Phản hồi loạt bài “An cư bất chấp rủi ro?”: Dùng cơ sở khoa học để giải quyết vấn đề

Phản hồi loạt bài “An cư bất chấp rủi ro?”: Dùng cơ sở khoa học để giải quyết vấn đề

Sau khi Báo Sài Gòn Giải Phóng đăng loạt bài phản ánh tình trạng xây dựng trái phép, hiểu sai về quy định tách thửa để kinh doanh nhà ở bất hợp pháp ở nhiều quận, huyện ven TPHCM, GS-TS Nguyễn Trọng Hòa (ảnh), nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM - một trong những chuyên gia đầu ngành về quản lý đô thị, đã tham gia hiến kế giúp thành phố giải quyết bất cập nêu trên.

GS-TS Nguyễn Trọng Hòa nhấn mạnh: Cùng là hành vi xây dựng nhà trái phép, sai phép, vận dụng không đúng các quy định của pháp luật để kinh doanh nhà ở bất hợp pháp nhưng nếu xảy ra ở khu vực trung tâm thành phố như quận 1, quận 3… thì thành phố phải xử lý nghiêm. Tuy nhiên, nếu hành vi này xảy ra ở khu vực ngoại thành và đối tượng xây nhà sai phép, trái phép là người nghèo, không có sự lựa chọn nào khác để tạo lập ngôi nhà cho mình thì TPHCM nên xem xét cẩn trọng trước khi ban hành các quyết định xử lý. Tôi không có ý cho rằng pháp luật phải thiên vị ai nhưng có một sự thật là thời gian qua, TPHCM chưa có nhiều dự án nhà ở phục vụ cho người nghèo. TPHCM phát triển nhiều khu công nghiệp, khu chế xuất thu hút công nhân lao động từ nhiều địa phương khác tới làm việc. Những người nhập cư này đã đóng góp khoảng 30% GDP cho thành phố và họ xứng đáng được thành phố quan tâm. Bộ Xây dựng và Chính phủ cũng có một phần trách nhiệm trong bất cập này. Mãi đến năm 2010, Bộ Xây dựng mới đưa ra những quy định về nhà ở cho công nhân trong các khu công nghiệp, khu chế xuất. Sự chậm trễ này đã làm cho nhiều địa phương và doanh nghiệp lúng túng. Nhiều doanh nghiệp đầu tư trong khu chế xuất, khu công nghiệp muốn xin đất xây nhà cho công nhân thì bị cho rằng kinh doanh sai chức năng, muốn lợi dụng việc xây dựng nhà cho công nhân để kinh doanh bất động sản. Hành vi xây nhà sai phép, trái phép… của người dân phải được đặt trong bối cảnh ấy để xem xét một cách thấu tình, đạt lý, nhằm vừa giữ sự tôn nghiêm của pháp luật vừa đưa ra được những quyết sách gần dân, hiểu dân.

Phóng viên: Phải vận dụng luật để “hóa giải” hành vi vi phạm pháp luật, liệu có quá rủi ro cho ngành chức năng khi mà một trong những nguyên tắc cơ bản của công chức là chấp hành nghiêm luật pháp?

GS-TS NGUYỄN TRỌNG HÒA: Người dân xây dựng sai phép, chính quyền buộc phải tháo dỡ, đó là cách giải quyết… dễ nhất. Thế nhưng, thực tế đã chứng minh, đây là cách làm không căn cơ, không xử lý được tận gốc vấn đề xây dựng sai phép, không phép… Chính quyền nên tổ chức đối thoại với người dân - chủ của những ngôi nhà sai phép, trái phép. Lắng nghe ý kiến của người dân, thậm chí, chính quyền có thể đề nghị người dân chủ động nêu ra giải pháp xử lý vấn đề. Trên cơ sở những ý kiến ấy, chính quyền nên lắng nghe thêm ý kiến của các chuyên gia. Vừa lắng nghe dân, vừa vận dụng cơ sở khoa học để giải quyết vấn đề, sẽ tìm ra cách giải quyết “thấu tình, đạt lý”. Một khi TPHCM đã thống nhất cách giải quyết như vậy thì có thể làm văn bản báo cáo và xin phép Chính phủ nếu thấy cần thiết. Một quy trình giải quyết vấn đề chặt chẽ, minh bạch, công khai sẽ không có rủi ro về mặt luật pháp.

Một căn nhà xây không phép tại xã Vĩnh Lộc B, huyện Bình Chánh. Ảnh: Thành Trí

- Thưa ông, với tư cách là một trong những chuyên gia hàng đầu về phát triển đô thị, ông có giải pháp gì để giải quyết vấn đề xây dựng sai phép, không phép mà Báo SGGP đã nêu?

Phải căn cứ vào các đồ án quy hoạch để có hướng xử lý đối với các khu dân cư xây dựng sai phép, không phép. Nếu phù hợp quy hoạch và người dân cam kết đóng góp kinh phí để thực hiện kết nối hạ tầng kỹ thuật thì thành phố có thể xem xét cho tồn tại. Những cán bộ để xảy ra hiện tượng xây dựng nhà sai phép, không phép phải được xử lý nghiêm. Song song với các biện pháp xử lý hành vi xây nhà sai phép, trái phép, TPHCM phải đặc biệt quan tâm giải quyết nhu cầu nhà ở của người thu nhập thấp. Đẩy mạnh hơn nữa việc cải cách thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian thực hiện các thủ tục này để các dự án phát triển bất động sản sớm được triển khai, có cơ hội tiết kiệm chi phí xây dựng để có giá thành rẻ. Đối với những khu vực chưa thể kêu gọi đầu tư, TPHCM có thể cho phép người dân thực hiện quy hoạch ở mức độ đơn giản nhất. Trước hết, chỉ cần đảm bảo có hệ thống hạ tầng kỹ thuật cơ bản như đường, hệ thống cống thoát nước, ống cấp nước, điện… Đây gọi là thực hiện quy hoạch theo phương thức “cắt lớp”. Cán bộ địa chính ở địa phương cũng phải được nâng chất để đủ năng lực hướng dẫn người dân xây dựng nhà đúng pháp luật, không tạo kẽ hở cho người khác lợi dụng thu lợi bất chính.

Xin cảm ơn ông! 

NGUYỄN KHOA - LƯƠNG THIỆN

>> An cư bất chấp rủi ro: Nhà ba không

>> An cư bất chấp rủi ro: Đập thì đập, xây cứ xây

>> Bài 2: Ồ ạt phân lô bán nền

>> Bài 1: Những khu dân cư giữa đồng ruộng

Tin cùng chuyên mục