Phải thận trọng khi cho người nước ngoài thuê mặt nước biển

Ủy ban KH-CN và MT của Quốc hội đề nghị cần có quy định về mùa cấm đánh bắt thủy sản.

Sáng 6-6, Chính phủ đã trình Quốc hội dự án Luật Thủy sản (sửa đổi) sau 13 năm thực hiện luật này. 

Chính phủ đề nghị thành lập kiểm ngư cấp tỉnh

Đáng chú ý, dự thảo luật có quy định về Quỹ Bảo vệ và Phát triển nguồn lợi thủy sản.

Theo Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường, luật hiện hành có Quỹ Tái tạo nguồn lợi thủy sản, lần sửa đổi này Chính phủ đề nghị đổi thành Quỹ Bảo vệ và Phát triển nguồn lợi thủy sản, trong đó có quy định rõ về quỹ cấp tỉnh nhằm tạo sự chủ động cho địa phương trong việc huy động, tiếp nhận các nguồn lực tài chính và thúc đẩy xã hội hóa hoạt động bảo vệ, tái tạo nguồn lợi thủy sản.

Đặc biệt, triển khai kịp thời trong xử lý các sự cố môi trường gây thiệt hại nguồn lợi thủy sản, khắc phục thiệt hại thiên tai, dịch bệnh thủy sản trên địa bàn.

Dự thảo Luật quy định cụ thể nguồn thu và các nguồn thu này không trùng với nhiệm vụ chi của ngân sách nhà nước.

Dự thảo Luật cũng quy định thay đổi thời hạn giấy phép khai thác (từ 12 tháng lên 60 tháng) nhằm giảm thủ tục hành chính cho người dân, doanh nghiệp; phù hợp với tình hình thực tiễn; phù hợp với kỳ điều tra, đánh giá nguồn lợi thủy sản (5 năm).

Luật cũng nêu rõ xã hội hóa công tác đăng kiểm tàu cá; quy định điều kiện đối với cơ sở thực hiện đăng kiểm tàu cá nhằm huy động được các nguồn lực từ xã hội, giảm tải cho cơ quan quản lý nhà nước và tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp trong quản lý an toàn tàu cá.

Đặc biệt, dự thảo Luật đã luật hóa quy định về Kiểm ngư vì hiện nay Kiểm ngư mới được quy định tại văn bản cấp Chính phủ (Nghị định số 102/2012/NĐ-CP). Theo đó, dự thảo Luật quy định về Kiểm ngư cấp tỉnh tại 28 tỉnh thành ven biển nhằm thống nhất công tác quản lý, chỉ đạo điều hành, huy động lực lượng trong công tác tham gia bảo vệ chủ quyền, tìm kiếm cứu nạn, hỗ trợ ngư dân cần phải được thực hiện đồng bộ, kịp thời và hiệu quả. Kiểm ngư trung ương hiện đang thực hiện quản lý tại vùng biển xa bờ. Do đó, Kiểm ngư tỉnh không chồng chéo về phạm vi hoạt động với Kiểm ngư trung ương.

Thận trọng với việc cho người nước ngoài thuê mặt nước biển

Thẩm tra về dự thảo Luật, Ủy ban KH-CN  và MT nhất trí với sự cần thiết sửa đổi Luật, đồng thời nhấn mạnh nguồn lợi thủy sản không phải là một nguồn tài nguyên vô tận, cần phải được bảo vệ và có chiến lược phát triển bền vững, khi mà nguồn lợi thủy sản nước ta đang có xu hướng suy giảm nghiêm trọng, nhất là ở một số vùng ven biển do tình trạng khai thác thủy sản quá giới hạn cho phép, thêm vào đó là sự suy giảm của hệ sinh thái, ô nhiễm môi trường và biến đổi khí hậu…

Về thành lập Quỹ Bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản, ý kiến thẩm tra có 3 loại: loại ý kiến thứ nhất đề nghị không thành lập Quỹ Tài chính nhà nước ngoài ngân sách mà cần có chính sách, quy định khuyến khích thành lập và phát triển quỹ cộng đồng; loại ý kiến thứ hai đề nghị thành lập quỹ trung ương và quỹ cấp tỉnh như dự thảo Luật để có hệ thống quỹ đồng bộ từ trên xuống dưới, tiếp nhận được đầy đủ và triển khai nguồn lực tài chính hỗ trợ cho phát triển nguồn lợi thủy sản; loại ý kiến thứ ba đề nghị thành lập quỹ trung ương và khuyến khích phát triển quỹ cộng đồng, không thành lập quỹ cấp tỉnh. Đa số ý kiến tại hội nghị thẩm tra dự án Luật đồng tình với loại ý kiến thứ nhất. Vì vậy Ủy ban KH-CN và MT đề nghị Quốc hội cho ý kiến về vấn đề này.

Về thẩm quyền giao, cho thuê, thu hồi đất, mặt nước biển để nuôi trồng thủy sản, Ủy ban KH-CN và MT đề nghị ban soạn thảo cân nhắc việc giao UBND cấp tỉnh có thẩm quyền giao, cho thuê mặt nước biển. Bởi vì việc đó khó khả thi đối với các dự án có quy mô đầu tư trên diện tích lớn, ảnh hưởng đến nhiều tỉnh. Mặt khác, đối với mô hình nuôi xa bờ, theo  quy định hiện hành, UBND cấp tỉnh chỉ có thẩm quyền giao, cho thuê từ vùng biển 3 hải lý trở vào. Bên cạnh đó, do đặc thù của mô hình này là xa vùng bờ nên khó kiểm soát và ảnh hưởng đến an ninh quốc phòng, cần có sự đánh giá tổng hợp của các cơ quan chuyên ngành Trung ương. Do vậy, Ủy ban đề nghị quy định thẩm quyền giao, cho thuê đối với những trường hợp này cho Chính phủ, bộ; cần quy định chi tiết trách nhiệm của Chính phủ, các bộ liên quan trước khi giao, cho thuê mặt nước.

