Phân biệt chủng tộc ám ảnh nước Mỹ

Sau cuộc nội chiến từ năm 1861 - 1865, nước Mỹ đã xóa bỏ được chế độ nô lệ nhưng cuộc chiến chống lại tàn dư của chế độ này, lớn nhất là tình trạng phân biệt chúng tộc, vẫn tiếp diễn đến ngày nay. Vụ bạo động của các nhóm da trắng cực hữu tại bang Virginia là minh chứng cụ thể.
Gia tăng nhiều nhóm cực hữu 
Cuộc nội chiến ở Mỹ xảy ra từ năm 1861 - 1865 giữa Chính phủ Liên bang và các tiểu bang phía Nam vào giữa thế kỷ 19. Sau khi Abraham Lincoln đắc cử trong cuộc bầu cử Tổng thống Hoa Kỳ năm 1860, 11 tiểu bang theo chế độ nô lệ ở miền Nam Hoa Kỳ đã tuyên bố ly khai khỏi Hợp chủng quốc Hoa Kỳ và lập ra Liên minh miền Nam (Confederate States of America); 25 tiểu bang còn lại ủng hộ chính phủ gọi là Liên bang miền Bắc (Union).
Cuộc nội chiến chấm dứt khi quân miền Nam đầu hàng năm 1865 và chế độ nô lệ bị đặt ra ngoài vòng pháp luật trên toàn lãnh thổ Mỹ. Một trong những vấn đề lớn tồn tại cho đến ngày nay là các tượng đài của các tướng lĩnh Liên minh miền Nam. 
Phân biệt chủng tộc ám ảnh nước Mỹ ảnh 1 Bạo động của những nhóm phân biệt chủng tộc và chống phân biệt chủng tộc ở Charlottesville, bang Virginia
Vụ bạo động vào ngày 11-8 diễn ra tại thành phố Charlottesville, Virginia là do quyết định của hội đồng thành phố này di dời tượng Robert E. Lee, một trong những tướng thuộc Liên minh miền Nam trong cuộc nội chiến. Việc di dời bức tượng này đã bị các nhóm sắc tộc cực đoan da trắng phản đối dẫn đến bạo động với những người ủng hộ di dời và kết quả là 1 người chết.
Theo BBC, các nhóm cực đoan, kể cả các nhóm phân biệt chủng tộc như nhóm KKK gia tăng trong những năm gần đây tại Mỹ. Từ năm 2014 đến nay, số lượng các nhóm này tăng 17%.
Đặc biệt, số lượng các nhóm này tăng mạnh sau chiến dịch tranh cử tổng thống của ông Donald Trump, được cho là có nhiều tư tưởng cực đoan. Tổng cộng các nhóm này hiện nay, theo nhóm bảo vệ nhân quyền Southern Poverty Law Center là 1.600 nhóm, gấp đôi so với năm 1999.
Vụ bạo động tại Charlottesville cho thấy, vấn đề biểu tượng cũng trở nên rất quan trọng nếu đặt vào bối cảnh lịch sử phân biệt chủng tộc.
Các nhóm cực hữu da trắng ở Charlottesville còn sử dụng cờ của Liên minh miền Nam, được coi là biểu tượng của chủ nghĩa phân biệt chủng tộc ở Mỹ, trong khi những người khác lại giơ tay chào kiểu phát xít. 
Tuy nhiên, sau vụ bạo động tại Charlottesville, các nhà lãnh đạo bang và thành phố trên khắp các bang miền Nam nước Mỹ tuyên bố rằng, họ sẽ tăng cường nỗ lực loại bỏ những di tích liên quan đến những người ủng hộ chế độ nô lệ khỏi các không gian công cộng.
Thống đốc bang Maryland kêu gọi di dời bức tượng của Chánh án Tòa án tối cao Mỹ Roger B Taney (1777 - 1864), người đã ra quyết định mang tên Dred Scott vào năm 1857 khẳng định chế độ nô lệ và phủ nhận quốc tịch cho người Mỹ gốc Phi.
Thị trưởng Baltimore và Lexington, bang Kentucky, cho biết họ cũng sẽ thúc đẩy kế hoạch loại bỏ bức tượng của Roger B Taney ở bang Kentucky. Trong khi các quan chức ở Dallas (bang Texas), Memphis (Tennessee) và Jacksonville (Florida) công bố các sáng kiến nhằm mục đích hạ bệ các đài tưởng niệm của phe Liên minh miền Nam.
Tính từ năm 2015 đến tháng 4-2017, ít nhất 60 biểu tượng của phe Liên minh miền Nam đã bị xóa bỏ hoặc đổi tên. Nhưng những nỗ lực như vậy cũng đã làm trỗi dậy các nhóm người cực đoan da trắng.
Những người phản đối các đài tưởng niệm phe Liên minh miền Nam, xem chúng là đại diện cho sự phân biệt chủng tộc trong khi những người ủng hộ lập luận rằng, họ đại diện cho một phần quan trọng của lịch sử.
Các nhóm cực đoan lớn
Nhóm Cực hữu: gồm các nhóm bài Do Thái, chống lại đạo luật Hồi giáo, chống người nhập cư… Các nhóm này ủng hộ Tổng thống Trump.
