Phấn khởi và tin tưởng

Phấn khởi, tin tưởng, hiến kế, quyết tâm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII…, đó là những suy nghĩ của các đại biểu tham dự Đại hội mà phóng viên Báo SGGP ghi nhận được ngay sau khi Đại hội bế mạc.
Phấn khởi và tin tưởng

Phấn khởi, tin tưởng, hiến kế, quyết tâm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII…, đó là những suy nghĩ của các đại biểu tham dự Đại hội mà phóng viên Báo SGGP ghi nhận được ngay sau khi Đại hội bế mạc.

Đồng chí TRỊNH VĂN CHIẾN, Ủy viên Trung ương Đảng khóa XII, Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa: Tin tưởng vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII

Công tác nhân sự cho Đại hội Đảng XII đã được chuẩn bị kỹ càng, đáp ứng các tiêu chuẩn, đảm bảo cho việc lựa chọn được Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII đủ tài, đủ đức để lãnh đạo. Cũng từ sự chuẩn bị nhân sự chu đáo, dân chủ, khách quan mà các ứng cử viên đa phần đều nhận được sự tín nhiệm cao của đại biểu. Người có tỷ lệ phiếu thấp nhất trong số 200 Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương khóa mới cũng là hơn 60%. Điều này cho thấy sự tập trung tín nhiệm rất cao của đại biểu đại hội với các đồng chí trúng cử.

Tôi kỳ vọng, hy vọng và tin tưởng Ban Chấp hành Trung ương mới sẽ lãnh đạo Đảng ta vượt qua những khó khăn thách thức, tiếp tục giữ vững ổn định chính trị, toàn vẹn lãnh thổ. Từ đó, tiếp tục đẩy mạnh công cuộc đổi mới với những quyết tâm mới, năng động, sáng tạo đưa đất nước tiếp tục có bước phát triển mới trong thời gian tới.

Đồng chí LÊ HỒNG QUANG, Ủy viên Trung ương Đảng khóa XII, Phó Bí thư Tỉnh ủy Tiền Giang: Đưa nhanh Nghị quyết Đại hội XII của Đảng vào cuộc sống

Ngay sau Đại hội XII của Đảng, các cấp ủy Đảng cần tổ chức quán triệt, phổ biến nhanh nghị quyết đại hội đến các tổ chức Đảng và trong hệ thống chính trị, bộ máy chính quyền các cấp. Qua đó, tạo nên một không khí sinh hoạt chính trị sôi nổi trong toàn Đảng và trong các tầng lớp nhân dân, hiểu và nâng cao ý thức trách nhiệm đóng góp một cách thiết thực nhất vào thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp mà Nghị quyết Đại hội đề ra. Từng cấp ủy Đảng sẽ có kế hoạch triển khai từng nhiệm vụ, mục tiêu, gắn với đặc thù của địa phương, đơn vị mình, chọn những khâu đột phá, những giải pháp giải quyết nhanh vấn đề phức tạp, gai góc trong phát triển kinh tế, xã hội và trong củng cố, nâng cao chất lượng công tác lãnh đạo, điều hành để sớm tạo ra sự chuyển biến nhanh, kịp thời trên tất cả các mặt.

Về trách nhiệm của cấp ủy Đảng tại mỗi địa phương, ngay trong đầu quý 1-2016, Tỉnh ủy Tiền Giang sẽ đề ra chương trình kế hoạch thật cụ thể gắn với Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh để đẩy nhanh phát triển kinh tế, xã hội. Đây là nhiệm vụ, mục tiêu quan trọng nhất mà tỉnh xác định, vì chỉ có phát triển kinh tế, nâng cao mức sống của người dân mới có thể thực hiện một cách hiệu quả nhất các mục tiêu, nhiệm vụ mà Nghị quyết Đại hội XII của Đảng đề ra. Với niềm tin tưởng và kỳ vọng to lớn vào thành công của Đại hội XII của Đảng, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Tiền Giang thể hiện quyết tâm chính trị cao nhất, dành được những thành tựu phát triển ngay trong năm đầu thực hiện Nghị quyết XII của Đảng.

Đồng chí NGUYỄN VĂN HIẾU, Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII, Bí thư Quận ủy quận 2, TPHCM: Đào tạo, quy hoạch cán bộ cho yêu cầu phát triển

Nghị quyết Đại hội XII đã đặc biệt chú trọng đến công tác đào tạo, quy hoạch và tuyển chọn đội ngũ cán bộ cho yêu cầu phát triển của Đảng và đất nước ta. Như Bác Hồ đã nói: “Cán bộ là gốc của mọi công việc”. Chính vì vậy, khi triển khai Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, theo tôi các cấp ủy Đảng cần khẩn trương triển khai ngay chiến lược về quy hoạch, đào tạo cán bộ cho yêu cầu bố trí, sử dụng vào các vị trí phù hợp với từng nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế, xã hội mà nghị quyết đề ra. Đồng thời đề ra những cơ chế, chính sách cụ thể khuyến thích, thu hút những người có trình độ chuyên môn cao vào bộ máy chính quyền, để qua đó bồi dưỡng, tạo điều kiện để họ phát huy tài năng và trở thành những cán bộ giỏi cho Đảng bố trí vào các vị trí trong bộ máy chính quyền, hệ thống chính trị, nhất là ở cơ sở đang rất thiếu và yếu hiện nay.

Trong công tác quy hoạch và bố trí cán bộ, chúng ta tiếp tục thực hiện linh hoạt theo phương châm “động” và “mở”. Bên cạnh những tiêu chuẩn, thử thách về năng lực chuyên môn, năng lực lãnh đạo, quản lý trong thực tiễn công việc, thì cần phải có hệ thống tiêu chí đánh giá cán bộ mang tính khoa học; đồng thời, đánh giá cho được chính xác bản lĩnh chính trị, sự trung thành, trung thực của cán bộ đối với tổ chức, kết hợp với sự kiểm tra, giám sát trong suốt quá trình thực hiện công tác cán bộ. Cần nghiên cứu phương thức đào tạo cán bộ hợp lý, tránh tình trạng bổ nhiệm xong lại đưa đi đào tạo tập trung dài hạn. Việc bồi dưỡng, cập nhật kiến thức là cần thiết, là việc làm thường xuyên, tuy nhiên đây là bồi dưỡng ngắn hạn và phải gắn chặt với thực tiễn công tác. Quan trọng nhất là khơi gợi, động viên, phát huy tinh thần tự học, tự đào tạo của cán bộ, kèm theo đó là việc tạo ra những áp lực cần thiết về công việc, vị trí.

HOÀI NAM - NGỌC QUANG (thực hiện)

Tin cùng chuyên mục