Cho vay - bắc cầu, đòi nợ - trực tiếp

Né tránh câu hỏi không có lợi
Cho vay - bắc cầu, đòi nợ - trực tiếp

Phiên xử phúc thẩm vụ án Huỳnh Thị Huyền Như chiếm đoạt 3.900 tỷ đồng:

(SGGPO).- Ngày 18-12, phiên xử phúc thẩm vụ án Huỳnh Thị Huyền Như (nguyên Phó Phòng quản lý rủi ro Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam - viết tắt Vietinbank, chi nhánh TPHCM) chiếm đoạt 3.900 tỷ đồng của 15 ngân hàng, công ty, cá nhân bước sang ngày làm việc thứ 4. 
 
Né tránh câu hỏi không có lợi

Trong phần làm việc buổi sáng, hội đồng xét xử thẩm vấn về hành vi Huỳnh Thị Huyền Như chiếm đoạt 200 tỷ đồng của Ngân hàng TMCP Nam Việt (NaviBank).

Theo lời khai nhận, bị cáo Huyền Như đã đồng ý thỏa thuận với Đoàn Đăng Luật, Trưởng Phòng nguồn vốn NaviBank, nhận tiền gửi của NaviBank với lãi suất trong hợp đồng là 14%/năm. Để NaviBank tin tưởng chuyển tiền, từ ngày 14-7-2011 đến ngày 26-7-2011, Như đề xuất lãnh đạo VietinBank chi nhánh TPHCM ký 18 hợp đồng tiền gửi với các nhân viên NaviBank để nhận gửi 500 tỷ đồng, lãi suất 14/%/năm, thời hạn 4 tháng, không báo cáo với lãnh đạo về phần chênh lệch ngoài hợp đồng phải trả cho Luật.

Đến ngày 7-9-2011, Như đã tất toán 12 hợp đồng với số tiền 300 tỷ, còn lại 200 tỷ đồng đứng tên 4 cá nhân gồm Huỳnh Linh Chi 63,3 tỷ đồng, Cao Thị Thùy Anh 27,3 tỷ đồng, Lương Thị Thủy Tiên 67,2 tỷ đồng và Lê Thị Thu Hương 42,2 tỷ đồng. Do các cá nhân này không giữ thẻ tiết kiệm mà để Như giữ nên Như đã tự trích chuyển từ tài khoản tiền gửi của các cá nhân này mở tại VietinBank chi nhánh TPHCM trả nợ cho các cá nhân, tổ chức mà Như đã vay trước đó, chiếm đoạt 200 tỷ đồng.

Huỳnh Thị Huyền Như (trái) cùng đồng phạm tại phiên tòa

Đối với số tiền bị mất, đại diện NaviBank cũng như đại diện cho 4 cá nhân đứng tên trên hợp đồng tiền gửi mở tài khoản tại VietinBank chi nhánh TPHCM kháng cáo đề nghị tòa án cấp phúc thẩm tuyên VietinBank phải có trách nhiệm bồi thường tiền gốc 200 tỷ đồng và tiền lãi phát sinh, chứ không phải buộc Huyền Như bồi thường như bản án sơ thẩm đã tuyên.

Sau khi đại diện NaviBank xác nhận không trực tiếp ký hợp đồng gửi tiền với VietinBank, chủ tọa phiên tòa - thẩm phán Quảng Đức Tuyên đặt câu hỏi: “NaviBank không có quan hệ giao dịch với VietinBank, lấy tư cách gì yêu cầu VietinBank bồi thường? Số tiền các nhân viên của NaviBank gửi vào tài khoản mở tại VietinBank chi nhánh TPHCM có nguồn gốc từ đâu?”.

Đại diện NaviBank cho biết, thực chất toàn bộ số tiền đó là tiền các cá nhân vay từ NaviBank.

Tham gia thẩm vấn, đại diện Viện KSND TPHCM giữ quyền công tố tại phiên tòa hỏi đại diện NaviBank xung quanh việc gửi tiền vào VietinBank thông qua nhân viên. Tuy nhiên, trước những câu hỏi bất lợi cho ngân hàng, đại diện NaviBank từ chối trả lời. Cụ thể:

- Công tố viên: Vì sao NaviBank ký hợp đồng cho nhân viên của mình vay tiền?

