn Thị Thu và lãnh đạo các sở, ngành.

Kiến nghị bổ sung 19.000 tỷ đồng đầu tư hạ tầng 

Mở đầu cuộc họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị lãnh đạo TPHCM phân tích những mặt nổi bật, tồn tại của TP, thảo luận để có quyết sách cụ thể, nhất là các chính sách phát triển, xử lý giải quyết. “TPHCM phát triển được thì cả nước phát triển tốt, nếu TPHCM có gì trở ngại sẽ ảnh hưởng phát triển chung. TPHCM không chỉ là trung tâm kinh tế, khoa học, xã hội của cả nước mà còn cạnh tranh trong khu vực ASEAN”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh.

Tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Lê Thanh Liêm cho biết, nhu cầu vốn ODA từ nguồn ngân sách trung ương cấp cho TPHCM giai đoạn 2016 - 2020 của hai dự án trọng điểm là 29.512 tỷ đồng. Trong đó, dự án tàu điện ngầm Bến Thành - Suối Tiên (tuyến metro số 1) 20.930 tỷ đồng; dự án cải thiện môi trường nước lưu vực kênh Tàu Hủ - Bến Nghé - kênh Đôi - kênh Tẻ 8.580 tỷ đồng. Tuy nhiên, Bộ Kế hoạch và Đầu tư mới chỉ bố trí khoảng 39%, khiến các dự án khó hoàn thành đúng tiến độ. Vì vậy, TPHCM kiến nghị Chính phủ xem xét bố trí đủ vốn cho hai dự án này (bổ sung gần 18.000 tỷ đồng trong giai đoạn 2017 - 2020) để các dự án hoàn thành đúng tiến độ. “Nhằm tạo thuận lợi cho công tác giải ngân và tránh tình trạng phải điều chỉnh, bổ sung kế hoạch vốn ODA hàng năm, kiến nghị chấp thuận việc giải ngân vốn ODA đối với các dự án được thực hiện theo hiệp định đã ký kết nhằm phát huy tối đa hiệu quả đầu tư. Trước mắt, kiến nghị Thủ tướng xem xét tạm ứng hơn 3.300 tỷ đồng trong năm 2017 cho dự án tuyến metro số 1”, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Lê Thanh Liêm nêu ý kiến.

