Phải giảm áp lực lên đô thị trung tâm

Sau 9 năm, kể từ khi Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng TPHCM đến năm 2025 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 24/2010, những việc cần triển khai để giảm áp lực lên hệ thống hạ tầng xã hội và hạ tầng kỹ thuật cho TPHCM đến nay chưa triển khai được bao nhiêu, gây áp lực quá tải lên hệ thống này ngày càng nghiêm trọng.
Công trình xây dựng tại các quận trung tâm đã gây áp lực lên hạ tầng kỹ thuật và xã hội Ảnh: Huy Anh
Công trình xây dựng tại các quận trung tâm đã gây áp lực lên hạ tầng kỹ thuật và xã hội Ảnh: Huy Anh

Quá tải khu trung tâm hiện hữu 

Quyết định 24/2010 của Thủ tướng Chính phủ có quy định về chỉnh trang, nâng cấp khu vực 13 quận nội thành hiện hữu với nguyên tắc phát triển: cải tạo, chỉnh trang hiện trạng để xác định về tầng cao, hệ số sử dụng đất, mật độ xây dựng phù hợp với từng khu chức năng, từng khu vực. Trên cơ sở kết hợp giữ gìn, bảo vệ các di sản văn hóa và các công trình kiến trúc có giá trị; tổ chức sắp xếp lại mạng lưới giao thông, hiện đại hóa cơ sở hạ tầng kỹ thuật đô thị, từng bước hạ ngầm các đường dây kỹ thuật bố trí, sắp xếp vào trong hào kỹ thuật; xây dựng mạng lưới các công trình phúc lợi công cộng; giải tỏa các khu nhà lụp xụp trên kênh rạch và khu phố; di chuyển các xí nghiệp công nghiệp và các cơ sở gây ô nhiễm môi trường.  

Thực tế cho thấy, đến nay chưa có khu vực nào trong 13 quận nội thành hiện hữu tiến hành cải tạo, chỉnh trang các khu nhà lụp xụp để tổ chức sắp xếp lại mạng lưới giao thông, hiện đại hóa cơ sở hạ tầng kỹ thuật, xây dựng mạng lưới các công trình phúc lợi công cộng. Về việc này, TPHCM đã có bài học kinh nghiệm qua việc triển khai giải tỏa các khu nhà lụp xụp trước đây, đó là khu dân cư Xóm Cải (quận 5) hay khu nhà lụp xụp thuộc Công viên hồ Khánh Hội (quận 4). Sau khi giải tỏa thì diện tích đường giao thông khu vực đã tăng, góp phần giảm ùn tắc, diện tích đất dành cho công trình phúc lợi công cộng và công viên cây, xanh cũng tăng; đồng thời vẫn đảm bảo cư dân được tái định cư tại chỗ.

Thời gian qua, các chủ đầu tư chỉ tập trung xây dựng tại các khu đất có diện tích lớn ở các quận trung tâm. Sau khi được chấp thuận đầu tư, các công trình dịch vụ, thương mại, văn phòng mọc lên với hệ số sử dụng đất tăng, cùng số người sử dụng gia tăng đã làm tăng áp lực lên hệ thống hạ tầng kỹ thuật. Điều này không những làm tăng áp lực lên hệ thống hạ tầng kỹ thuật, mà còn tăng áp lực lên hệ thống hạ tầng xã hội của khu vực. Chính vì thế, gần đây Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu ngưng đầu tư xây dựng các công trình cao tầng tại trung tâm của 2 TP lớn là Hà Nội và TPHCM nhằm làm giảm áp lực quá tải lên hệ thống hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội. Cụ thể, khi phê duyệt Chương trình phát triển nhà ở của TPHCM đến năm 2020, TP không cho đầu tư xây dựng chung cư cao tầng trên địa bàn quận 1, quận 3; riêng 11 quận nội thành hiện hữu còn lại sẽ không đầu tư xây dựng chung cư cao tầng nếu trong khu vực chưa đầu tư xây dựng mới hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội. Việc này phù hợp với định hướng phát triển đô thị khu vực các quận nội thành hiện hữu theo điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng TPHCM đến năm 2025 đã được duyệt.