- Đại diện NaviBank: để nhân viên có tiền đem gửi tại VietinBank chi nhánh TPHCM.

- Việc này làm theo chủ trương của ai?

- Tôi xin phép không trả lời.

- Trong quá trình điều tra, hồ sơ đã thể hiện rõ. Tại phiên tòa này tôi chỉ muốn hỏi để ông xác nhận lại thôi. Trách nhiệm của ông là phải trả lời.

- Tôi không thể trả lời.

- Lời khai của các bên trong quá trình điều tra cho thấy là theo chủ trương của Hội đồng quản trị NaviBank. Tại sao phải né tránh vấn đề này? Việc làm này có thực hiện đúng quy định về cho vay?
- Xin không đánh giá về vấn đề này.

- Là một ngân hàng thương mại, NaviBank có biết Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định mức trần lãi suất vào thời điểm đó là bao nhiêu %?

- Tôi phải xem lại quy định về lãi suất vào thời điểm đó mới có thể trả lời.

Chưa đồng ý với phần trả lời của đại diện NaviBank, chủ tọa phiên tòa tiếp tục thẩm vấn: “NaviBank cũng là tổ chức tín dụng, biết rõ quy định về gửi tiền nhưng sao không trực tiếp đến VietinBank gửi tiền, phải đi vòng bằng cách nhờ nhân viên của mình gửi? Mục đích của NaviBank là gì?”.

Đại diện NaviBank đưa ra lý do: “Do nguồn tiền huy động thừa nên NaviBank cho nhân viên gửi vào VietinBank để NaviBank hưởng lãi. Về nguyên tắc, các khoản tiền gửi liên ngân hàng sẽ không được ưu tiên thanh khoản như các khoản tiền do cá nhân gửi. Vì vậy để đảm bảo an toàn vốn NaviBank phải làm cách này”.

Cho vay bắc cầu để hưởng lãi suất cao hơn

Sau phần thẩm vấn về hành vi chiếm đoạt tiền của NaviBank, hội đồng xét xử chuyển qua thẩm vấn về hành vi Huỳnh Thị Huyền Như chiếm đoạt 718 tỷ đồng của Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB).

Lời khai của Huyền Như cho thấy thông qua Huỳnh Thị Bảo Ngọc - Phó phòng quản lý quỹ của ACB, Huyền Như huy động của Ngân hàng ACB 668,908 tỷ đồng đứng tên 17 nhân viên của ngân hàng này gửi tiền vào VietinBank chi nhánh TPHCM với lãi suất thỏa thuận trong hợp đồng là 14%/năm, lãi suất chênh lệch ngoài hợp đồng từ 3,8% đến 4,5 %/năm tùy theo số tiền và thời gian gửi.

Để thuận lợi cho việc chiếm đoạt tiền của ACB, Như yêu cầu các nhân viên ACB đứng tên gửi tiền mở tài khoản thanh toán tại VietinBank chi nhánh TPHCM. Sau khi VietinBank chi nhánh TPHCM ký hợp đồng nhận gửi tiền của các nhân viên ACB, Như giao các hợp đồng đó cho 17 cá nhân nhưng không giao thẻ tiết kiệm cho họ.

Tiếp theo, Như dùng 83 thẻ tiết kiệm và tài khoản tiết kiệm tiền gửi của các nhân viên ACB làm tài sản đảm bảo các hợp đồng vay tiền giả, ký giả chữ ký của chủ thẻ với vai trò là người bảo lãnh, người đứng tên vay và nhờ người thân đứng tên để vay tiền tại hai Phòng giao dịch Điện Biên Phủ và Đinh Tiên Hoàng thuộc VietinBank chi nhánh TPHCM; dùng 16 thẻ tiết kiệm đứng tên 9 cá nhân, sau đó làm giả 16 lệnh chi, ký giả chữ ký của 9 chủ tài khoản để làm thủ tục tất toán và chuyển số tiền trả nợ cho các đơn vị, cá nhân mà Như đã vay trước đó. Số tiền còn trong tài khoản tiền gửi tiết kiệm của các nhân viên ACB, Như làm giả lệnh chi, ký giả chữ ký của chủ tài khoản để chuyển từ tài khoản tiền gửi tiết kiệm của các cá nhân ACB mở tại VietinBank chi nhánh TPHCM trả nợ cho các cá nhân, tổ chức mà Như vay tiền trước đó.