UBND TPHCM cũng kiến nghị Thủ tướng hỗ trợ từ ngân sách trung ương cho TPHCM để thực hiện một số dự án đầu tư trong lĩnh vực môi trường, giao thông, thủy lợi có quy mô lớn mà ngân sách thành phố chưa thể cân đối được. Cụ thể, trong giai đoạn 2016 - 2020, kiến nghị Thủ tướng chấp thuận bố trí 9.963 tỷ đồng từ nguồn vốn của Tổng Công ty Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) cho 36 dự án đã được TPHCM hoàn tất các thủ tục đầu tư trình Thủ tướng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và thuộc thẩm quyền quyết định của Thủ tướng. Đồng thời, kiến nghị Thủ tướng chấp thuận bổ sung 10.000 tỷ đồng để TP đầu tư hạ tầng giao thông, hệ thống cảng sông, cảng biển (như sân bay Tân Sơn Nhất, cảng Cát Lái, cảng Hiệp Phước). “Phần còn lại trong tổng mức đầu tư của các dự án trên (tổng mức 37.282 tỷ đồng) thì TPHCM sẽ tự cân đối để triển khai thực hiện”, đồng chí Lê Thanh Liêm nói.
Phải đổi mới cách làm quy hoạch ảnh 1 Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trao đổi cùng giám đốc các sở ngành trong buổi làm việc với TPHCM
Rà soát, điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất   Thay mặt lãnh đạo TPHCM, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân đề nghị các bộ, ngành trong phạm vi thẩm quyền của mình hỗ trợ, xử lý các vấn đề liên quan đến TPHCM, trong đó có việc xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch phát triển vùng. Đồng chí Nguyễn Thiện Nhân cũng đề xuất Thủ tướng chủ trì hội nghị về liên kết vùng. Về vấn đề giải quyết ngập nước, kẹt xe, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân cho biết TPHCM sẽ chủ động phối hợp với Bộ Giao thông - Vận tải rà soát lại quy hoạch, việc thực hiện quy hoạch giao thông, đặc biệt là các tuyến đường vành đai. “Thủ tướng đã chỉ đạo Bộ GTVT phối hợp mời chuyên gia nước ngoài nghiên cứu xây dựng phương án nâng cấp, mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất, và để cùng tham gia TPHCM cũng mời các chuyên gia hàng không tham gia hiến kế, góp ý”, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân chia sẻ. Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân cũng cho biết, TPHCM là trung tâm tài chính của khu vực nhưng chưa có đề án để thực hiện vấn đề này. Đồng chí Nguyễn Thiện Nhân cho hay, Nghị định 48 năm 2017 quy định một số cơ chế, chính sách tài chính - ngân sách đặc thù đối với TPHCM đã mở ra một số thuận lợi cho TPHCM, nhưng TPHCM kiến nghị xem xét phê duyệt cơ chế đặc thù cho TPHCM. Đồng chí Nguyễn Thiện Nhân cam kết, từ nay đến cuối năm, TPHCM sẽ phát triển kinh tế đạt mục tiêu đề ra, tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính; triển khai cấp giấy chứng nhận đầu tư một cửa vào tháng 9 này… Kết luận buổi làm việc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh đến những đóng góp to lớn của TPHCM sau 30 năm đổi mới và trong 6 tháng đầu năm 2017 với nhiều chỉ tiêu đứng đầu cả nước như tăng trưởng GDP, thu ngân sách. TPHCM cũng luôn là nơi khởi xướng những ý tưởng đột phá về kinh doanh, khoa học công nghệ, mô hình sản xuất từ đó lan tỏa rộng ra cả nước. GDP của thành phố đạt tỷ lệ từ 52,4% - 52,7% cả nước; nhất là sức lao động gấp 2,9 lần cả nước; thu ngân sách chiếm gần 30% tổng ngân sách cả nước; kim ngạch xuất khẩu chiếm 18% toàn quốc.  Tuy nhiên, Thủ tướng cho rằng, chỉ số năng lực cạnh tranh của thành phố đang tụt hạng, chưa tương xứng với tiềm năng và lợi thế của thành phố; có 4 chỉ tiêu dưới trung bình nhiều năm liên tục như: Chi phí không chính thức, sự cạnh tranh bình đẳng, thiết chế pháp lý và tính năng động của hệ thống. Cơ cấu sử dụng đất chưa hợp lý: Diện tích đất nông nghiệp chiếm 45% tổng diện tích nhưng chỉ chiếm tỷ lệ nhỏ trong cơ cấu GDP. TPHCM cũng đang đối mặt với những vấn đề bức xúc như: úng ngập, ùn tắc giao thông nghiêm trọng, khói bụi, ô nhiễm… làm giảm tính cạnh tranh của thành phố. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị Đảng bộ, chính quyền TPHCM tập trung tháo gỡ những nút thắt về kinh tế - xã hội, nhất là về cơ sở hạ tầng giao thông; tiếp tục thực hiện tốt các nghị quyết của Trung ương; tiếp tục đi đầu đổi mới sáng tạo.  Thủ tướng chỉ rõ, mục tiêu then chốt của TPHCM là tạo việc làm với thu nhập ngày càng cao cho người dân, tạo nguồn thu ngân sách bền vững, thực thi mục tiêu công bằng, không để người dân nào đứng bên lề của sự phát triển. TPHCM phải có tầm nhìn xa về quy hoạch và đổi mới cách làm quy hoạch hướng tới mục tiêu phát triển bền vững. Phải rà soát, điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất, báo cáo Thủ tướng trong tháng 8; tiếp tục hoàn thiện quy hoạch không gian; cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Thủ tướng đồng ý về chủ trương TPHCM được giữ lại số tiền thu được từ việc cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước và thoái vốn từ các doanh nghiệp khác bổ sung cho các dự án phát triển cơ sở hạ tầng và các lĩnh vực trọng điểm.  Thủ tướng đề nghị thành phố chủ động hơn nữa trong liên kết vùng với vai trò dẫn dắt. Cùng với đó là phát triển đô thị thông minh trên cơ sở thay đổi phương thức quản lý đô thị nhờ công nghệ mới; trong đó lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm. TPHCM phải là địa phương dẫn đầu cả nước về cải cách hành chính và nằm trong 5 địa phương có chỉ số cạnh tranh tốt nhất cả nước, tạo ra những đột phá mới trong đầu tư tư nhân. Để hoàn thành các nhiệm vụ này, Thủ tướng yêu cầu đội ngũ cán bộ chính quyền TPHCM tích cực đổi mới tư duy, dám nghĩ, dám làm. “Chúng ta hãy vượt qua tâm lý an toàn là trên hết để tìm cách đột phá, tìm những ý tưởng mới. Chính phủ sẽ song hành với những cách làm mới của thành phố”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định.
Thanh tra toàn diện đất quốc phòng ở TPHCM

Tại cuộc họp, Thượng tướng Lê Chiêm, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, cho biết dự kiến hôm nay (24-6), Bộ Quốc phòng sẽ họp bàn giải quyết vấn đề sân golf trong sân bay Tân Sơn Nhất. Ngoài ra, Bộ Quốc phòng ra lệnh dừng tất cả công trình ở sân golf Tân Sơn Nhất để kiểm tra, báo cáo với Bộ Quốc phòng.

Thượng tướng Lê Chiêm cho biết thêm, hiện Bộ Quốc phòng đang tổ chức thanh tra toàn bộ hoạt động sử dụng quỹ đất quốc phòng tại TPHCM. Nơi nào cần thiết cho an ninh quốc phòng thì vẫn giữ lại phục vụ an ninh quốc phòng; nơi nào không cần thiết thì Bộ Quốc phòng sẽ bàn giao cho TPHCM để phát triển kinh tế.

Liên quan đến vấn đề quân đội làm kinh tế, Thượng tướng Lê Chiêm khẳng định: “Bộ Quốc phòng thống nhất quan điểm quân đội sẽ không làm kinh tế mà sẽ tập trung xây dựng lực lượng vững mạnh, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại. Tất cả các doanh nghiệp quân đội sẽ cổ phần hóa, thoái vốn hết”.

Tin cùng chuyên mục