Dự thảo Luật Lý lịch tư pháp: Đặt tên lý lịch tư pháp hay lý lịch án tích?

Dự thảo Luật Lý lịch tư pháp: Đặt tên lý lịch tư pháp hay lý lịch án tích?

Theo thống kê của Bộ Tư pháp, từ năm 1999 đến năm 2007, Sở Tư pháp các tỉnh, thành phố đã cấp phiếu lý lịch tư pháp cho gần 548.000 trường hợp để làm các thủ tục như xin việc làm, thành lập doanh nghiệp, xuất khẩu, xuất khẩu lao động… Do vậy, đây là một nhu cầu rất thiết thực và là quyền của công dân. Thế nhưng trong nội dung dự thảo Luật Lý lịch tư pháp (LLTP) đang đưa ra lấy ý kiến lại chưa đảm bảo cho công dân những quyền lợi chính đáng ấy.

Bị kết án mới có lý lịch tư pháp?

Dự thảo Luật Lý lịch tư pháp: Đặt tên lý lịch tư pháp hay lý lịch án tích? ảnh 1
Người dân làm thủ tục tư pháp tại Sở Tư pháp TPHCM. Ảnh: HỒNG HIỆP

Theo Bộ Tư pháp, quản lý LLTP có ý nghĩa quan trọng nhằm phục vụ hoạt động tố tụng, thống kê tư pháp, đáp ứng yêu cầu chứng minh nhân thân tư pháp của cá nhân trong những trường hợp cần thiết, tạo điều kiện cho người bị kết án trong việc xóa án tích, phục vụ công tác quản lý nhân sự của các cơ quan tổ chức… Tuy nhiên trong dự thảo của luật, thì LLTP lại được định nghĩa “… lý lịch về án tích của người bị kết án bằng bản án hình sự đã có hiệu lực pháp luật của tòa án và tình trạng thi hành bản án đó…”.

Bà Phan Thị Việt Thu (Hội Luật gia TP) cho rằng, định nghĩa như vậy có thể hiểu, chỉ người nào bị tòa kết án mới có LLTP và ngược lại những người nào chưa có án tích thì không. Ông Phan Hùng Dũng (Công an TP) nói: “LLTP phải thể hiện tất cả thông tin của công dân, những thông tin này đủ cơ sở để trình với các cơ quan khi có yêu cầu như xin việc, xuất cảnh, lập doanh nghiệp, chứ không phải như hiện nay khai rồi đem ra phường chứng thực”.

Theo ông Dũng, cần phải mở rộng phạm vi điều chỉnh của luật để cung cấp bản lý lịch cần thiết ấy cho mọi công dân, tránh trường hợp “né” - những cái khó nhất, cần thiết nhất lại không đưa vào.

Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội TPHCM Trần Du Lịch nói thêm: “Trong bối cảnh hiện nay, rất cần Luật LLTP để người dân thực hiện quyền vốn có của mình. Tuy nhiên nếu luật ra đời chỉ có phần án tích là không bao hàm hết nhu cầu của xã hội. Nếu dự thảo này được thông qua thành luật thì người dân khi dùng tới lý lịch vẫn phải ra phường chứng. Vậy thì thông qua luật để làm gì? Nếu luật ra đời chỉ phục vụ cho đối tượng có tiền án thì quá hạn hẹp, bởi người có tiền án chỉ chiếm một tỷ lệ rất nhỏ trong cộng đồng.
 
Đa số các ý kiến góp ý đều cho rằng nếu quy định như trong dự thảo thì nên đổi tên luật thành Luật Lý lịch án tích. Thực tế, tất cả mọi công dân đều cần LLTP, thế nên để đúng nghĩa là Luật LLTP thì cần nghiên cứu soạn thảo, bổ sung các điều khoản để đảm bảo khi có luật, mọi công dân đều được hưởng quyền lợi về LLTP.
 
Lý lịch tư pháp không phải là tàng thư can phạm!

Hiện nay chưa có cơ sở dữ liệu tư pháp chính thức, nên trong nhiều năm qua, các Sở Tư pháp phải tra cứu thông tin từ hệ thống tàng thư căn cước can phạm của ngành công an và từ hồ sơ án lưu của tòa án để làm căn cứ cấp phiếu LLTP cho công dân.

Theo Bộ Tư pháp, về mặt quản lý nhà nước, trong một thời gian dài từ năm 1957 đến năm 1993, LLTP bị đồng nhất với tàng thư can phạm. Cách làm này chỉ là giải pháp tạm thời, còn nhiều hạn chế, kém hiệu quả và không phù hợp với nguyên tắc cải cách hành chính. Trong khi đó, các thông tin về LLTP đang bị phân tán bởi nhiều cơ quan, tổ chức khác nhau như Tòa án (các bản án hình sự), Viện Kiểm sát (thống kê tội phạm), Công an (tàng thư căn cước can phạm) và Tư pháp (sổ sách về hộ tịch và thi hành án dân sự).

Hiện nay, việc tra cứu phục vụ công tác cấp phiếu LLTP do ngành công an đảm nhiệm. Tuy nhiên, do đây là một trong những tàng thư nghiệp vụ phục vụ chủ yếu cho công tác điều tra tội phạm của ngành công an nên các thông tin này còn nhiều điểm chưa phù hợp với mục đích, yêu cầu của việc cấp phiếu LLTP. Thông tin mà cơ quan quản lý LLTP quan tâm là việc xác định một người có tiền án hay không có tiền án.

Trong khi đó, không phải trường hợp nào hệ thống tàng thư căn cước can phạm của ngành công an cũng cập nhật và ghi nhận toàn bộ diễn biến việc xử lý đối với hành vi vi phạm pháp luật của đương sự (kết quả của quá trình tố tụng). Do vậy, phiếu báo kết quả xác minh chỉ dừng lại ở việc thông báo về vi phạm của đương sự mà không khẳng định được là đương sự có bị kết án hay không, có tiền án hay không.

Với những trường hợp như vậy, Sở Tư pháp của các tỉnh,  thành phố gặp rất nhiều khó khăn trong việc lập và cấp phiếu LLTP. Điều này khiến cho việc cấp phiếu LLTP không đảm bảo thời gian quy định, gây phiền hà, bức xúc cho người dân vì phải chờ đợi lâu, đi lại nhiều lần.

Đối với công dân có thời gian cư trú ở ngoài tỉnh, người nước ngoài và người Việt Nam định cư ở nước ngoài có nhu cầu cấp phiếu LLTP thì công việc càng nhiêu khê hơn. Cơ quan công an cấp tỉnh phải chuyển hồ sơ ra Cục Hồ sơ nghiệp vụ cảnh sát, Bộ Công an (C27) để tra cứu.

Sau khi có kết quả tra cứu, phòng hồ sơ nghiệp vụ cảnh sát tỉnh, thành thông báo kết quả xác minh cho Sở Tư pháp của các tỉnh, thành phố. Tuy nhiên, kết quả xác minh mà Sở Tư pháp nhận được từ phòng hồ sơ nghiệp vụ cảnh sát thường là quá thời gian quy định, dẫn đến việc cấp phiếu LLTP cho công dân bị kéo dài, làm ảnh hưởng đến việc bổ sung hồ sơ cá nhân của các đối tượng nêu trên…

TRẦN TOÀN

Tin cùng chuyên mục