Phải tước bằng lái vĩnh viễn nếu uống rượu bia lái xe gây tai nạn

Liên quan đến dự thảo Luật Phòng chống tác hại của rượu, bia được các đại biểu “mổ xẻ” ngày 23-5 trước khi thông qua kỳ này, tại hành lang Quốc hội, PV Báo SGGP có cuộc trao đổi thêm với ĐB Nguyễn Sỹ Cương (Ninh Thuận) - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội.

* Phóng viên: Ông có ủng hộ việc CSGT lập các chốt gần khu vực các quán bia, nhà hàng để kiểm tra nồng độ cồn và các vi phạm giao thông như thời gian gần đây?

 * Ông NGUYỄN SỸ CƯƠNG: Về việc CSGT lập các chốt để kiểm tra tình trạng vi phạm trong điều khiển phương tiện, nhất là đo nồng độ cồn đối với những người đã uống rượu, bia nhưng vẫn cố tình lái xe, tôi nghĩ đó chỉ là giải pháp tạm thời, còn về cơ bản vẫn phải tìm các giải pháp hữu hiệu để thay đổi được ý thức của người tham gia giao thông, người uống bia, rượu. Vì nếu chỉ ra quân theo kiểu phong trào, sau đó lại buông lỏng thì sẽ không có tác dụng răn đe, ngăn chặn. Theo tôi, mức xử phạt phải thật cao thì mới ngăn chặn triệt để được vấn nạn này.

* Theo ông, nếu phát hiện tình trạng say rượu, bia mà vẫn lái ô tô, xe máy thì nên phạt bao nhiêu tiền mới khiến người ta sợ, có người đề nghị phạt 50-100 triệu đồng, hoặc có nên tước bằng lái có được không?

Mức xử phạt bao nhiêu thì lại cần phải căn cứ vào Luật Xử lý vi phạm hành chính, mà trong lĩnh vực giao thông thì hiện nay quy định mức phạt cao nhất là 40-75 triệu đồng và có thể căn cứ vào mức này. Tuy nhiên, đối với những trường hợp uống rượu, bia mà lái xe, gây tai nạn giao thông, gây chết người thì theo tôi, cần phải tước giấy phép lái xe vĩnh viễn, không cho lái xe nữa.

Ông nhìn nhận như thế nào về tình trạng gần đây liên tục diễn ra các vụ uống rượu, bia say rồi nhảy lên ô tô, xe máy và gây tai nạn rất thương tâm, đau xót… Phải chăng là luật không nghiêm?

Tình trạng đã ở mức đáng báo động, cứ uống rượu, bia xong là nhảy lên xe lái. Việc xử phạt, không phải là luật không nghiêm, thiếu chế tài mà cái chính là do ý thức của người tham gia, điều khiển giao thông còn quá kém. Lâu nay, câu cửa miệng của nhiều người, kể cả trên các phương tiện truyền thông là “chế tài không đủ sức răn đe”.

Nhưng theo tôi, mức phạt hiện nay là rất cao rồi, chưa kể quy định nếu ở khu vực đô thị, mức xử phạt có thể nâng lên gấp đôi so với ở vùng nông thôn. Nhưng điều quan trọng là nếu ý thức không thay đổi thì sẽ không bao giờ thay đổi được. Bây giờ giả sử cứ giảm 50%-70% sản lượng rượu, bia sản xuất ra đi chăng nữa mà ý thức không thay đổi thì tai nạn, người chết vẫn còn rất nhiều.

Tin cùng chuyên mục