Giấy ủy quyền có khác hợp đồng ủy quyền?

Thời gian gần đây, Báo SGGP nhận được nhiều thắc mắc pháp luật của bạn đọc chung quanh giấy ủy quyền (GUQ) và hợp đồng ủy quyền (HĐUQ). Luật sư Nguyễn Thanh Thế (Đoàn Luật sư TPHCM) đã giải đáp các thắc mắc trên như sau:

- Xin cho biết sự khác nhau giữa GUQ và HĐUQ. Văn bản nào có tính pháp lý cao hơn và cơ quan nào có chức năng xác nhận?

Lâm Quang Tập, quận 8, TPHCM

>> Luật sư Nguyễn Thanh Thế: Cả hai đều có giá trị pháp lý như nhau. Giấy ủy quyền là giấy có giá trị trao toàn quyền của mình cho người khác thực hiện công việc của mình. Theo Điều 581 Bộ luật Dân sự, HĐUQ là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên được ủy quyền có nghĩa vụ thực hiện công việc nhân danh bên ủy quyền, còn bên ủy quyền chỉ phải trả thù lao, nếu có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định.

Như vậy, GUQ và HĐUQ chỉ khác nhau về hình thức nhưng nhằm mục đích duy nhất là chuyển quyền thực hiện cho người khác nhân danh mình làm thay. Tính hợp pháp của GUQ là con dấu của doanh nghiệp hoặc chứng thực của UBND cấp có thẩm quyền. Trường hợp này UBND chỉ chứng thực chữ ký của người ủy quyền, không chứng thực nội dung GUQ. HĐUQ là hình thức văn bản ủy quyền chặt chẽ nhất, là cơ sở pháp lý vững chắc, có điều khoản và chế tài cụ thể; quyền và nghĩa vụ của các bên được thể hiện rõ trong hợp đồng. HĐUQ phải lập thành văn bản và được công chứng, chứng thực mới có giá trị pháp lý.

- Ba tôi làm GUQ cho tôi thay mặt để mua bán nhà nhưng khi ra phường thì họ yêu cầu GUQ phải đưa ra phòng công chứng, như vậy đúng hay sai?

thunguyen@yahoo.com

>> Hiện nay chưa có quy định cụ thể để xác định cơ quan có thẩm quyền xác nhận GUQ. Trên thực tế, một số người dân khi đến để chứng thực chữ ký vào GUQ ở UBND xã, phường đã bị từ chối, còn một số phường, xã khác vẫn chứng thực.

Theo quy định tại điểm b, khoản 2, Điều 5, Nghị định 79/2007/NĐ-CP ngày 18-5-2007 của Chính phủ về cấp bản sao từ sổ gốc, chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký, thì UBND xã, phường, thị trấn có thẩm quyền và trách nhiệm chứng thực chữ ký trong các giấy tờ, văn bản bằng tiếng Việt; như vậy GUQ bằng tiếng Việt phải được xác nhận chữ ký. Trong khi đó, Luật Công chứng có hiệu lực từ ngày 1-7-2007 quy định các tổ chức hành nghề công chứng có thẩm quyền công chứng GUQ, bởi đó là một giao dịch dân sự. Tuy nhiên, một số xã, phường nếu chứng thực chữ ký trong GUQ với tính chất là chứng thực chữ ký thì vẫn phù hợp với quy định tại Nghị định 79/2007/NĐ-CP.

- Tôi có làm HĐUQ cho người em thay tôi đòi lại căn nhà nhưng sau đó em tôi lại đem bán căn nhà này. Nay tôi có thể hủy HĐUQ được không?

Phương Thi, quận 3, TPHCM

>> Theo Điều 588 Bộ luật Dân sự, việc đơn phương hủy HĐUQ là ý chí chủ quan của người ủy quyền mà không cần xem xét lý do.

Theo đó, đối với bên ủy quyền, trong trường hợp ủy quyền có thù lao, bên ủy quyền có quyền đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng bất cứ lúc nào, nhưng phải trả thù lao cho bên được ủy quyền tương ứng với công việc mà bên được ủy quyền đã thực hiện và bồi thường thiệt hại. Nếu ủy quyền không có thù lao thì bên ủy quyền có thể chấm dứt thực hiện hợp đồng bất cứ lúc nào, nhưng phải báo trước cho bên được ủy quyền một thời gian hợp lý. Bên ủy quyền phải báo bằng văn bản cho người thứ ba biết về việc bên ủy quyền chấm dứt thực hiện hợp đồng; nếu không báo thì hợp đồng với người thứ ba vẫn có hiệu lực, trừ trường hợp người thứ ba biết hoặc phải biết về việc HĐUQ đã bị chấm dứt.

Thư Lê thực hiện

Tin cùng chuyên mục