Phân loại rác tại nguồn, thiếu đồng bộ nên chất lượng kém

Tại buổi làm việc giữa Sở Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) TPHCM với các công ty công ích quận huyện về công tác thu gom và xử lý rác thải đã phân loại tại nguồn trên địa bàn thành phố, nhiều đơn vị cho biết đang rất lúng túng khi triển khai hoạt động này.
Phân loại rác tại nguồn, thiếu đồng bộ nên chất lượng kém

Theo đại diện UBND quận 8, việc thực hiện phân loại rác tại nguồn hiện rất bất cập, khả thi không cao. Cụ thể, về chi phí chi trả cho hoạt động thu gom rác thải theo phân loại chưa được tính đúng, tính đủ. Do đó, các công ty công ích chưa thể bố trí công nhân cũng như phương tiện đủ để đảm bảo thực hiện thu gom theo phân loại. Chưa kể, hiện lực lượng thu gom rác dân lập đảm trách 60% lượng rác thu gom từ các hộ gia đình nhưng lại chưa đưa được vào quản lý.

Dẫn đến, không thể phối hợp thực hiện đồng bộ hoạt động thu gom rác theo phân loại cùng với lực lượng thu gom rác chính quy. Ở góc độ người dân, việc vận động thực hiện phân loại rác tại nguồn theo hình thức “đánh trống, bỏ dùi” và thiếu đồng nhất với công tác thu gom rác theo phân loại, đã tạo phản cảm, dẫn đến sự bất hợp tác của một bộ phận người dân trên địa bàn.

Ông Huỳnh Minh Nhựt, Giám đốc Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị TPHCM, cho rằng để có thể triển khai được, cần phải đồng nhất, đồng bộ đơn vị quản lý từ khâu thu gom, vận chuyển và xử lý. Mặt khác, trước khi tuyên truyền, cần phải đồng bộ hạ tầng tiếp nhận rác phân loại ở các đơn vị chức năng thu gom.

Lịch thu gom rác thải vô cơ, hữu cơ cũng phải được xác định rõ và phổ biến đến từng hộ dân. Đơn vị thu gom cũng được quyền từ chối thu gom rác thải nếu người dân, lực lượng rác dân lập không được phân loại và chuyển giao đúng loại rác theo lịch trình quy định. Tránh tình trạng cứ tuyên truyền nhưng chưa đồng bộ khâu thu gom, gây mất lòng tin trong cộng đồng dân cư.

Về chi phí thu gom, cần phải tính đúng, tính đủ, phù hợp với thực tế thu gom và vận hành hoạt động thu gom rác theo phân loại. Riêng với lực lượng rác dân lập, nhất thiết phải gắn tư cách pháp lý. Về lâu dài, cần thiết phải có sự hợp nhất hoạt động công tác vệ sinh môi trường giống như mô hình tổng công ty điện lực hoặc cấp thoát nước. Từ cơ sở này, áp dụng công nghệ hiện đại vào hoạt động thu phí, kiểm soát chặt chẽ chất lượng vệ sinh môi trường chung cho toàn địa bàn thành phố. 

Liên quan đến vấn đề này, bà Nguyễn Thị Thanh Mỹ, Phó Giám đốc Sở TN-MT TPHCM, thừa nhận việc thu phí chủ nguồn thải và phân phối nguồn phí thu được đang rất lúng túng giữa các công ty công ích, lực lượng rác dân lập và các quận huyện; cần thiết phải có giải pháp để quản lý nguồn thu tập trung. Riêng hoạt động phân loại rác tại nguồn, quyết định của thành phố chỉ đạo phải triển khai từ năm 2017, nhưng cho đến nay việc thực hiện tại các quận huyện vẫn rất chậm.

Do vậy, trong thời gian tới, Sở TN-MT tiếp tục lắng nghe ý kiến của các quận huyện, các công ty công ích để nhanh chóng rà soát và đề xuất giải pháp để đẩy nhanh tiến độ thực hiện vấn đề trên.

Tin cùng chuyên mục