Cựu chủ tịch HĐQT Vinashin lãnh án 20 năm tù

Ngày 30-3, phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án “cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam (Vinashin) đã kết thúc sau 4 ngày xét xử. Tất cả 9 bị cáo trong vụ án này đều bị Hội đồng xét xử (HĐXX) tuyên phạt án tù giam, trong đó bị cáo Phạm Thanh Bình (nguyên Chủ tịch HĐQT, kiêm Tổng Giám đốc Vinashin) phải chịu mức án cao nhất là 20 năm tù…

Ngày 30-3, phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án “cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam (Vinashin) đã kết thúc sau 4 ngày xét xử. Tất cả 9 bị cáo trong vụ án này đều bị Hội đồng xét xử (HĐXX) tuyên phạt án tù giam, trong đó bị cáo Phạm Thanh Bình (nguyên Chủ tịch HĐQT, kiêm Tổng Giám đốc Vinashin) phải chịu mức án cao nhất là 20 năm tù…

  • Tiền đầu tư không từ trên trời rơi xuống

Trước khi nghị án, đại diện Viện kiểm sát (VKS) đã có cuộc đối đáp với các luật sư sau khi có ý kiến cho rằng cần phải xem xét lại nội dung truy tố của VKS; đồng thời, một số luật sư cũng đề nghị giảm tội cho nguyên Chủ tịch HĐQT Vinashin Phạm Thanh Bình và các bị cáo khác vì cho rằng những thiệt hại của Vinashin là do chịu tác động ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng kinh tế. Trong đó, nhiều ngành kinh tế lâm vào hoàn cảnh khó khăn chứ không riêng gì Vinashin khi thực hiện đầu tư các dự án.

Tuy nhiên, đại diện VKS đã chỉ rõ, tiền đầu tư trong các dự án có sai phạm của Vinashin không phải ở trên trời rơi xuống. Thậm chí, tiền từ nguồn của VFC (Công ty TNHH Một thành viên Tài chính công nghiệp tàu thủy Việt Nam) cũng là tiền của Vinashin và là tiền của Nhà nước. Tất cả các khoản vay đều có lộ trình trả song các công ty đều chưa trả được đồng nào cho tập đoàn. “Nếu tất cả các đơn vị làm ăn nghiêm chỉnh, vay về đầu tư đúng, không mất khả năng thanh toán, đâu có chuyện Vinashin bị thiệt hại như hiện nay?

Chừng nào chưa hoàn vốn thì còn thiệt hại do phát sinh lãi. Lãi mẹ còn đẻ lãi con, thậm chí lãi cháu, chắt. Các bị cáo là lãnh đạo, quan chức Nhà nước phải lường trước hết mọi hậu quả có thể xảy ra với doanh nghiệp, tập đoàn của mình…”, đại diện VKS chỉ rõ.

Đại diện VKS cũng bày tỏ băn khoăn trước việc các nguyên đơn dân sự là đại diện của Tập đoàn Vinashin gồm các công ty: VFC, Viễn Dương, Cái Lân, Nam Triệu, Cửu Long… đã không nắm rõ đối với các dự án đầu tư có sai phạm. “Chúng tôi thấy rất buồn, nhiều nguyên đơn dân sự đến tòa đã không nắm được có lợi hay không có lợi, số nợ bao nhiêu cũng không nắm rõ. Đây là vấn đề cần xem xét lại”, đại diện VKS bày tỏ.

Đại diện VKS cũng cho biết, sẽ có ý kiến kiến nghị Chính phủ xem xét lại cách quản lý tài sản Nhà nước đối với các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp cổ phần vì đây cũng là tài sản của Nhà nước.

  • Bản án nghiêm khắc

Sau gần một ngày bào chữa và đối đáp căng thẳng giữa đại diện VKS và luật sư bào chữa cho các bị cáo, đúng 18 giờ, thẩm phán Trần Văn Nghiên, Chánh tòa kinh tế TAND TP Hải Phòng - Chủ tọa phiên tòa sơ thẩm đã tuyên đọc bản án dành cho 9 bị cáo.

Theo đó, bị cáo Phạm Thanh Bình (nguyên Chủ tịch HĐQT, kiêm Tổng Giám đốc Vinashin) 20 năm tù; Trần Văn Liêm (nguyên Trưởng ban Kiểm soát Vinashin) 19 năm tù; Tô Nghiêm (nguyên Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư Phát triển Khu kinh tế Hải Hà) 18 năm tù; Nguyễn Văn Tuyên (nguyên Giám đốc Công ty cổ phần Công nghiệp tàu thủy Hoàng Anh) 16 năm tù; Trịnh Thị Hậu (nguyên Tổng Giám đốc Công ty Tài chính TNHH Một thành viên Công nghiệp tàu thủy) 14 năm tù; Hoàng Gia Hiệp (nguyên Phó Tổng giám đốc Công ty Tài chính TNHH Một thành viên Công nghiệp tàu thủy) 13 năm tù; Trần Quang Vũ (nguyên Tổng Giám đốc Vinashin, đã nộp 1 tỷ đồng khắc phục một phần hậu quả) 11 năm tù và Đỗ Đình Côn (nguyên Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần Công nghiệp tàu thủy Hoàng Anh) nhận mức án 10 năm tù.

Riêng bị cáo Nguyễn Tuấn Dương (nguyên Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Đầu tư Cửu Long) bị phạt 3 năm tù về tội “Sử dụng trái phép tài sản” được VKS đề nghị chuyển đổi tội danh đã định trước đó. Ngoài hình phạt tù, các bị cáo còn có trách nhiệm bồi thường những thiệt hại do những hành vi vi phạm pháp luật của mình gây ra.

Khi nói lời cuối cùng trước vành móng ngựa, bị cáo Phạm Thanh Bình thừa nhận đã thực hiện sai chỉ đạo của Chính phủ. “Bị cáo có những lúc nôn nóng, thậm chí có lúc “xé rào” làm sai quy định. Việc làm bị cáo không mang lợi ích cá nhân nên mong HĐXX xem xét giảm tội cho tôi”, bị cáo Phạm Thanh Bình bày tỏ.  

KHÁNH NGUYỄN

- Thông tin liên quan:

>> Xét xử vụ Vinashin: Đề nghị phạt tù Phạm Thanh Bình từ 19-20 năm

>> Tiếp tục phiên tòa xét xử vụ Vinashin - Những dự án... đốt tiền

>> Xét xử vụ án tại Vinashin - Thử nghiệm và gây thiệt hại hàng ngàn tỷ đồng

Tin cùng chuyên mục