Xác định rõ vai trò của Chính phủ, mô hình tổ chức chính quyền địa phương

Trong hai ngày (từ 16 đến 17-7), tại Hà Nội, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Chính phủ đã họp chuyên đề về công tác xây dựng pháp luật.

(SGGPO). - Trong hai ngày (từ 16 đến 17-7), tại Hà Nội, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Chính phủ đã họp chuyên đề về công tác xây dựng pháp luật.

Tại phiên họp, Chính phủ đã nghe các tờ trình từ các bộ chủ trì soạn thảo, báo cáo thẩm định và tập trung thảo luận, cho ý kiến về các dự án Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi); dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương; dự án Luật Dân số; dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kế toán; dự án Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Phát biểu tại Phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu bảo đảm tính kịp thời, đúng tiến độ, không để chậm trễ, không để nợ đọng văn bản; đồng thời đảm bảo chất lượng của các văn bản quy phạm pháp luật, đó là tính hợp pháp, hợp hiến, khả thi.

Về dự án Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi), các thành viên Chính phủ thống nhất cần xác định rõ vai trò của Chính phủ là cơ quan hành chính nhà nước cao nhất, cơ quan hành pháp và cơ quan chấp hành của Quốc hội khi đề cập đến vị trí, chức năng của Chính phủ; vị trí và chức năng của bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ trong luật. Các ý kiến cũng đề nghị trong xây dựng dự án luật cần bám sát hơn nữa vào tinh thần và các quy định cụ thể của Hiến pháp 2013; thể hiện rõ hơn quy định về sự phối hợp giữa các bộ, ngành trong thực hiện nhiệm vụ chung; sự phân cấp, phân quyền trong hệ thống các cơ quan hành chính nhà nước; đề cao sự chủ động của các thành viên Chính phủ trong chỉ đạo, điều hành…

Về Dự án Luật tổ chức chính quyền địa phương, ý kiến phát biểu của nhiều thành viên Chính phủ cho rằng, dự án luật cần bám sát, thể chế hóa các quan điểm của Đảng về đổi mới tổ chức, hoạt động của bộ máy nhà nước và cụ thể hóa các quy định của Hiến pháp năm 2013 về chính quyền địa phương; bảo đảm được sự thống nhất, thông suốt, hiệu lực, hiệu quả trong hoạt động của bộ máy nhà nước từ Trung ương đến cơ sở, phát huy dân chủ. Các thành viên Chính phủ cũng tập trung làm rõ những vấn đề lớn của dự án luật như về mô hình tổ chức chính quyền địa phương; tổ chức và tên gọi cơ quan hành chính quận, phường; mô hình đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt; phê chuẩn kết quả bầu, miễn nhiệm thành viên UBND các cấp;…

Chỉ đạo về việc xây dựng 2 luật này, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp thu ý kiến phát biểu, đóng góp ý kiến của các thành viên Chính phủ để tiếp tục xây dựng, hoàn thiện 2 dự án luật này trên tinh thần bám sát Hiến pháp, thực tiễn và kế thừa các luật hiện hành.

Ngoài ra, tại phiên họp, các thành viên Chính phủ cũng nghe báo cáo, đóng góp ý kiến vào dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về việc Việt Nam tham gia các hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hiệp quốc; dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 105/2012/NĐ-CP của Chính phủ về tổ chức lễ tang cán bộ, công chức, viên chức.

PHAN THẢO

Tin cùng chuyên mục