Ủy ban KH-CN và MT thấy rằng, việc thu hút vốn đầu tư của nước ngoài vào Việt Nam là một chủ trương đúng đắn để phát triển đất nước. Tuy nhiên, việc quy định cho cá nhân, tổ chức nước ngoài thuê mặt nước biển để nuôi trồng thủy sản là phương thức mới, diện tích vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam rộng lớn với gần 1 triệu km2, tiếp giáp với nhiều quốc gia, do vậy cần cân nhắc kỹ lưỡng một số vấn đề về quốc phòng - an ninh để bảo đảm hài hòa lợi ích phát triển kinh tế và an ninh quốc gia.
Đối với quyền của tổ chức, cá nhân được giao, cho thuê mặt nước biển để nuôi trồng thủy sản, Ủy ban KH-CN và MT đề nghị Ban Soạn thảo xem xét, quy định chặt chẽ hơn đối với trường hợp tổ chức, cá nhân Việt Nam chuyển nhượng, cho thuê lại với tổ chức, cá nhân nước ngoài để tránh tiềm ẩn các nguy cơ ảnh hưởng đến quốc phòng, an ninh.

Về lực lượng kiểm ngư, vẫn còn 3 loại ý kiến khác nhau:  đề nghị tiếp tục duy trì lực lượng Kiểm ngư trung ương (có các chi cục tại các vùng - gọi tắt là Kiểm ngư vùng) như hiện nay, không thành lập thêm hệ thống Kiểm ngư cấp tỉnh; đề nghị bên cạnh lực lượng Kiểm ngư trung ương cần thành lập thêm hệ thống Kiểm ngư tại 28 tỉnh ven biển như dự thảo Luật; đề nghị bên cạnh lực lượng Kiểm ngư trung ương, tùy vào tính chất đặc thù của từng địa phương mà thành lập thêm Kiểm ngư cấp tỉnh trên cơ sở cơ cấu lại lực lượng thanh tra chuyên ngành về thủy sản tại địa phương. Vì vậy, Ủy ban KH-CN và MT đề nghị Quốc hội cho ý kiến về vấn đề này.

Đáng chú ý, Ủy ban đề nghị bổ sung các hành vi bị cấm như lợi dụng việc điều tra cơ bản, nghiên cứu khoa học, sử dụng nguồn lợi thủy sản làm ảnh hưởng đến an ninh quốc phòng, lợi ích quốc gia, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân khác. Đặc biệt là cần có quy định về mùa cấm đánh bắt thủy sản.
Chiều 6-6, Quốc hội nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm tra dự án Luật Bảo vệ và Phát triển rừng (sửa đổi). Tại Tờ trình, Chính phủ đề nghị Quốc hội xem xét đổi tên Dự án Luật thành “Luật Lâm nghiệp” và đa số ý kiến trong cơ quan thẩm tra cũng đồng tình với đề nghị này.

Điều hành phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ đã nhắc đến vụ cháy rừng phòng hộ rất lớn vừa xảy ra tại Sóc Sơn, gây thiệt hại tới 50ha rừng và bày tỏ hy vọng việc xây dựng, thông qua Luật này sẽ góp phần ngăn chặn tình trạng mất rừng, bảo vệ, giữ gìn tốt hơn lá phổi xanh của đất nước.

Thẩm tra dự án Luật Bảo vệ và Phát triển rừng (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Phan Xuân Dũng nhận định, dự thảo Luật đã phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng (BV&PTR), chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu (BĐKH), tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường (BVMT)...

Tuy nhiên, ông Phan Xuân Dũng lưu ý, một số nội dung còn chưa thực sự thống nhất với quy định của pháp luật liên quan về Luật Đất đai, Luật Đa dạng sinh học, Luật Đầu tư.

Người đứng đầu Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường cũng cho biết, về phạm vi điều chỉnh của Luật, dự thảo Luật cơ bản đã xác định rõ ranh giới giữa Luật này với các luật khác; mở rộng phạm vi điều chỉnh đến các hoạt động “kinh doanh, chế biến và thương mại lâm sản”.

Tuy nhiên, nội dung “kinh doanh” lâm sản chưa được thể hiện rõ, còn “chế biến, thương mại” lâm sản tuy được quy định trong một chương (Chương VIII, gồm 4 điều) nhưng còn chung chung. Cơ quan thẩm tra đề nghị thể hiện về phạm vi điều chỉnh phù hợp hơn, đặc biệt, cần nghiên cứu bổ sung những quy định cụ thể nhằm thể chế hóa chủ trương của Đảng trong việc dừng khai thác gỗ rừng tự nhiên trên phạm vi cả nước gắn với BV&PTR bền vững, hiệu quả, bảo đảm sinh kế cho đồng bào dân tộc.

Đặc biệt, tiếp thu ý kiến ĐBQH về chuyển mục đích sử dụng rừng và thẩm quyền quyết định chuyển mục đích sử dụng rừng, cơ quan thẩm tra đã đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu tiếp thu để cụ thể hơn về tiêu chí, điều kiện, trình tự thủ tục, thẩm quyền chuyển mục đích sử dụng rừng; cụ thể hóa chủ trương của Đảng trong việc “Không chuyển diện tích rừng tự nhiên hiện có sang mục đích sử dụng khác (trừ các dự án phục vụ cho mục đích quốc phòng, an ninh, hoặc các dự án đặc biệt, cấp thiết do Chính phủ quyết định)” . 

Tin cùng chuyên mục