Những lý tưởng của phong trào tập trung vào màu trắng và sự bảo tồn “Nền văn minh phương Tây”; Nhóm Ku Klux Klan (KKK): Nhóm nổi dậy khét tiếng nhất của Mỹ. Ban đầu được hình thành từ các quan chức cũ của Liên minh miền Nam sau cuộc nội chiến Mỹ năm 1865 và lan rộng trên toàn quốc vào những năm 1900.
Nhóm phân biệt đối xử với người Mỹ da đen, người Do Thái và người nhập cư và gần đây là người đồng tính. KKK đang hoạt động ở hầu hết các bang của Mỹ và ước tính có từ 5.000 - 8.000 thành viên; các nhóm phát xít mới: Quan điểm của các nhóm neo - Nazi ở Mỹ được tòa án và Tu chính án thứ nhất của Mỹ bảo vệ.
Họ ủng hộ chế độ phát xít kiểu Hitler. Ngoài ra còn các nhóm lớn khác như Phong trào xã hội quốc gia (thành lập năm 1994); Hội đồng công dân bảo thủ (năm 1985, nổi lên từ phong trào ủng hộ ở các bang phía Nam); đảng Tự do Mỹ (năm 2009, có nguồn gốc ở California. Có chương trình nghị sự phân biệt chủng tộc và chống lại di dân).
Thế giới lên án
Phát biểu về vụ bạo loạn ở Virginia, lẽ ra phải lên án những kẻ phân biệt chủng tộc đã gây bạo động và gây ra cái chết của một phụ nữ, Tổng thống Trump lại lên án các bên.
Kết quả, ông Donald Trump đã giải tán Hội đồng các nhà sản xuất Mỹ và Diễn đàn chiến lược và chính sách sau khi một số giám đốc điều hành của 2 hội đồng này phản đối những lời nhận xét của ông Trump.
Theo Reuters, Tổng thống Trump giải tán sau khi 8 giám đốc điều hành, trong đó có Giám đốc điều hành Campbell Soup Co., ông Dennis Morrison và Giám đốc điều hành Công ty 3M, ông Inge Thulin rời khỏi 2 hội đồng.
Diễn đàn chiến lược và chính sách do Giám đốc điều hành Stephen Schwarzman của Tập đoàn Blackstone đứng đầu. Ông là một đồng minh thân cận của Tổng thống Trump trong giới kinh doanh. 
Không chỉ bị các đối tác thân cận quay lưng, các nhà lãnh đạo Israel, Đức, Anh và nhiều nơi khác cũng đã lên án lời phát biểu đổ lỗi cho cả hai phía của Tổng thống Donald Trump về cuộc bạo động do các nhóm cực đoan da trắng gây ra ở Charlottesville, Virginia.
Bộ trưởng Tư pháp Đức Heiko Maas đã trực tiếp chỉ trích ông Trump khi nói rằng: “Thật không thể chịu nổi với phát biểu của Tổng thống Trump”. Theo ông, không ai nên tầm thường hóa chủ nghĩa bài Do Thái và chủ nghĩa phân biệt chủng tộc của những người theo chủ nghĩa phát xít mới.
Ông kêu gọi “Tất cả các nhà dân chủ nên cùng nhau có một lập trường rõ ràng chống lại cực hữu”. Ông Martin Schulz, lãnh đạo đảng Dân chủ Xã hội Đức, đã viết: “Chúng ta phải lên án các nhóm phát xít mới một cách dứt khoát”.
Tổng Thư ký Liên hiệp quốc Antonio Guterres ghi trên Tweeter: “Chủ nghĩa phân biệt chủng tộc, bài ngoại, chủ nghĩa bài Do Thái và chủ nghĩa Hồi giáo đang gây ngộ độc cho các xã hội của chúng ta, chúng ta phải đứng lên chống lại chúng”.
Thủ tướng Anh Theresa May không ủng hộ phát biểu của Tổng thống Mỹ Donald Trump khi cho rằng: “Tôi không đánh đồng giữa những người ủng hộ chủ nghĩa phát xít và những người phản đối”.
Bộ trưởng Ngoại giao Ireland Simon Coveney cho biết, đất nước ông “lên án hoàn toàn quan điểm của những người theo chủ nghĩa dân tộc da trắng và mọi loại hình phân biệt chủng tộc mà chúng ta thấy ở Mỹ trong những ngày gần đây”. 
Các vụ bạo động có màu sắc phân biệt chủng tộc gần đây ở Mỹ
*14-8-2014:  Michael Brown, 18 tuổi, người Mỹ gốc Phi không có vũ khí bị bắn chết ở Ferguson, bang Missouri dẫn đến hàng loạt cuộc biểu tình lớn chống phân biệt chủng tộc.
*26-6-2015: 9 người Mỹ gốc Phi ở nhà thờ Emanuel African Methodist Episcopal ở Charleston, bang South Carolina bị Dylann Roof, kẻ cực đoan da trắng sát hại.
*7-7-2016: Alton Sterling, một người da đen bị cảnh sát da trắng đè xuống đất, sau đó bắn nhiều phát ở cự ly gần tại Baton Rouge, Los Angeles. Philando Castile, một người da đen bị một sĩ quan cảnh sát gốc Mỹ Latinh lôi ra khỏi xe bắn chết ở ngoại ô thành phố St.Paul, bang Minnesota.
*12-7-2016: 5 nhân viên cảnh sát da trắng Dallas, bang Texas bị một người da màu mang tên Micah Xavier Johnson sát hại. 

Tin cùng chuyên mục