Về mô hình phát triển, đồ án quy hoạch xác định “Mô hình tập trung” của TPHCM là khu trung tâm hành chính hiện hữu (tại các quận: 1, 3  và một phần quận 4, quận Bình Thạnh) và phát triển sang Khu đô thị mới Thủ Thiêm là trung tâm dịch vụ, tài chính, nhưng tới nay mới chỉ nâng cấp, cải tạo khu vực trung tâm hiện hữu, còn đô thị mới Thủ Thiêm thì khu trung tâm dịch vụ, tài chính vẫn chưa hình thành. Còn với “Mô hình đa cực”, các trung tâm cấp TP tại 4 hướng phát triển nhằm giảm áp lực quá tải cho khu trung tâm hiện hữu thì mới hình thành trung tâm cấp TP ở phía Nam (Khu A, Khu đô thị Nam TP) còn lại ở hướng Đông, Bắc và Tây chỉ mới là ý tưởng quy hoạch được phê duyệt. Vì lý do này, hàng ngày người dân vẫn đổ dồn vào khu vực trung tâm hiện hữu, gây áp lực lên hệ thống hạ tầng, làm ùn tắc giao thông, kẹt xe, ngập nước…

Về liên kết vùng để phối hợp cùng phát triển, TPHCM được xác định là đô thị trung tâm của vùng (ngoài TPHCM còn 7 tỉnh là Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước, Tây Ninh, Long An, Tiền Giang). Để tạo mối liên kết vùng, trước mắt là phải triển khai ngay việc đầu tư xây dựng hệ thống giao thông đối ngoại của TP gồm đường Vành đai 3 và Vành đai 4. Với phương án tuyến của đường Vành đai 3 sẽ kết nối các đô thị Nhơn Trạch, Biên Hòa (tỉnh Đồng Nai); Thuận An (tỉnh Bình Dương); Bến Lức (tỉnh Long An). Với phương án tuyến của đường Vành đai 4 sẽ kết nối các đô thị Long Thành, Trảng Bom (tỉnh Đồng Nai); Tân Uyên, Bến Cát (tỉnh Bình Dương); Trảng Bàng (tỉnh Tây Ninh); Đức Hòa, Tân An, Cần Giuộc (tỉnh Long An). Với 2 tuyến vành đai này sẽ kết nối các chuỗi đô thị vệ tinh để phối hợp trong việc cơ cấu lại nguồn lực lao động phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, đô thị của từng địa phương. Nhưng đến nay Bộ Giao thông Vận tải mới kiến nghị triển khai đầu tư xây dựng tuyến đường Vành đai 3, như vậy là quá chậm cho việc đầu tư phát triển của các tỉnh, thành trong Vùng TPHCM.

Đề xuất giải pháp 

Để TPHCM phát triển văn minh, hiện đại, bền vững, hài hòa với các đô thị trong vùng, xứng tầm đô thị trung tâm; thời gian tới, TPHCM cần triển khai một số giải pháp đồng bộ để thực thi điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng TPHCM đến năm 2025 gắn với Quy hoạch xây dựng Vùng TPHCM. Cụ thể, TP cần phải huy động nguồn vốn lớn cho đầu tư xây dựng, đặc biệt là cải tạo chỉnh trang khu vực trung tâm hiện hữu, đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng xã hội và hạ tầng kỹ thuật. Vì vậy, cần phải nghiên cứu để ban hành cơ chế, chính sách khuyến khích mọi thành phần hưởng ứng huy động vốn cho đầu tư xây dựng các dự án trên. Bên cạnh đó cũng cần ban hành các quy chế, quy định nhằm đảm bảo hài hòa lợi ích của đối tượng được huy động vốn và đảm bảo thực thi đúng điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng TPHCM đến năm 2025 được duyệt. 

Cần lập các chương trình, kế hoạch phát triển ngành; đặc biệt là phát triển hệ thống hạ tầng xã hội và hạ tầng kỹ thuật triển khai mô hình “tập trung - đa cực” nhằm giảm áp lực quá tải vào khu “lõi” trung tâm hiện hữu, đồng thời  gắn kết với các đô thị trong Vùng TPHCM. Đối với các khu đô thị mới phải quản lý chặt chẽ nhằm đảm bảo chủ đầu tư phải xây dựng đồng bộ hạ tầng xã hội với hạ tầng kỹ thuật và kết nối được với mạng lưới hạ tầng chung của TP. 

Ngoài ra, để TP phát triển bền vững, có môi trường sống tốt hơn, TP cần chủ động trong việc phối hợp với 7 tỉnh trong Vùng TPHCM; đặc biệt là các tỉnh trong lưu vực sông Đồng Nai, sông Sài Gòn cùng hợp tác với chiến lược phát triển công nghiệp hợp lý, cùng các giải pháp xử lý chất thải phù hợp nhằm giảm thiểu ô nhiêm môi trường trên các sông này.

Tin cùng chuyên mục