Pháp trở lại Trung Đông

Sau chuyến thăm Paris, Thủ tướng Lebanon Saad Hariri cam kết quay về nước để có tuyên bố chính thức về việc từ chức, hành động mà phía Lebanon vẫn hối thúc nhà chính khách này phải thực hiện sau khi ông bất ngờ từ chức vào ngày 4-11. 
Thủ tướng Lebanon Saad Hariri
Thủ tướng Lebanon Saad Hariri
Chưa rõ cam kết này có phải do phía Pháp tác động hay không, nhưng nó diễn ra sau chuyến thăm Pháp của ông Hariri, điều này cho thấy rằng Pháp dường như đang muốn đóng vai trò hòa giải chính trong cuộc khủng hoảng ở Lebanon, mà sâu xa hơn là thúc đẩy sứ mệnh ngoại giao của Pháp ở khu vực Trung Đông. Paris từng bày tỏ hy vọng chuyến đi của ông Hariri tới đất nước hình lục lăng sẽ giúp xoa dịu cuộc khủng hoảng, bởi nó chứng tỏ ông Hariri không bị bắt tại Saudi Arabia.

Chính phủ của Thủ tướng Hariri là một chính phủ liên minh chia sẻ quyền lực được thành lập vào năm 2016, trong đó có sự tham gia của lược lượng Hezbollah. Chính vì vậy, lời tuyên bố từ chức bất ngờ và bất thường của Thủ tướng Hariri lập tức đẩy Lebanon vào cuộc khủng hoảng chính trị nghiêm trọng. Không những vậy, cuộc khủng hoảng chính trị tại Lebanon còn khơi mào cho một cuộc xung đột tại Trung Đông, giữa Saudi Arabia và các đồng minh của mình chống lại khối quân sự do Iran đứng đầu. Khi cuộc khủng hoảng bị đẩy lên đỉnh điểm thì chuyến thăm bất ngờ của ông Macron đến Saudi Arabia, sau đó là chuyến công du của Ngoại trưởng Pháp Le Drian dường như để thực hiện sứ mệnh là tìm cách tháo ngòi nổ cho thùng thuốc súng Trung Đông.

Theo nhận định của truyền thông Pháp, từ vai trò hòa giải ở Lebanon đến việc bảo vệ thỏa thuận hạt nhân Iran, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã bộc lộ ý định muốn thay đổi hình ảnh của nước Pháp ở khu vực Trung Đông. Cùng chung nhận định này, nhà phân tích Olivier Guitta, Giám đốc điều hành Global Strat cho rằng, Tổng thống Pháp Macron đã thấy trước cơ hội của nước Pháp ở Trung Đông khi Anh và Mỹ tỏ ra thờ ơ với khu vực này. Trong vai trò hòa giải ở Lebanon, Tổng thống Macron đã cho thấy Pháp là quốc gia trung lập sau tuyên bố không đứng về bên nào mà chỉ thúc đẩy đối thoại. Đây cũng là cam kết của người đứng đầu nước Pháp sau khi nhậm chức, bởi theo ông Macron, Pháp sẽ duy trì quan điểm là một nước “độc lập, nhân đạo, mang sức mạnh châu Âu”, tin vào “logic xây dựng hòa bình” chứ không phải là “logic của sự can thiệp”. 

Đã có một số nhận định cho rằng, dù Mỹ không mặn mà với Trung Đông, nhưng với vị thế vững mạnh, Mỹ vẫn có khả năng thách thức tầm ảnh hưởng của mình đối với Pháp tại một trong những điểm nóng trên thế giới. Ảnh hưởng của Pháp sẽ chỉ giới hạn ở các thuộc địa cũ của nước này là Lebanon, Tunisia, Algeria, Morocco và ở một mức độ nào đó là Syria. 

Tuy nhiên, theo ông Frederic Charillon, giáo sư trường đại học Sciences Po, với kinh nghiệm chính trường khiêm tốn của mình, Tổng thống trẻ nhất của Pháp vẫn có khả năng lấy lại được uy tín mà nước Pháp đã mất trong khu vực trong những năm gần đây và tăng cường vị thế của mình trong các cuộc đàm phán trong tương lai về Syria. Thành công về mặt ngoại giao ở Lebanon sẽ đánh bóng danh tiếng của ông Macron như là một nhà đàm phán hoàn hảo, bốn tháng sau khi các phe phái của Libya đồng ý thỏa thuận ngừng bắn có điều kiện tại các cuộc hội đàm tại Paris, hành động mà dư luận quốc tế cho rằng Pháp đã đóng vai trò lớn trong việc hòa giải ở quốc gia này.

Tin cùng chuyên mục