Giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân: Ngồi cùng dân, xem thấu đáo từng trường hợp

“Có vấn đề” ở chính quyền cơ sở?
  • Khiếu nại vượt cấp giảm gần 30%, nhưng vẫn còn 199 vụ phức tạp, kéo dài

Ngày 30-8, tại TPHCM, dưới sự chủ trì của Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Văn Truyền, Hội nghị kiểm điểm việc thực hiện Kết luận 130-TB/TW của Bộ Chính trị về công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân đã diễn ra. Tham dự hội nghị có đại diện Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH), lãnh đạo các bộ ngành, các cơ quan Trung ương và chủ tịch UBND, chánh thanh tra 25 tỉnh, thành khu vực Tây Nguyên và phía Nam. Đồng chí Trương Vĩnh Trọng, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ, đã tới dự và phát biểu chỉ đạo hội nghị.

Đánh giá sau 8 tháng thực hiện Kết luận 130 của Bộ Chính trị, Thanh tra Chính phủ nhận định: Tình hình khiếu nại vượt cấp đã giảm gần 30%, cá biệt có địa phương giảm hơn một nửa. Tuy nhiên, vẫn còn tiềm ẩn nhiều phức tạp, các vụ việc nổi cộm - chủ yếu là tranh chấp đất đai, thực hiện chính sách đền bù, tái định cư các dự án vẫn còn gay gắt ở nhiều địa phương. Trong đó, có nhiều vụ khiếu nại, tố cáo đã được Thanh tra Chính phủ kết luận và Thủ tướng chỉ đạo giải quyết nhiều lần, song người dân vẫn chưa thông và tiếp tục khiếu kiện vượt cấp.

“Có vấn đề” ở chính quyền cơ sở?

Mở đầu phần thảo luận, Chủ tịch UBND TPHCM Lê Hoàng Quân phát biểu về những kinh nghiệm trong giải quyết các vụ khiếu kiện đông người, phức tạp. Đồng chí Lê Hoàng Quân cho biết: Trong danh sách 199 vụ khiếu kiện kéo dài, tồn đọng của cả nước đã được Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo giải quyết, đến nay TPHCM không còn trường hợp nào.

Đây là kết quả của sự quyết tâm và cách làm triệt để từ lãnh đạo các sở ngành đến các quận huyện. Cái “vướng” lớn nhất của TP hiện nay là chưa “chia lửa” được với các địa phương trong giải quyết các vụ khiếu kiện đông người ở các tỉnh kéo lên. “Khi có khiếu kiện đông người, ngoài giải pháp xử lý thật nghiêm các trường hợp kích động, lôi kéo, TP cũng chỉ biết thông báo đến các tỉnh cho xe lên chở dân về. Còn lại, trách nhiệm vẫn phải từ cơ sở và các cơ quan liên quan tham gia giải quyết những khiếu kiện của dân” – Chủ tịch UBND TPHCM Lê Hoàng Quân nói.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang Văn Hà Phong phát biểu: “Sở dĩ có tình trạng khiếu kiện kéo dài là do chính sách đất đai của chúng ta “có vấn đề”. Thực tế, không có dự án nào có sự đồng tình 100% của dân. Dự án nào cũng có chuyện này, chuyện kia”. “Người dân không đồng tình ở cái gì?” – Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng ngắt lời. “Chủ yếu là giá đền bù. Có dự án chỉ một vài hộ không chịu là coi như “đứng” và nó còn kéo theo các trường hợp khác đã được giải quyết” – ông Phong nói.

Chủ tịch UBND tỉnh Long An Dương Quốc Xuân bổ sung: “Luật đã có rồi thì chúng ta cứ thế mà thực hiện. Do không dứt khoát, cứ xem đi xem lại nhiều lần, dẫn tới dân cứ chờ “trên” và khi không được giải quyết lại tiếp tục đi khiếu kiện”. Phó Thủ tướng “vặn” lại: “Việc thực hiện các dự án, chúng ta có công khai, minh bạch, bàn bạc với dân chưa? Và khi có khiếu kiện của dân thì cả hệ thống chính trị ở cơ sở đã gặp dân, lắng nghe dân, thấu hiểu hết sự bức xúc của dân chưa?”.

