Phản hồi “Ngành công nghiệp sản xuất game - cơ hội mới và bài học cũ”: Thêm một giải pháp quản lý gây kìm hãm ngành game

Trong hai ngày 3 và 4-10, Báo SGGP đăng loạt bài “Ngành công nghiệp sản xuất game - cơ hội mới và bài học cũ”. Ngay sau khi loạt bài được đăng, Báo SGGP đã nhận được nhiều ý kiến tâm huyết của các cấp quản lý, chuyên gia kinh tế, doanh nghiệp (DN) trong ngành CNTT. Báo SGGP xin trích đăng những ý kiến trên.

Ông Hà Thân, Phó Chủ tịch Hội Tin học TPHCM: Chính sách chưa đi vào thực tiễn

Đối với công nghiệp nội dung số, Chính phủ đã có nhiều chính sách hỗ trợ phát triển. Nghị định 71/2007/NĐ-CP ngày 3-5-2007 hướng dẫn Luật Công nghệ thông tin, Quyết định số 56/2007/QĐ-TTg ngày 3-5-2007 phê duyệt chương trình phát triển công nghiệp nội dung số Việt Nam, hay mới đây là Nghị định 72 về Internet... Tuy nhiên, tôi nhận thấy những hỗ trợ đó chưa đi vào thực tiễn của DN. Tại Việt Nam, DN vừa sản xuất nội dung, vừa cung cấp dịch vụ là mô hình rất phổ biến. Bởi vậy, chỉ riêng việc xác định đối tượng được ưu đãi này đôi khi cũng còn nhùng nhằng. Còn khi đã sản xuất và kinh doanh phần mềm được rồi, thì các nhà mạng ở ta vẫn thu của các DN nội dung số cao ngất ngưởng đến 70%, vậy còn gì để phát triển.

Nhìn lại các nước và vùng lãnh thổ phát triển ngay ở châu Á như Trung Quốc, Nhật, Đài Loan, Hàn Quốc, Singapore... chẳng nước nào chỉ có (chính sách) phát triển công nghiệp phần mềm và nội dung số vì khác nào người què một chân.

Ông Hoàng Nhật Minh, Phó Trưởng văn phòng VTC Game tại TPHCM: Chậm chân so với thế giới

Sự phát triển thần tốc của ngành công nghiệp game Hàn Quốc, Trung Quốc… có sự hỗ trợ rất lớn từ phía Chính phủ. Câu chuyện này cũng được nhắc đến nhiều tại Việt Nam, nhưng dường như đang có tác dụng ngược. Mới đây, Bộ Tài chính vừa có văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ liên quan đến dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB).

Trong đó, một việc đáng lưu tâm là cho bổ sung game online vào diện chịu thuế TTĐB (trừ game online có tính chất học tập đã được Bộ Giáo dục - Đào tạo có ý kiến) với mức thuế suất áp dụng là 10%. Đây thực sự là một giải pháp quản lý gây kìm hãm ngành game trong nước phát triển. Với đề xuất mới bổ sung game online vào diện chịu thuế TTĐB, tôi e rằng ngành công nghiệp game trong nước càng thêm chậm chân so với thế giới.

PGS-TS Nguyễn Ngọc Điện, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế-Luật TPHCM: Thiết lập hàng rào kỹ thuật để bảo vệ sản phẩm nội địa

Để cạnh tranh, không ít DN cố tình lách luật, thậm chí kinh doanh gian dối để chiếm thị trường gây ảnh hưởng không nhỏ đến người tiêu dùng và những DN kinh doanh lành mạnh, như ngành thép chẳng hạn. Mới đây, Bộ Công thương đã ban hành Thông tư số 44/2013/TTLT-BCT-BKHCN nhằm ngăn chặn các sản phẩm giá rẻ kém chất lượng tràn lan trên thị trường và tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh hơn cho DN trong nước. Việc thiết lập hàng rào kỹ thuật trong thương mại theo tôi là rất cần thiết. Tất nhiên bây giờ chúng ta không thể tham vọng bảo hộ cho tất cả các sản phẩm trong nước. Nhưng những gì Việt Nam có thể làm được, sản xuất được mang lại lợi nhuận thì ta phải chú ý để bảo vệ.

Chính hàng rào kỹ thuật trong thương mại không những bảo vệ người tiêu dùng và còn là chính sách để bảo vệ các DN trong nước. Tuy nhiên nếu chúng ta bảo hộ mà không có lộ trình, DN nội dễ mang tính ỷ lại, dựa hơi chính sách rồi từ đó thụt lùi. Bởi thế, DN ngành CNTT hay bất cứ ngành nào khác cũng phải rất nỗ lực để cạnh tranh sòng phẳng với DN nước ngoài.

TƯỜNG HÂN ghi

Tin cùng chuyên mục