Ngoài ra, thông qua Huỳnh Thị Ngọc Ánh, Phó Phòng kế toán ACB, lấy danh nghĩa huy động tiền cho VietinBank chi nhánh Nhà Bè, Như làm giả hợp đồng tiền gửi, ký giả chữ ký của Võ Anh Tuấn, Phó Giám đốc VietinBank chi nhánh Nhà Bè để huy động của ACB 50 tỷ đồng đứng tên 2 nhân viên. Sau khi tiền được chuyển vào tài khoản của 2 người này, Như lập giả các lệnh chi, ký giả chữ ký của họ để chiếm đoạt.

Với các thủ đoạn nêu trên, Như đã chiếm đoạt tổng cộng của ACB hơn 718 tỷ đồng do 19 nhân viên đứng tên gửi tiền vào VietinBank chi nhánh Nhà Bè và chi nhánh TPHCM.

Trình bày tại tòa, đại diện ACB đề nghị tòa án cấp phúc thẩm tuyên VietinBank trả tiền cho ACB khoản tiền bị chiếm đoạt và tiền lãi phát sinh cho đến giai đoạn thi hành án dân sự (khoản tiền này án sơ thẩm tuyên Huyền Như và đồng phạm phải trả - PV).

Về nguồn gốc số tiền bị chiếm đoạt, đại diện ACB cho biết đó là tiền ACB ủy thác cho 19 nhân viên gửi ở VietinBank theo hình thức tiết kiệm, là loại hình không dành cho pháp nhân và có lãi suất cao hơn. Sau khi đại diện ACB xác định không có quan hệ gửi - giữ tiền trực tiếp giữa ACB và VietinBank, chủ tọa phiên tòa nhận xét: “ACB ủy thác cho nhân viên gửi tiền cho VietinBank, nhưng lại yêu cầu VietinBank trả thẳng cho ACB. Các anh khi đi thì bắc cầu, khi về thì đi thẳng”.

Cũng qua phần thẩm vấn, chủ tọa phiên tòa cho rằng cần đưa bà Huỳnh Thị Bảo Ngọc vào tố tụng thì mới có thể làm rõ được vụ việc, vì là Ngọc là nguời tiếp xúc ban đầu với Như, nhận thông báo số tài khoản từ Như để báo lại với 17 nhân viên của ACB và thông báo lại với lãnh đạo ACB.

Đồng thời, lời khai của bị cáo Huyền Như tại tòa cũng cho thấy bị cáo đã chuyển tiền chênh lệch ngoài hợp đồng hơn 10 tỷ đồng vào tài khoản của Huỳnh Thị Chiêu Uyên - chị của bà Bảo Ngọc.

“Hội đồng xét xử sẽ triệu tập bà Uyên để làm rõ, không để lọt tội phạm”, chủ tọa phiên tòa nói.

ÁI CHÂN

>> Truy hỏi trách nhiệm của ngân hàng

>> Khai mạc phiên xử phúc thẩm vụ án Huỳnh Thị Huyền Như chiếm đoạt 3.900 tỷ đồng

>> Hôm nay, xét xử phúc thẩm vụ án Huỳnh Thị Huyền Như chiếm đoạt 3.900 tỷ đồng

>> Huyền Như xin xử án nhẹ cho đồng phạm

>> Vụ Huỳnh Thị Huyền Như chiếm đoạt 3.900 tỷ đồng - Công tố viên khẳng định quan điểm luận tội

Tin cùng chuyên mục