Phó Thủ tướng dẫn chứng: Có nhiều nơi, chính quyền cơ sở giải quyết khiếu kiện của dân rất qua loa và thường chờ “trên” quyết. Có khi “trên” quyết rồi mà dân vẫn chưa chịu lại kéo đi khiếu kiện tiếp. Xem kỹ lại, có vụ việc chúng ta giải quyết sai ngay từ đầu. Đơn cử như ở Cần Thơ, trong 65 đơn khiếu kiện thì có 15 trường hợp là sai. “Cái chính trong giải quyết khiếu kiện là chúng ta phải ngồi lại với dân, rồi “kéo” các cơ quan chức năng vào xem xét giải quyết thật thấu đáo từng trường hợp một thì tôi tin dân sẽ thông thôi” – Phó Thủ tướng đúc kết.

“Có làm là có sai. Có sai thì phải sửa”

Theo Thứ trưởng Bộ Tài nguyên – Môi trường Trần Thế Ngọc, Luật Đất đai qua 5 lần sửa đổi, bổ sung (bình quân 4 năm sửa/lần) vẫn còn nhiều bất hợp lý. Nhiều nghị định, hướng dẫn chồng lên nhau và thậm chí tréo ngoe giữa các điều. Hiện nghị định 181, 132, 84… và nhiều thông tư, hướng dẫn thực hiện Luật Đất đai tới đây phải sửa mới phù hợp với thực tế. Trước mắt, Chính phủ đang xem xét ban hành “Nghị định sửa đổi các nghị định về đất đai đã ban hành”. Hay việc giải quyết các khiếu kiện về đất đai, cũng cần phải có một cơ quan tài phán, hay tòa án đất đai vì hiện nay một mình cơ quan thanh tra thì không cách nào giải quyết hết được những vụ việc khiếu kiện kéo dài.

Cùng quan điểm này, ông Trần Thế Vượng, UV UBTVQH, Trưởng ban Dân nguyện, cho rằng: Luật áp dụng trong thực tế phát hiện sai là phải sửa thì mới tránh thiệt hại cho dân. Như các lần sửa Luật Đất đai trước đây, phần xác định giá đất được giao cho Bộ Tài chính, thì nay phải sửa lại là giao cho Bộ Tài nguyên – Môi trường soạn thảo phần này. Có như vậy, giá đất mới sát với thực tế và phù hợp với đặc thù của từng loại đất. Hay Luật Khiếu nại tố cáo tới đây Quốc hội cũng sẽ xem xét tách ra thành 2 luật riêng để đảm bảo quyền khiếu nại và tố cáo của công dân được minh bạch, sát thực hơn.

Đồng tình với chủ trương sửa luật, Phó Chủ nhiệm UB Kiểm tra Trung ương Lê Hồng Liêm kiến nghị phải mạnh dạn sửa sai trong cán bộ tham gia giải quyết khiếu nại. Ông dẫn chứng, có địa phương nhiều vụ khiếu kiện đã được thanh tra, kiểm tra các cấp kết luận, nhưng tỉnh không thực hiện. Vụ việc dẫn đến UB Kiểm tra Trung ương phải kiến nghị cách chức đồng chí chủ tịch tỉnh và tới đây sẽ xử lý tiếp những cán bộ chậm giải quyết, hoặc giải quyết sai khiếu nại của dân. Vấn đề tiếp dân cũng vậy, nhiều nơi cán bộ chưa lắng nghe dân. Dân muốn gặp cán bộ phải làm đơn. Khi tiếp dân thì mang tính hình thức, né tránh, hoặc “đẩy” trách nhiệm giải quyết lên trên. “Tới đây, chúng ta phải xem xét vấn đề này một cách thấu đáo. Cán bộ làm sai mà không sửa thì dân còn đi khiếu nại. Có làm là có sai. Có sai thì phải sửa” – ông đúc kết.

Một vấn đề khác được Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Văn Truyền đưa ra và có tính kết luận của công tác giải quyết khiếu nại tố cáo, đó là vai trò của cấp ủy Đảng và chính quyền các cấp. Ông nói: “Nơi nào chính quyền gần dân, lắng nghe dân và thấu hiểu sự bức xúc của dân khi lợi ích bị thiệt hại, thì mới có cách giải quyết các vấn đề liên quan đến dân một cách rõ ràng và minh bạch được. Ngược lại, nếu chính quyền mà đứng ngoài, thờ ơ với những bức xúc của dân, thì tình hình khiếu kiện, nhất là khiếu kiện vượt cấp kéo dài sẽ còn tiếp diễn”.

Hoài Nam

Tin cùng chuyên mục