15 năm thi hành Luật Báo chí: Còn nhiều vấn đề đáng lo ngại

(SGGPO). - Nhiều thông tin trên báo chí ngày càng giật gân, câu khách, sai sự thật, xu hướng thương mại hóa chậm được khắc phục. Không ít cơ quan chủ quản báo chí buông lỏng quản lý, có hiện tượng tư nhân chi phối báo chí khiến nhiều tờ báo xa rời tôn chỉ mục đích.Báo điện tử, mạng viễn thông, internet phát triển mạnh gây khó khăn trong quản lý… Đây là những vấn đề được đạt ra tại hội nghị tổng kết 15 thi hành Luật Báo chí diễn ra ngày 12-11 tại Hà Nội…

(SGGPO). - Nhiều thông tin trên báo chí ngày càng giật gân, câu khách, sai sự thật, xu hướng thương mại hóa chậm được khắc phục. Không ít cơ quan chủ quản báo chí buông lỏng quản lý, có hiện tượng tư nhân chi phối báo chí khiến nhiều tờ báo xa rời tôn chỉ mục đích.Báo điện tử, mạng viễn thông, internet phát triển mạnh gây khó khăn trong quản lý… Đây là những vấn đề được đạt ra tại hội nghị tổng kết 15 thi hành Luật Báo chí diễn ra ngày 12-11 tại Hà Nội…

Theo Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Bắc Son, sau 15 năm thực thi Luật Báo chí, báo chí Việt Nam đã có bước phát triển mạnh mẽ, ngày càng khẳng định vai trò là phương tiện thông tin thiết yếu. Đặc biệt báo chí đã trở thành diễn đàn của các tầng lớp nhân dân, cầu nối quan trọng giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân,báo chí đã phát huy vai trò phản biện, giám sát xã hội, kịp thời đề xuất chỉnh sửa nhiều vấn đề bất cập. Quyền tự do báo chí, tự do ngôn luận trên báo chí của nhân dân được bảo đảm và phát huy trong khuôn khổ Hiến pháp và luật định.

Tính đến năm 2014, cả nước có 838 cơ quan báo chí với 1.111 ấn phẩm. Trong đó, có 199 cơ quan báo chí in chiếm 24% (86 báo trung ương và các bộ, ngành, đoàn thể và 113 báo địa phương), 639 tạp chí chiếm 76%; 90 cơ quan báo điện tử, 207 trang thông tin điện tử tổng hợp của các cơ quan báo chí; 67 đài phát thanh, truyền hình. Cùng với đó, đội ngũ người làm báo cũng ngày càng đông đảo với khoảng 40.000 người, trong đó có gần 18.000 người được cấp thẻ nhà báo.
 
Bên cạnh sự phát triển mạnh mẽ của các loại hình báo chí thì theo đánh giá của lãnh đạo Bộ Thông tin và Truyền thông hoạt động báo chí và công tác quản lý Nhà nước về báo chí cũng còn những hạn chế, bất cập. Trong đó nổi lên là không ít cơ quan báo chí không thực hiện đúng tôn chỉ mục đích, thông tin giật gân, câu khách, chạy theo thị hiếu tầm thường của một bộ phận công chúng. Không ít ấn phẩm phụ của báo in và báo điện tử đưa có nhiều thông tin tiêu cực, thông tin trái thuần phong mỹ tục, miêu tả tỉ mỉ các hành vi tội ác, tiêu cực …gây cảm giác nặng nề, u ám trong đời sống xã hội và phản cảm cho người đọc.

Thậm chí còn có những thông tin thiếu nhạy cảm chính trị , chưa chính xác, sai sự thật, làm tổn hại lợi ích đất nước, lợi ích chính đáng của tổ chức, cá nhân. Đáng chú ý, nhiều báo điện tử và trang điện tử buông lỏng khâu thẩm định nguồn tin dẫn tới sai phạm. Nhiều báo điện tử và trang thông tin điện tử tổng hợp tự ý lấy tin, bài, ảnh của báo khác mà không xin phép, không dẫn nguồn gây ra sự bất bình và bức xúc.

Ông Trương Minh Tuấn- Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, chỉ riêng trong 2 năm 2012-2013, đã có khoảng 100 cơ quan báo chí bị xử lý vi phạm hành chính với số tiền trên 1 tỷ đồng; nhiều trường bị thu thẻ nhà báo, kỷ luật, 2 tổng biên tập bị khiển trách.

Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nêu rõ, những năm qua báo chí nước nhà đã có bước phát triển rất mạnh mẽ, thông tin đã đến với mọi ngõ ngách của cuộc sống và vươn ra toàn thế giới. Trong quá trình phát triển, phát sinh cả cái tốt và cái chưa tốt. Việc sửa đổi Luật Báo chí cần đảm bảo nguyên tắc báo chí Cách mạng đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước, đồng thời tạo điều kiện cho các cơ quan báo chí phát triển mạnh mẽ hơn, phục vụ tốt hơn cho việc thực hiện, hoạch định các đường lối, chính sách, chủ trương của Đảng, Nhà nước trong xây dựng, bảo vệ đất nước; để nhân dân, thông qua báo chí, thực hiện tốt hơn quyền làm chủ.Trên tinh thần đó, Phó Thủ tướng đề nghị  trong quá trình soạn dự thảo Luật Báo chí (sửa đổi), Bộ Thông tin và Truyền thông cần huy động sự tham gia  của  đông đảo những người làm báo đóng góp ý kiến kịp thời và đúng mực, đặc biệt là những vấn đề nóng đang được quan tâm.

NGUYỄN QUỐC

Tin cùng chuyên mục