Khó truy tố hình sự trộm cắp điện do vướng thủ tục

Trong năm 2012 và 8 tháng đầu năm 2013, Tổng Công ty Điện lực TPHCM (EVN HCMC) đã phát hiện 1.990 trường hợp vi phạm trộm cắp điện và xử lý truy thu số tiền gian lận điện khoảng 43 tỷ đồng.

(SGGP).– Trong năm 2012 và 8 tháng đầu năm 2013, Tổng Công ty Điện lực TPHCM (EVN HCMC) đã phát hiện 1.990 trường hợp vi phạm trộm cắp điện và xử lý truy thu số tiền gian lận điện khoảng 43 tỷ đồng.

Thông tin này được ông Nguyễn Văn Lý, Phó Tổng Giám đốc EVN HCMC cho biết tại cuộc họp với lãnh đạo UBND TPHCM sáng 24-9 về vi phạm trong lĩnh vực điện. Theo đó, trong số 1.990 vụ trộm cắp điện bị phát hiện có đến 1.370 vụ có lượng điện gian lận trên 3.000 kWh. Đó là những vụ được nhân viên ngành điện kiểm tra phát hiện, còn những trường hợp không thể phát hiện được trên thực tế có thể nhiều hơn gấp 10 lần. Các hành vi vi phạm trộm cắp điện như lấy cắp điện trước hệ thống đo đếm, khoan lỗ điện kế, phá hoặc làm giả chì niêm, cô lập tín hiệu đo đếm, sử dụng nam châm đặt trên điện kế, sử dụng máy tạo dòng, câu trực tiếp… Đáng lo ngại nhất là trong lúc số lượng và hành vi vi phạm gian lận, trộm cắp điện ngày càng nghiêm trọng hơn trên địa bàn thành phố, các đối tượng sử dụng thiết bị, kỹ thuật tinh vi hiện đại hơn để trộm điện, nhưng lâu nay ngành điện mới chỉ có thể phạt truy thu tiền, nặng nhất cũng mới truy thu 25 – 30 triệu đồng/trường hợp chứ chưa khởi tố hình sự nhằm tăng tính răn đe.

Theo ông Phan Anh Minh, Phó Giám đốc Công an TPHCM, sở dĩ lâu nay khó truy tố trách nhiệm hình sự đối với các trường hợp trộm cắp điện là do vướng về thủ tục pháp lý.

Cụ thể, thẩm quyền lập biên bản xử phạt vi phạm hành chính phải là cơ quan chức năng có thẩm quyền như công an, chính quyền địa phương. Trên cơ sở đó mới có thể khởi tố hình sự được. Lâu nay thường là do nhân viên ngành điện phát hiện, lập biên bản phạt truy thu tiền điện. Chưa kể, kết quả giám định công cụ vi phạm gian lận điện tại thành phố hiện nay chưa có đơn vị nào chịu đứng ra giám định. Chỉ có trung tâm giám định ngành điện lực, mà như vậy là không khách quan và chẳng có tòa án nào chịu đứng ra xử. “Ngành điện nên mời công an hoặc chính quyền địa phương lập biên bản vi phạm hành chính mỗi khi phát hiện. Sắp tới nên tập trung truy tố trách nhiệm hình sự đối với vài trường hợp trộm cắp điện trong sản xuất công nghiệp, câu điện trực tiếp không qua đồng hồ với lượng điện gian lận trên 3.000 kWh để răn đe” - ông Phan Anh Minh đề nghị.

Phó Chủ tịch UBND TPHCM Lê Mạnh Hà yêu cầu Sở Công thương phối hợp EVN HCMC kiểm tra phát hiện, lập biên bản vi phạm sử dụng điện chặt chẽ hơn, đúng trình tự theo quy định. Việc giám định thiệt hại, thiết bị gian lận điện phải liên hệ với cơ quan thứ 3 là: Trung tâm Tiêu chuẩn Đo lường chất lượng 3 hoặc đơn vị chuyên môn trực thuộc Sở KH-CN TP để tăng tính khách quan trong xử lý hành vi gian lận sử dụng điện.

VÂN ANH

Tin cùng chuyên mục